Giáo dục

Học sinh tiểu học lận đận vì Thông tư 30

Chỉ hai năm ban hành, Thông tư 30/2014 của Bộ GD&ĐT đã có những điểm cần phải sửa đổi nhưng dự thảo mới được công bố vẫn gây nhiều băn khoăn.

Con tôi năm nay vào học lớp 5, cuối cấp tiểu học. Đầu năm học mới lại nghe các thầy cô nói năm nay sẽ thay đổi cách đánh giá học sinh (HS). Bộ GD&ĐT vừa công bố bản dự thảo Thông tư 30 sửa đổi, trong đó điểm mới là cuối năm thay vì đánh giá HS “Đạt/Không đạt”, sẽ đánh giá theo các mức A, B, C. Có thể ngay trong năm học 2016-2017, những điểm mới sửa đổi của thông tư này sẽ được áp dụng.

Năm năm, ba hình thức đánh giá

Tính lại, từ lớp 1 cho đến lớp 5, con tôi đã trải qua ba hình thức đánh giá: Hai năm đầu cấp đánh giá theo kiểu cho điểm truyền thống; năm học 2014-2015 khi cháu học lớp 3, trường đổi sang đánh giá bằng nhận xét theo từng mặt; năm nay lại sửa đổi quy định, chuyển sang đánh giá theo A, B, C. Nghĩa là sau khi đánh giá thường xuyên bằng lời, giáo viên làm động tác tổng hợp đánh giá thường xuyên theo các mức độ A, B, C với các tiêu chí tương ứng.

Từ góc độ một đứa trò nhỏ thôi đã thấy quay cuồng với bao thay đổi. Có nên bắt buộc những đứa trẻ chưa tròn 10 tuổi phải cập rập theo kiểu vừa chạy vừa xếp hàng với những “dự thảo”, “thông tư” và “sửa đổi”?

Đánh giá HS theo dự thảo thực ra cũng quanh quẩn và thiếu tính hệ thống, dù có quy định rõ ràng hơn về sự kết hợp giữa đánh giá bằng lời và đánh giá bằng điểm chưa thực sự kết nối được đến các cấp học cao hơn. Các em HS lớp 4, lớp 5 mỗi năm sẽ có thêm hai bài kiểm tra giữa kỳ môn toán, tiếng Việt lấy điểm nhưng việc chấm điểm này không được trực tiếp “phiên” thành mức đánh giá mà chỉ nhằm giúp HS chuẩn bị trước tâm thế chống “sốc” khi lên cấp THCS phải làm quen với cách chấm điểm tất cả các môn. Một học trò tiểu học năm cuối cấp được đánh giá mức A tức là cháu đã “nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, vận dụng linh hoạt kiến thức, kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục…”. Nhưng hỏi thầy cô có chắc chắn rằng lên lớp 6 cháu sẽ học tốt thì thật khó có thầy cô nào dám chắc.

7 chot qmit
Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Lương Định Của, quận 3, TP.HCM trong một tiết học nhóm. Ảnh: HTD

Đừng dùng trẻ con để thử và sai

Phụ huynh thông cảm với thầy cô và nhà trường, hiểu rằng ngành giáo dục đang loay hoay tìm cách đổi mới. Những thay đổi như chuyển từ đánh giá điểm sang đánh giá bằng lời thực sự phần nào góp phần giảm bớt áp lực, tạo tâm lý nhẹ nhàng cho HS. Nhưng xin hãy xuất phát từ quyền lợi của những đứa học trò đang ở tuổi rất nhỏ mà quyết định các thay đổi. Chúng tôi không góp ý nên làm cách này hay cách kia bởi việc của Bộ GD&ĐT, của các thầy cô là tìm hiểu, cân nhắc, tiến hành các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục để có cách làm phù hợp nhất. Có điều việc “lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp xã hội” hay bị lạm dụng khiến các thầy cô và cả ngành đôi khi loay hoay, khó xử trong việc đẽo cày giữa đường, để rồi đến lúc nào đó quyền lợi của nhân vật trung tâm - những đứa trẻ bị xem nhẹ hoặc quên bẵng. Chẳng hạn, dự thảo lần này, giáo viên có thể mừng vì đỡ phần sổ sách vì có quyền nhận xét miệng nhưng chưa chắc mang lại sự nhẹ nhàng cho phụ huynh vì không nghe được nhận xét để biết con mình năng lực ra sao, trong khi đó HS vẫn phải trải qua kiểm tra định kỳ tám môn học để đánh giá A, B, C.

Nếu phải thay đổi, chúng tôi mong muốn những thay đổi này được áp dụng theo lộ trình, trong đó quan trọng nhất là đừng dùng trẻ con như phương thức thử và sai, đừng biến giai đoạn khởi đầu trên con đường học tập của mỗi đứa trẻ thành một chồng giấy nháp. Các thay đổi nên được bắt đầu từ chương trình, không phải chỉ từ cách đánh giá. Chương trình được biên soạn theo hướng nào thì đánh giá theo hướng đó.

Suốt năm năm theo con qua chặng đường tiểu học, đến năm học này, là cha mẹ HS chúng tôi thật sự mệt mỏi và thương con cháu: Nhỏ xíu, chưa tròn tiểu học đã phải lận đận đồng hành cùng người lớn trên con đường gian nan cải cách giáo dục, nhiều thay đổi, gập ghềnh mà ngay các thầy cô của các cháu còn thấy khó đi…

Cần rõ ràng để giáo viên dễ đánh giá

• Tôi có con học lớp 3. Thật ra, tôi ủng hộ cách đánh giá không gây áp lực điểm số cho HS nhưng tôi khá băn khoăn về cách làm. Việc thay đổi phương thức đánh giá thành mức A, B, C căn cứ vào điểm kiểm tra định kỳ liệu có khác gì với phương thức cho điểm theo cách truyền thống trước kia? Ví dụ mức A = 9-10 điểm; mức B= 7-8 điểm? Nếu theo cách này, chỉ có ba mức thì giữa HS đạt điểm trung bình - điểm 5 và học sinh điểm 3, 4 sẽ như nhau - mức C?

Còn nữa, trường hợp con tôi tiếp thu tốt các kiến thức được dạy nhưng tới đợt kiểm tra định kỳ, vì lý do nào đó bé làm bài không được tốt, không được đánh giá A thì có oan uổng không? TRƯƠNG QUẾ ANH (Quận 3, TP.HCM)

• Nên xem lại cách thức kết hợp giữa định lượng (chấm điểm) và định tính (nhận xét) và có những yêu cầu rõ ràng để các giáo viên thực hiện nhất quán. Theo dự thảo, cách xếp loại A, B, C ngoài nhận xét của giáo viên còn phụ thuộc vào điểm kiểm tra cuối kỳ. Điều này tưởng dễ mà khó. Trường hợp có độ chênh giữa quá trình học tập và điểm kiểm tra thì giáo viên sẽ căn cứ vào đâu để đánh giá? Nếu giáo viên máy móc chỉ căn cứ vào điểm kiểm tra cuối kỳ, cuối năm để xếp loại thì sao? MAI THÙY DUNG (Quận Thủ Đức, TP.HCM)

_________________________________

• Đánh giá định kỳ được thực hiện bằng bài kiểm tra đối với các môn học: tiếng Việt, toán, khoa học, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc.

• Bài kiểm tra được thực hiện vào cuối học kỳ 1 và cuối năm học.

• Riêng đối với lớp 4, 5 có thêm bài kiểm tra môn tiếng Việt, toán vào giữa học kỳ 1 và học kỳ 2.

(Trích dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 30/2014 của Bộ GD & ĐT)

Tác giả bài viết: NGỰ VIÊN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP