Giáo dục

Mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu đội ngũ giáo viên tại Nghệ An: “Gương tày liếp” của Hà Tĩnh, Thanh Hóa

Vì đội ngũ giáo viên (GV) dôi dư, mất cân đối trong thời gian dài, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và huyện Vĩnh Lộc, Yên Định (Thanh Hóa) đã phải chấm dứt hợp đồng với hàng ngàn GV, gây nên nhiều bức xúc. Đó là những bài học nhãn tiền mà Nghệ An cần cân nhắc để giải quyết bài toán GV dôi dư.

Mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu đội ngũ giáo viên tại Nghệ An: Đâu là lời giải?
​​​​​​​
Giáo viên mầm non tại Nghệ An.
Hàng ngàn giáo viên “bỗng dưng” mất việc

Năm 2015, huyện Kỳ Anh đã chấm dứt hợp đồng với 214 GV, trong đó nhiều người có hợp đồng hàng chục năm, là GV giỏi. 647 giáo viên đang công tác trên địa bàn huyện Yên Định bị chấm dứt hợp đồng. Trước đó, 376 giáo viên ở huyện Vĩnh Lộc cũng đã cay đắng nhận quyết định chấm dứt hợp đồng sau nhiều năm gắn bó.

Những quyết định nói trên gây nên những cú sốc lớn cho hàng ngàn GV, trong đó không ít trường hợp cả hai vợ chồng đều mất việc. Bao năm gắn bó, tâm huyết, đeo đẳng nghề giáo, bằng cấp, thành tích chẳng thua ai nay họ bỗng nhiên lâm cảnh thất nghiệp, gia đình khốn khó.

Tuy nhiên, các địa phương khi đưa ra quyết định nói trên cũng đã lâm vào thế chẳng đặng đừng. Bởi vì số lượng học sinh ngày càng giảm, GV dôi dư quá nhiều, ngân sách địa phương không thể chịu nổi. Việc duy trì GV hợp đồng trong khi vị trí việc làm giảm sút là trái luật.

Đó cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước. Ở Nghệ An, theo thông tin từ cơ quan chức năng, toàn tỉnh dôi dư đến 1.500 GV. Đây là con số quá lớn, và không một ngân sách địa phương nào có thể chịu đựng nổi. Tình trạng bất hợp lý này không thể kéo dài, vì sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Cần có tư duy quản trị

Bà Nguyễn Thị Kim Chi- Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An.
Một “lối thoát” khả dĩ cho bài toán dôi dư GV ở Nghệ An là chuyển số GV đó sang bậc mầm non - nơi đang thiếu tới 1.500 GV, tương đương con số GV dôi dư của bậc THCS và Tiểu học.

Nếu điều chuyển được khoảng 2/3 GV diện dôi dư từ THCS và Tiểu học xuống Mầm non, là một kết quả rất lớn, “một mũi tên trúng nhiều đích”: Giải được bài toán GV dôi dư, đồng thời cả bài toán thiếu GV; giảm gánh nặng chi ngân sách; bảo đảm quyền lợi cho hàng ngàn GV.

Nhưng giải pháp nói trên đang vấp phải sự phản ứng từ một số người, với lập luận các GV THCS và Tiểu học không được đào tạo bài bản về giáo dục mầm non, thiếu tình yêu nghề, tâm lý không sẵn sàng. Họ cho rằng cách làm nói trên là “lấy sai này để sửa sai kia”...

Một số người còn quan niệm rằng, đã là GV trong biên chế thì không thể chấm dứt hợp đồng, hay điều chuyển sang diện GV hợp đồng…

Trước quan điểm nói trên, một Trưởng Phòng GD – ĐT tại Nghệ An thẳng thắn: “Quan niệm như vậy chứng tỏ còn nặng về tư duy bao cấp, cho rằng nhà nước phải lo hết mọi việc, ngân sách là “bầu sữa” vô tận. Theo tôi, cần nhìn vấn đề ở góc độ tư duy quản trị; ngân sách chỉ có thể chi cho các viên chức theo vị trí việc làm. Khái niệm biên chế không còn tồn tại trong Luật Viên chức 2012. Nếu vị trí việc làm không còn, hoặc giảm sút, thì buộc phải thanh lý hợp đồng làm việc; không còn sự lựa chọn khác”.

Nhiều người hiện nay vẫn còn tư duy, đã là GV trong biên chế thì không thể bị mất việc; nên ung dung, đủng đỉnh, tạo ra sức ỳ lớn, thiếu phấn đấu, thiếu sáng tạo. Trong khi đó, nhiều GV trẻ khỏe, năng lực chuyên môn rất tốt lại không có cơ hội cống hiến, vì đã “hết biên chế”.

Quan niệm “biên chế” vô hình trung đang là cái vòng kim cô tạo nên nghịch lý của một cơ cấu đội ngũ GV vừa thừa vừa thiếu nghiêm trọng; nhiều GV rất yếu kém nhưng cán bộ quản lý không thể chấm dứt hợp đồng, trong khi GV giỏi thì không có việc.

Người đông, việc ít nên lương thấp, cào bằng. Vì vậy, ngành sư phạm ngày càng thiếu hấp dẫn đối với các học sinh giỏi. Đây là nguy cơ rất lớn cho chất lượng đội ngũ GV tương lai, nhân tố quyết định tạo nên chất lượng giáo dục.

Trước một thực tế cơ cấu GV mất cân đối nghiêm trọng, khó có giải pháp vẹn toàn, chỉ có thể chấp nhận một giải pháp khả dĩ nhất, đó là điều chuyển, phân phối GV dôi dư từ bậc THCS, Tiểu học xuống Mầm non.

Nếu không thực hiện được giải pháp này, thì tình trạng chấm dứt hợp đồng với hàng loạt GV buộc phải diễn ra; dẫn đến những bức xúc, bất ổn cho hàng ngàn GV và xã hội.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức

Điều 29, Luật Viên chức 2012 quy định các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức: Viên chức 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ; Bị buộc thôi việc; Bị ốm đau đã điều trị 6 tháng, hoặc 12 tháng liên tục; Do những lý do bất khả kháng làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn; Đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động.

Tác giả bài viết: Quang Đại

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP