Thế giới

Lai lịch tàu Trung Quốc chuyên 'bắt nạt' ở Biển Đông

Các lực lượng bảo vệ bờ biển trên thế giới thường không được chú ý nhiều. Nhiệm vụ của họ thường là hành pháp, tìm kiếm, cứu nạn.

Theo tạp chí National Interest, lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc lại có vẻ uy lực hơn cả. Và Trung Quốc có một tàu đặc biệt rất dễ gây gổ, đó là ‘siêu’ tàu hải cảnh CCG3210, trước đây thường được biết tới với tên gọi Ngư chính 310.

‘Siêu’ tàu hải cảnh CCG3210, trước đây thường được biết tới với tên gọi Ngư chính 310.

Tàu CCG3210 đã tác động lên chính trị tại Biển Đông. Chẳng hạn, hồi tháng 5, tàu khu trục Oswald Sihaan-354 của Indonesia đã bắn vào đuôi một tàu đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc, do tàu cá này xâm phạm vùng biển Indonesia, gần quần đảo Natuna.

Việc phải dùng tới tàu khu trục hạng nặng để chặn tàu cá Trung Quốc, một phần là bởi Indonesia thấy cần phải rắn tay hơn khi đối diện với những vụ xâm phạm của Trung Quốc. Và phần khác có thể là bởi những lần chạm trán giữa Indonesia và tàu CCG3210 trở nên thường xuyên hơn.

Siêu tàu hải cảnh CCG3210 của Trung Quốc có tải trọng tới 2.580 tấn, vũ trang bằng súng máy, pháo hạng nhẹ, và (có thể) có khả năng mang theo các thiết bị gây nhiễu tín hiệu. Được lắp ráp năm 2010, CCG3210 hộ tống nhóm tàu cá và uy hiếp tàu hải quân Philippines trong một vụ đối đầu liên quan tới tranh chấp chủ quyền.

Tháng 3/2013, tàu tuần tra của Indonesia Hiu Macan 001 đã chặn một tàu cá của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Indonesia, cách quần đảo Natuna 200km về phía tây bắc. Tàu Hiu Macan 001 đã bắt nhóm thủy thủ. Chỉ vài giờ sau đó, một con tàu lớn hơn của TQ xuất hiện – đó là CCG3210.

Tàu CCG3210 ra tín hiệu với tàu Hiu Macan 001 và đòi trao trả các thủy thủ. Thuyền trưởng tàu Hiu Macan 001 sau đó phát hiện ra thiết bị liên lạc vệ tinh của tàu đã ngừng hoạt động.

Bị uy hiếp bởi một tàu lớn hơn, hung hãn, lại không thể liên lạc về tổng hành dinh, thuyền trưởng tàu Hiu Macan 001 buộc phải thực hiện yêu cầu của tàu CCG3210. Khi nhóm thủy thủ Trung Quốc rời đi, tín hiệu liên lạc của tàu Indonesia được khôi phục lại.

‘Siêu’ tàu hải cảnh CCG3210.

Theo Scott Bentley, một nhà phân tích trên trang The Strategist, vụ việc này cùng với hai lần khác liên quan tới tàu YZ-311 của Trung Quốc, “chỉ là những vụ việc xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên Biển Đông, mà tàu (hành pháp) Trung Quốc có thể đe dọa sử dụng vũ lực trực tiếp, với ý định rõ ràng là ép buộc hoặc thuyết phục một tàu an ninh khác phải đảo ngược lại hành động chấp pháp mà họ đã tiến hành trước đó”.

Chưa đầy ba năm sau, cũng chính con tàu này đã xuất hiện trong nhiều vụ đối đầu, và một trong số đó đã biến thành bạo lực.

Tháng 3/2016, tàu tuần tra của Indonesia lại bắt tàu cá trái phép của Trung Quốc, lần này là tàu Kway Fey khi tàu này cách quần đảo Natuna gần 3 dặm. Tuy nhiên, khi tàu Indonesia bắt nhóm thủy thủ và đưa họ lên tàu, hai con tàu tuần tra ven biển khác của Trung Quốc xuất hiện. Trong đó, phía Indonesia nhận ra một tàu lớn uy nghi, màu trắng – y như tàu hải cảnh CCG3210.

Chiếc tàu khổng lồ này đâm vào tàu cá và thoát khỏi bẫy của tàu Indonesia, sau đó bỏ đi. Phía Indonesia vẫn giữ được 8 thủy thủ để phục vụ điều tra.

Indonesia không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền tranh chấp tại Biển Đông. Tuy nhiên, vùng biển quanh quần đảo Natuna do Jakarta kiểm soát, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, lại thường xuyên bị tàu cá Trung Quốc xâm nhập.

Bắc Kinh yêu sách vùng biển quanh quần đảo Natuna là một phần trong ‘ngư trường truyền thống của Trung Quốc’.

Với những tiềm lực và kỹ năng ‘bắt nạt’ mà tàu CCG3210 có thể thao tác, lại ở một khoảng cách rất xa đại lục Trung Quốc như vậy, không có gì khó hiểu khi Indonesia phải điều tàu khu trục đi tuần tra ven biển.

Tác giả bài viết: Lê Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP