Giáo dục

Học sinh uể oải, chán học sau Tết: Giáo viên 'tung chiêu' khắc phục

Trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, nhiều học sinh uể oải, không tập trung, mất tinh thần học tập.

"Một số học sinh rơi vào tình trạng 'chậm bắt nhịp' do phải thay đổi thói quen sinh hoạt, vui chơi trong thời gian nghỉ. Các em chưa hoàn toàn tập trung nghe giảng, và không có tinh thần học tập", là nhận xét của cô Ngô Thị Thu Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A1, trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức, TP.HCM) sau ngày đầu đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Giáo viên lì xì học sinh sau kỳ nghỉ Tết.

Học sinh ngủ gật, uể oải

Cô Thủy cho biết, hiện tượng học sinh uể oải sau kỳ nghỉ dài ngày là bình thường, không chỉ riêng dịp Tết. Những ngày đầu đến lớp, các em còn nhiều chuyện để chia sẻ, kể cho nhau nghe, nếu các thầy cô lập tức dạy các môn học nặng kiến thức như Toán, Văn, Sử, Lý, Hoá... thì các em không thể bắt kịp và bị trượt khỏi guồng quay. Từ đó các em dễ nảy sinh tâm lý, chán nản, uể oải, mất phương hướng, cảm hứng hoc tập.

Các em cần 1 - 2 ngày, thậm chí cả tuần học đầu tiên để sốc lại tinh thần, bắt kịp nhịp độ học tập. Không khí học tập ở lớp trong những ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ dài đóng vai trò quan trọng trong việc khích lệ mỗi học sinh chủ động quay trở lại với bài vở, bắt nhịp nhanh chóng với chương trình học.

Cô Nguyễn Bích Liên, giáo viên mầm non ở Thanh Xuân, Hà Nội thừa nhận ngày học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết diễn ra không mấy thuận lợi, đa phần trẻ đến lớp đều quấy khóc, một số em nằng nặc đòi ba mẹ đón về. Vì vậy, nhà trường, giáo viên thiết kế các hoạt động học tập, vui chơi để giúp các em khởi động lại việc đến lớp một cách nhẹ nhàng nhưng hứng khởi, thích thú.

Ngoài các hoạt động vui chơi trên lớp, trên trường, cô Liên cũng cần nhờ đến sự hỗ trợ từ phụ huynh, cùng đưa các em trở lại nhịp sinh hoạt thường nhật. Ba mẹ có thể cùng con lên kế hoạch cho năm mới, đặt ra các mục tiêu nhỏ để con phấn đấu thực hiện, khích lệ con trở lại trường.

Bắt nhịp trở lại với việc học

Ngay ngày đầu năm học, cô Ngô Thị Thu Thuỷ chuẩn bị 50 bao lì xì câu hỏi bài tập để "lì xì điểm" cho 50 học sinh trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm.

Qua các câu hỏi lì xì, cô trò sẽ cùng đối thoại, chia sẻ về các câu chuyện, văn hóa, phong tục trong dịp Tết, vừa đổi mới không khí lớp học, vừa trò chuyện về những trải nghiệm của các em, đồng thời mỗi học sinh còn có điểm cộng đầu năm.

Các câu hỏi chỉ đơn giản như bạn đã chúc Tết ai đầu tiên? Bạn đã đi chơi những đâu và nơi nào có cảnh đẹp/ sinh hoạt Tết ấn tượng nhất? Bạn đã làm gì trong ngày đầu năm mới? Bạn sẽ làm gì với tiền lì xì tết của mình?... Câu hỏi sẽ được lấy điểm cho môn hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.

Ngoài ra, mặt sau của mỗi câu hỏi sẽ là lời chúc, mỗi học sinh tự viết ra những lời chúc của mình gửi đến bạn bè trong lớp. Những hoạt động, trò chơi đầu năm như thế này sẽ tạo ra không khí lớp học vui vẻ, gắn kết tình cảm bạn bè, cô trò.

Tương tự, cô Vũ Thị Anh, trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) cho hay, tiết học đầu tiên nhà trường tổ chức dạy học bình thường. Khoảng 15 phút trước khi vào lớp, học sinh được thầy cô chủ nhiệm đến lớp chúc mừng. Hiểu rõ tâm lý học sinh, đa số giáo viên đều tạo không khí vui tươi, lồng ghép vừa học vừa chơi, “mừng tuổi” học sinh bằng những điểm số trong tiết học đầu tiên.

Cô lồng ghép trò chơi với kiến thức học để các em vừa tiếp thu được kiến thức, vừa vui chơi, vừa có điểm thầy “lì xì”. Với những kiến thức mới trong bài học, cô yêu cầu học sinh đọc sách thật kỹ, trả lời câu hỏi hoặc lên bảng hoàn thiện đề cương với mức độ hiểu.

Để tạo động lực và tiếp tục định hướng đúng mục tiêu trong năm học, thầy cô cần tiếp tục điều chỉnh, tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp, tăng tính tương tác, cùng đó, tổ chức nhiều hoạt động mới giúp khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh.

Học sinh bắt nhịp học trở lại sau thời gian nghỉ dài. (Ảnh minh hoạ)

Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thanh Nga, Trung tâm nghiên cứu tâm lý, giáo dục Thanh thiếu niên, trong những ngày đầu đi học sau Tết, trẻ có thể sẽ lười biếng làm bài tập và ôn bài tại nhà. Do đó, bố mẹ nên ngồi chung với con để sắp xếp lại kế hoạch học tập và ôn lại kiến thức ở trường.

Với những trẻ mầm non hoặc tiểu học, do trẻ còn nhỏ, đôi khi sự tự giác chưa cao nên cần có sự đồng hành của cha mẹ để thôi thúc học tập. Những câu động viên, nhắc nhở nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, không bị ép buộc, từ đó trẻ sẽ thoải mái trở lại việc học tập hơn.

Cha mẹ hãy ngồi lại với con nói về những kế hoạch quay lại trường học, cùng nhau xếp lại góc học tập, chuẩn bị sách vở cho học kỳ mới và thảo luận về kế hoạch trẻ sẽ quay lại trường thế nào với những hoạt động vui vẻ ra sao. "Cha mẹ hãy yêu cầu trẻ đi ngủ và thức giấc theo thời gian biểu trước đó, từ trước khi quay lại trường cho tới sau đó một tuần", TS Nga khuyên.

Thầy cô không nên đặt nặng việc dạy kiến thức ngay trong tuần đầu đi học trở lại. Thầy cô có thể chọn nội dung các môn nhẹ nhàng như Công nghệ, Đạo Đức, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Âm nhạc... để học sinh dần bắt nhịp học trở lại, rèn thói quen, hứng thú học tập trở lại. "Tuyệt đối không giao bài tập nặng nề, hay các kiến thức khó, khiến học sinh mệt mỏi, chán càng thêm chán, không muốn học. Điều này tưởng chừng nhỏ nhưng ảnh hưởng tâm lý, tinh thần học rất lớn cho các em", TS Nguyễn Thị Thanh Nga nói.

Để đảm bảo hoạt động dạy và học được duy trì sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các địa phương Lạng Sơn, Quảng Trị, Thái Nguyên... ra công văn yêu cầu các nhà trường khẩn trương chấn chỉnh giờ giấc, trang phục, ý thức tổ chức, yêu cầu học sinh giữ gìn kỷ cương, nề nếp, thầy cô giáo mẫu mực lấy noi gương để thuyết phục học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học.

Tác giả: HÀ CƯỜNG

Nguồn tin: vtc.vn

  Từ khóa: sau tết ,uể oải ,học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP