Chiều 23-9 tại phố Tân Mai (quận Hoàng Mai - Hà Nội) cháu Hoàng, học sinh lớp 5 khi đang đạp xe nô đùa cùng bạn đã đâm thẳng vào xe xích lô chở tôn đỗ bên đường nên bị miếng tôn cứa ngang cổ gây tử vong. Đáng buồn rằng, đây không phải sự việc hi hữu.
Chiều ngày 25/9, một cái chết đau lòng vì tôn sắt lại một lần nữa xảy ra. Người phụ nữ 66 tuổi chỉ đang ngồi trên vỉa hè chờ xe buýt đưa mình về quê thì bị xe chở tôn lao vun vút đi qua cứa ngang cổ.
Trong khi dư luận chưa hết xôn xao vì hai vụ tai nạn thương tâm ấy thì mới đây, 10/10, tại thành phố Huế một người đàn ông điều khiển xe máy kéo xe thô sơ phía trên chở 20 tấm tôn bị tai nạn tử vong tại chỗ do phanh xe gấp.
Những chiếc xe “tử thần” với tấm tôn được chằng buộc tạm bợ lưu thông ở đường Trần Phú - TP Vinh.
Trên thực tế, mặc dù đã có không ít vụ tai nạn giao thông, nhẹ thì gây thương tích, nghiêm trọng gây chết người, song tình trạng xe máy, xích lô, xe ba bánh chở quá khổ, quá tải trên các tuyến đường tại thành phố Vinh vẫn diễn ra phổ biến.
Hậu quả là nhiều người đi đường đều phải “rợn tóc gáy” khi bắt gặp hình ảnh những chiếc xe thô sơ chở theo khối hàng hóa cồng kềnh choán cả nửa phần đường...
Hầu hết phương tiện thô sơ chở hàng khá cũ, không có đầy đủ các bộ phận để đảm bảo an toàn, lại bị “cơi nới” quá mức để chở hàng càng nhiều càng lợi khiến khả năng quan sát đường của lái xe và những người tham gia giao thông khác bị hạn chế. Người chở hàng rất dễ bị mất lái, khó có thể xử lý kịp thời trước những tình huống phát sinh trên đường nên đã gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và những người đi đường.
Xe máy, xe ba gác... cõng những tấm tôn quá khổ, không được bao bọc cẩn thận, trở thành hiểm họa di động với người đi đường.
Tài xế vi phạm có thể bị phạt tù
Ông Trần Thanh Hà, phường Hồng Sơn cho biết: Tôi thường xuyên đi bộ trên vỉa hè đường Trần Phú, từ sáng đến tối, thấy không biết bao nhiêu lượt xe chở hàng cồng kềnh đi qua. Nhiều hôm còn gây va quệt với người đi đường, sợ nhất là học sinh tan học đi về mà đụng phải thì nguy hiểm lắm.
Tại Khoản 1 Điều 20 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã nêu rõ, khi lưu thông trên đường, hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe.
Còn theo Điều 18 Thông tư 07/2010/TT-BGTVT, xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5m. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 2m. Xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe; không được vượt quá 0,4m về mỗi bên bánh xe, không vượt phía trước và phía sau xe quá 1m.
Không khó để bắt gặp trên đường phối những chiếc xe chất đầy tôn sắc nhọn, "bành trướng" cả con đường.
Như vậy, khi người điều khiển xe máy vượt quá giới hạn xếp hàng hóa trên xe như quy định trên thì đã phạm lỗi “xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định”. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 200.000-400.000 đồng theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Còn trong một số trường hợp nghiêm trọng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và bị phạt tù.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là tại sao quy định pháp luật đã có nhưng hầu như những hành vi vi phạm của người điều khiển xe thô sơ chở hàng lại không bị xử lý và ngang nhiên lưu hành?
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên NTV, ông Hà Tiến Sơn - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho rằng: Thường tất cả những trường hợp điều khiển phương tiện thô sơ chở hàng hóa đều có hoàn cảnh khó khăn, họ đều trông ngóng vào công việc này để mưu sinh kiếm sống. Lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tuyên truyền là chính còn xử lý cũng không được cao. Mỗi năm cũng chỉ được khoảng mấy chục trường hợp.
Hầu hết những người lái xe thô sơ chở hàng cồng kềnh đều có hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều người vẫn nghĩ, di chuyển trên đường là việc cá nhân. Nhưng họ lại không hiểu rằng bản thân họ hòa vào dòng người đi đường, lại chính là một mắt xích trong quá trình giao thông. Hành vi của một người, cũng có thể gây ảnh hưởng đến những người đi xung quanh mình, và hãy đừng là những hiểm họa di động./.
Tác giả bài viết: Minh Quý