Giáo dục

Điều kiện để giáo viên được thăng hạng - lương, phụ cấp

Bên cạnh việc nâng cao trình độ, chuyên môn, lương, phụ cấp là một trong những vấn đề được nhiều giáo viên quan tâm. Đặc biệt là việc thay đổi lương, phụ cấp khi giáo viên được thăng hạng.

Hiện nay, theo quy định tại điều 31 Luật Viên chức, giáo viên (GV) được bổ nhiệm ở vị trí nào thì được bổ nhiệm vào chức danh đó và phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của chức danh đó. Theo đó, GV có thể được thăng hạng chức danh nghề nghiệp thông qua 2 trường hợp là thi hoặc xét theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Tuy nhiên, chỉ khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và thỏa mãn các điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh sau khi thăng hạng thì GV mới được đăng ký thi hoặc xét thăng hạng.

Thông qua thăng hạng, giáo viên sẽ được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề so với chức danh trước đây

Do đó, việc thăng hạng không phải điều kiện bắt buộc mà mọi GV đều phải thực hiện. Và đặc biệt, dù thăng hạng theo hình thức nào thì giáo viên cũng chỉ được thăng từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề cùng chức danh nghề nghiệp đang giữ.

Ngoài ra, còn phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập cùng tình hình thực tế của địa phương, có đủ hồ sơ và các minh chứng theo quy định thì giáo viên mới được cử để tham gia xét hoặc thi thăng hạng.

Thông qua thăng hạng, GV sẽ được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề so với chức danh trước đây. Do đó, nhiều người vẫn nghĩ lương, phụ cấp GV lúc này sẽ tăng cao hơn. Vậy có thật sự như thế không?

Về việc xếp lương cho GV đã được bổ nhiệm sau khi thi hoặc xét thăng hạng, điều 15 Thông tư 12/2012/TT-BNV quy định sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Theo đó, Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV như sau: Chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới; Đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, căn cứ vào tổng hệ số lương và phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới; Tổng hệ số lương và phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn bậc cuối cùng trong ngạch mới: Xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới. Ngoài ra, còn được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu.

Vì vậy, sau khi thăng hạng, tùy vào hệ số lương và phụ cấp hiện hưởng mà mức lương và phụ cấp mới của GV sẽ có sự thay đổi chứ không hẳn sẽ luôn cao hơn mức lương hiện hưởng.

Tác giả: H.Lê

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP