Ẩn mình trong những con phố sầm uất của trung tâm thành phố Los Angeles (Mỹ) là một trong những tòa nhà khét tiếng nhất thế giới: Khách sạn Cecil.
Kể từ khi được xây dựng vào năm 1924, khách sạn Cecil toàn gặp những tình huống đen đủi và bí ẩn, khiến nó có một danh tiếng có lẽ là vô song về các sự kiện rùng rợn. Khách sạn này đã là hiện trường của ít nhất 16 vụ giết người, tự sát và các sự kiện bí ẩn không giải thích được. Khách sạn thậm chí còn được dùng làm nơi ở tạm thời của một số kẻ giết người hàng loạt khét tiếng nhất nước Mỹ.
Khai trương khách sạn Cecil
Tấm biển ban đầu của khách sạn Cecil ở Los Angeles. Ảnh: Getty Images |
William Banks Hanner cho xây khách sạn Cecil vào năm 1924. Khách sạn này là điểm đến của nhiều doanh nhân quốc tế và giới thượng lưu xã hội. Ông Hanner đã chi 1 triệu USD để xây Cecil, một khách sạn 700 phòng có kiến trúc theo phong cách Beaux Arts, trồng nhiều cây cọ, có tiền sảnh bằng đá cẩm thạch, cửa sổ kính màu, cầu thang sang trọng.
Nhưng chẳng bao lâu, ông Hanner sẽ hối hận về khoản đầu tư của mình. Chỉ hai năm sau khi khách sạn Cecil khai trương, thế giới rơi vào cuộc Đại khủng hoảng và kinh tế Los Angeles không tránh khỏi sụp đổ. Chẳng bao lâu nữa, khu vực xung quanh khách sạn Cecil bị gọi là “Skid Row” và trở thành nơi sinh sống của hàng nghìn người vô gia cư.
Khách sạn xinh đẹp một thời nhanh chóng “nổi tiếng” vì là nơi gặp gỡ của những kẻ nghiện ngập, những kẻ bỏ trốn và tội phạm. Tệ hơn nữa, khách sạn Cecil cuối cùng còn là nơi khét tiếng về bạo lực và chết chóc.
Các vụ tự sát và ngộ sát
Tiền sảnh bằng đá cẩm thạch của khách sạn Cecil, mở cửa vào năm 1927. Ảnh: Creative Commons |
Chỉ riêng trong những năm 1930, khách sạn Cecil là nơi xảy ra ít nhất 6 vụ tự tử. Một số khách uống thuốc độc, trong khi những người khác tự bắn mình, cắt cổ hoặc nhảy ra khỏi cửa sổ phòng ngủ.
Ví dụ, vào năm 1934, Trung sĩ Lục quân Louis D. Borden đã rạch cổ mình bằng dao cạo. Chưa đầy bốn năm sau, Roy Thompson thuộc lực lượng Thủy quân lục chiến đã nhảy từ trên đỉnh khách sạn Cecil và rơi trên giếng trời của một tòa nhà gần đó.
Vài thập kỷ tiếp theo, khách sạn Cecil tiếp tục chứng kiến những cái chết bạo lực hơn.
Vào tháng 9/1944, Dorothy Jean Purcell, 19 tuổi, thức dậy vào nửa đêm vì đau bụng khi cô đang ở khách sạn Cecil với Ben Levine, 38 tuổi. Cô đi vệ sinh để không làm phiền Levine đang ngủ và vô cùng sốc, cô gái này đã sinh ra một bé trai. Cô không biết mình đã có thai.
Dorothy Jean Purcell. Ảnh: todayifoundout |
Nghĩ nhầm rằng đứa con sơ sinh của mình đã chết, Purcell ném đứa con còn sống ra ngoài cửa sổ và xác em bé rơi trên mái nhà của tòa nhà bên cạnh. Tại phiên tòa xét xử, Purcell không bị kết tội giết người vì lý do mất trí và cô này được đưa vào bệnh viện để điều trị tâm thần.
Năm 1962, George Giannini, 65 tuổi, đang đi ngang qua khách sạn Cecil thì bị một phụ nữ rơi xuống đè chết. Pauline Otton, 27 tuổi, đã nhảy từ cửa sổ tầng 9 sau khi cãi vã với chồng cũ là Dewey. Cú ngã này đã giết chết không chỉ bản thân Otton mà còn khiến ông Giannini chết ngay lập tức.
Ban đầu, cảnh sát cho rằng cả hai đã cùng nhau tự tử nhưng họ đã nghĩ lại khi phát hiện ông Giannini vẫn còn đi giày. Nếu ông này nhảy, đôi giày của ông sẽ rơi ra khi đang rơi.
Trước những vụ tự tử, rủi ro và giết người, người dân ở đây nhanh chóng gọi Cecil là “khách sạn ám ảnh nhất ở Los Angeles”.
Thiên đường của kẻ giết người hàng loạt
Ngoài việc là hiện trường của những thảm họa bi thảm và tự sát, khách sạn Cecil cũng từng là nơi ở tạm thời của một số kẻ giết người ghê rợn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Richard Ramirez. Ảnh: Getty Images |
Vào giữa những năm 1980, Richard Ramirez - kẻ giết 13 người và có biệt danh “kẻ rình rập bóng đêm” - sống trong một căn phòng trên tầng cao nhất của khách sạn Cecil khi thực hiện phần lớn vụ giết người kinh hoàng.
Sau khi giết một ai đó, hắn thường ném bộ quần áo đẫm máu của mình vào thùng rác của khách sạn Cecil, đi vào sảnh khách sạn trong tình trạng hoàn toàn khỏa thân, hoặc chỉ mặc đồ lót. Theo nhà báo Josh Dean, không ai chú ý vì khách sạn Cecil trong những năm 1980 là nơi hoàn toàn hỗn loạn.
Vào thời điểm đó, Ramirez có thể ở đó chỉ với 14 USD một đêm. Khi mà xác chết của những kẻ nghiện ngập thường xuyên xuất hiện trong các con hẻm gần khách sạn Cecil và đôi khi nằm ngay cả ở hành lang, thì lối sống đẫm máu của Ramirez chắc chắn không khiến ai ở Cecil ngạc nhiên.
Năm 1991, kẻ giết người hàng loạt người Áo Jack Unterweger - kẻ đã siết cổ gái mại dâm bằng chính áo lót của họ - cũng coi khách sạn Cecil là nhà. Có tin đồn rằng hắn chọn khách sạn này vì có mối liên hệ với Ramirez.
Vì khu vực xung quanh khách sạn Cecil có nhiều gái mại dâm nên Unterweger đã rình rập những khu vực này nhiều lần để tìm kiếm nạn nhân. Một cô gái điếm đã biến mất ngay dưới phố gần khách sạn. Unterweger thậm chí còn tuyên bố đã hẹn hò với nhân viên lễ tân của khách sạn.
Vụ án kỳ lạ tại khách sạn Cecil
Một số vụ bạo lực trong và xung quanh khách sạn Cecil là do những kẻ giết người hàng loạt gây ra và mọi người đều rõ tên tuổi thủ phạm, nhưng có một số vụ giết người vẫn chưa được giải quyết.
Một trong số đó là vụ án liên quan tới một người phụ nữ nổi tiếng trong khu vực tên là Goldie Osgood. Nạn nhân đã được tìm thấy đã chết trong căn phòng bị lục soát tại khách sạn Cecil. Người này đã bị hãm hiếp trước khi bị đâm và đánh đập đến chết. Mặc dù người ta phát hiện một nghi phạm đang đi gần đó với bộ quần áo dính máu, nhưng sau đó anh này đã được giải oan và kẻ giết cô gái không bao giờ bị kết án.
Một vị khách đáng chú ý khác của khách sạn là Elizabeth Short, người có biệt danh “Thược dược đen” sau khi bị sát hại năm 1947 ở Los Angeles.
Elizabeth Short đã ở khách sạn ngay trước khi bị phanh xác và vụ án vẫn là điều bí ẩn. Hiện không rõ cái chết của Short có thể có mối liên hệ gì với khách sạn Cecil, nhưng những gì người ta biết là xác của nạn nhân xuất hiện trên một con phố cách đó không xa vào sáng ngày 15/1, miệng bị khoét đến tai và cơ thể bị cắt làm đôi.
Những câu chuyện bạo lực như vậy không chỉ đơn giản là chuyện quá khứ. Nhiều thập kỷ sau vụ án của Short, một trong những cái chết bí ẩn nhất tại khách sạn Cecil xảy ra gần đây nhất là vào năm 2013.
Elisa Lam. Ảnh: Facebook |
Năm 2013, sinh viên đại học người Canada là Elisa Lam được tìm thấy đã chết bên trong bể nước trên mái khách sạn ba tuần sau khi cô mất tích. Thi thể trần truồng của nạn nhân được tìm thấy sau khi những vị khách của khách sạn phàn nàn về áp lực nước không tốt và nước có mùi vị lạ lùng. Mặc dù các nhà chức trách cho rằng cái chết của Lam là do tai nạn đuối nước, nhưng một số người lại nghĩ khác.
Trước khi cô qua đời, camera giám sát đã ghi lại cảnh Lam có những hành động kỳ lạ trong thang máy, đôi khi cô hét vào mặt ai đó khuất tầm nhìn, cũng như cố gắng trốn tránh ai đó trong khi nhấn nhiều nút thang máy và vẫy tay một cách thất thường.
Sau khi video xuất hiện công khai, nhiều người bắt đầu tin rằng những tin đồn về khách sạn bị ma ám có thể là sự thật. Một số người bắt đầu so sánh vụ giết “Thược dược đen” và vụ mất tích của Lam, chỉ ra rằng cả hai phụ nữ đều ở độ tuổi đôi mươi, đi một mình từ Los Angeles đến San Diego, được nhìn thấy lần cuối tại khách sạn Cecil và đã mất tích vài ngày trước khi thi thể được tìm thấy.
Mặc dù những mối liên hệ này nghe có vẻ mơ hồ, nhưng khách sạn Cecil vẫn gắn với những điều đen đủi này cho tới tận ngày nay.
Khách sạn Cecil ngày nay
Cecil ngày nay có tên là Stay On Main Hotel and Hostel. Ảnh: Flickr |
Thi thể gần đây nhất được tìm thấy tại khách sạn Cecil vào năm 2015. Đây là một người đàn ông được cho là đã tự tử. Những câu chuyện ma cũng như tin đồn về khách sạn lại một lần nữa nổi lên.
Khách sạn này thậm chí sau đó còn là nguồn cảm hứng cho một mùa của loạt phim truyền hình “American Horror Story” (Truyện kinh dị Mỹ) kể về một khách sạn là nơi xảy ra những vụ giết người và hỗn loạn không thể tưởng tượng được.
Nhưng vào năm 2011, Cecil đã cố gắng rũ bỏ lịch sử rùng rợn của mình bằng cách đổi tên thành Stay On Main Hotel and Hostel, một khách sạn bình dân chỉ 75 USD một đêm dành cho khách du lịch.
Vài năm sau, các nhà phát triển ở thành phố New York đã ký hợp đồng thuê 99 năm và bắt đầu cải tạo toàn bộ tòa nhà, biến nó thành một khách sạn cổ điển cao cấp và hàng trăm căn hộ siêu nhỏ được trang bị đầy đủ nội thất.
Có lẽ là sau các lần cải tạo, khách sạn Cecil cuối cùng cũng có thể rũ bỏ quá khứ đẫm máu và kỳ lạ mà nó đã trải qua trong phần lớn thế kỷ.