Giáo dục

Khó khăn về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất

Từ đầu năm học 2019-2020, Nghệ An triển khai thí điểm 14 trường trọng điểm chất lượng cao tại một số địa bàn. Tuy kế hoạch mới triển khai nhưng đã gặp phải một số khó khăn về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.

Khu nội trú trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An đã xuống cấp. Ảnh: QĐ

Chủ động xây dựng chương trình nâng cao

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An là một trong 5 trường THPT được lựa chọn thí điểm thực hiện trường trọng điểm chất lượng cao thế Kế hoạch số 306 ngày 23.5.2019 của UBND tỉnh Nghệ An. Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, đến nay, trường đã được Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nghệ An cấp trang thiết bị cho 2 phòng học ngoại ngữ, 1 phòng thực hành tin học (35 bộ máy vi tính), 3 phòng thực hành Lý - Hóa - Sinh… Đội ngũ giáo viên cơ bản đảm bảo yêu cầu về số lượng, chất lượng theo quy định tại Kế hoạch 306.

Nhà trường hiện có 542 học sinh, 18 lớp. Nhà trường đã xây dựng chương trình giáo dục tăng cường để nâng cao chất lượng giáo dục được cơ quan cấp trên phê duyệt, đã triển khai và cho thấy kết quả rõ nét. Cụ thể là chương trình tin học nâng cao, ngoại ngữ nâng cao, các chương trình giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm sáng tạo. Nhiều em học sinh của trường đặc biệt có năng khiếu về văn nghệ, thể thao, giành được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi, hội diễn.

Trường THCS Đặng Thai Mai (TP.Vinh) là một trong 9 trường thực hiện thí điểm mô hình giáo dục trọng điểm chất lượng cao. Trường có 30 lớp, tuyển sinh từ phường Hưng Phúc (16 lớp) và trên địa bàn toàn thành phố Vinh (14 lớp). Trường Đặng Thai Mai có thuận lợi là nguồn tuyển đầu vào chất lượng cao, đội ngũ giáo viên giỏi đông đảo, nên nhiều năm qua luôn đứng ở top đầu về thành tích giáo dục của TP.Vinh.

“Thực hiện mô hình trường trọng điểm chất lượng cao, chúng tôi đã xây dựng chương trình giáo dục tăng cường với 10 nội dung. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết nội dung này chúng tôi đã thực hiện từ trước và đem lại kết quả tốt” - cô Hà Lê Hòa Bình - Hiệu trưởng - nói.

Khó khăn về đội ngũ giáo viên, kinh phí

Mặc dù là trường thuộc top đầu của địa phương, nhưng cô Hà Lê Hòa Bình - Hiệu trưởng trường THCS Đặng Thai Mai (TP.Vinh) - cho hay, đến nay trường vẫn thiếu 5 giáo viên, 1 nhân viên. Ngoài ra, nhiều giáo viên của trường được điều động tham gia các hoạt động chuyên môn của Phòng GDĐT, nên nhà trường rất vất vả trong bố trí dạy thay. Hiện nay, trường vẫn thiếu giáo viên dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh theo Kế hoạch 306. Nhà trường chưa được tự chủ về tuyển dụng, điều động giáo viên.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cũng thiếu giáo viên dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh. Việc thu hút giáo viên giỏi về trường cũng gặp không ít khó khăn do đặc thù trường dân tộc nội trú, giáo viên giỏi không mặn mà do không dạy thêm được để nâng cao thu nhập. Chất lượng tuyển sinh đầu vào của trường thấp so với mặt bằng chung các trường trên địa bàn TP.Vinh là một khó khăn không nhỏ để đạt chuẩn đầu ra chất lượng cao.

Hiện cả hai trường THCS Đặng Thai Mai và THPT Dân tộc nội trú tỉnh đều thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường với chuẩn đầu ra đạt trình độ B1. Hai trường đều phối hợp với một số trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn TP.Vinh để thực hiện. Tuy nhiên, số lượng tham gia ít (trường Đặng Thai Mai 56 em), trường Dân tộc Nội trú tỉnh 60 em), kinh phí lớn (trung bình 30.000-40.000/tiết/học sinh), nên chưa thể triển khai đại trà.

Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh còn gặp khó khăn trong bố trí kinh phí để tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Khu nội trú của nhà trường hiện đã xuống cấp, khuôn viên diện tích trường không bảo đảm thực hiện các mục tiêu giao dục chất lượng cao.

GS-TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An - cho biết: “Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và tổ trưởng chuyên môn của 14 trường thí điểm, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất dạy học như phòng học bộ môn, phòng học ngoại ngữ theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh. 14 trường triển khai thí điểm trường trọng điểm chất lượng cao đều nỗ lực, tích cực triển khai các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch. Mục tiêu của chương trình là tạo ra những trường học có tính chất trọng điểm, động lực, “đầu tàu”, tạo sức lan tỏa để nâng cao chất lượng giáo dục. Sau thời gian thí điểm sẽ tổng kết, triển khai nhân rộng”.

Tác giả: QUANG ĐẠI

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP