Đảm nhận công việc dạy dỗ, chăm sóc các cháu là hai cô giáo Lương Thị Lợi và Nguyễn Thị Hồng Định. Giữa những khó khăn, thiếu thốn về điều kiện vật chất, giao thông cách trở, vị trí địa lý biệt lập, nhưng bằng trách nhiệm nghề, sự tận tâm và tình yêu thương con trẻ, hai cô giáo Lợi, Định đã vượt qua nhiều khó khăn để ươm mầm con chữ, nhận được sự tin yêu, quý mến của dân bản.
Nhà dân và các điểm trường Mầm non, Tiểu học tại khu vực trung tâm bản Na Ngân, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An). |
Phó Chủ tịch UBND xã Nga My Vi Thị Mùi cho biết, toàn xã có hơn 1.110 hộ dân, thuộc các dân tộc Kinh, Thái, Khơ Mú và Ơ Đu, trong đó dân tộc Thái chiếm gần 90%. Dân cư phân bố tại 9 bản, chia thành 2 vùng riêng biệt. Vùng ngoài có 5 bản sinh sống dọc theo đường Quốc lộ 48C. Vùng trong có 4 bản, trong đó có bản Na Ngân, nằm trong vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Dân cư 4 bản vùng trong đều là đồng bào Thái, nằm dọc theo suối Nậm Ngân và suối Nậm Kho. Vào mùa mưa lũ, bản Na Kho, Na Ngân bị chia cắt, giao thông tê liệt vì nước lũ trên các suối Nậm Ngân, Nậm Kho dâng cao.
Điểm trường Mầm non Na Ngân nằm lọt thỏm trong thung lũng Na Ngân, giữa tứ bề là núi đá, được đại ngàn Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống bao bọc. Để vào được điểm trường Mầm non Na Ngân, chúng tôi phải mất hơn 1 giờ chạy xe máy trên con đường đất nhỏ, lắm dốc dài và cao, nhiều hủm sâu, vô số khúc cua, lèn đá, cùng nhiều lần vượt suối Nậm Ngân. Nhiều lần chúng tôi phải đi bộ, giúp nhau đẩy xe qua những con dốc cao, dài và rất trơn trượt. Có nhiều đoạn phải thật thận trọng men theo lưng núi Pù Hiêng chênh vênh để di chuyển. Khi vượt qua được con dốc cuối cùng, xuôi cây cầu gỗ nhỏ đơn sơ bắc qua suối Nậm Ngân, chúng tôi “chạm” được cửa ngõ bản Na Ngân. Lúc này, ai nấy đều thấm mệt, quần áo lấm lem bùn đất, bụi đường. Bản Na Ngân hiện lên với hình ảnh những ngôi nhà sàn quần tụ dưới chân núi. Nơi đây hiện có hơn 150 hộ với hơn 750 nhân khẩu, 100% là đồng bào Thái sinh sống. Từ những năm 1950, đồng bào Thái đã về đây định cư, lập bản.
Cô giáo Lương Thị Lợi chia sẻ: "Tuyến đường từ trung tâm xã vào bản rất xa, đa phần là đường đất nhỏ hẹp, lắm dốc cao, chỉ đi được xe máy. Mỗi khi vào trường, chúng tôi phải đi cùng để giúp nhau vượt qua những đoạn nguy hiểm. Những hôm trời mưa to, đường rất trơn, nước suối Nậm Ngân dâng cao khiến chúng tôi rất vất vả. Đã có nhiều lần vì đường quá trơn, nước suối dữ dằn nên chúng tôi phải ngồi chờ nhiều giờ bên đường, đợi đến khi có những người dân bản là nam giới đi qua phụ giúp khiêng xe qua suối".
Một ngày ở điểm trường Mầm non Na Ngân của các cô giáo Lương Thị Lợi và Nguyễn Thị Hồng Định bắt đầu bằng việc dọn dẹp khuôn viên trường, lau chùi bàn ghế, mở cổng trường đón các cháu vào lớp, dạy các cháu tập múa, hát, kể chuyện, học vẽ, tập thể dục, nấu ăn, cho các cháu ăn, ngủ, tắm giặt vệ sinh cho các cháu... Trong vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, đồng bào dân tộc Thái ở bản Na Ngân đa phần đều làm nương, làm rẫy cách xa bản làng. Công việc đi nương thường diễn ra từ rất sớm. Do vậy, các cô giáo cũng phải dậy sớm để đón học sinh, giúp phụ huynh yên tâm đi nương.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Định về địa bàn Nga My công tác từ năm 2017. Khó khăn dễ thấy nhất là cô và các cháu học trò người Thái ở Na Ngân bất đồng về là ngôn ngữ. Do đó, cô phải tự học, trau dồi vốn tiếng Thái. Khi truyền đạt nội dung, kiến thức đến học trò, cô phải kết hợp hai ngôn ngữ Thái, Kinh để giảng dạy. Trong hoàn cảnh cơ sở vật chất còn nhiều đơn sơ, để tạo điểm nhấn, cảnh quan khuôn viên trong trường, các cô Lợi, Định phải tranh thủ thời gian các con ngủ trưa hoặc ngày nghỉ để trồng, chăm sóc những khóm hoa quanh sân trường. Các cô còn tự tay vẽ những bức tranh về phong cảnh quê hương, làng bản, hình ảnh con vật gần gũi với đời thường trên tường phòng học để tạo nên những hình ảnh trực quan, sinh động, giáo dục học sinh về tình yêu thương, gia đình, trường lớp, thiên nhiên, động vật. Những bậc thềm dẫn vào lớp học, các cô cũng trang trí, vẽ con số, chữ cái, tạo nên một bài học đếm hấp dẫn học sinh mỗi khi vào lớp.
Ngoài ra, tận dụng quỹ đất nhỏ trong khuôn viên trường, các cô đã bỏ công sức, thời gian để cải tạo đất, gieo trồng, chăm sóc các loại rau xanh. Nhờ khu vườn nhỏ này, các cô cơ bản chủ động được nguồn rau xanh để cải thiện bữa ăn hằng ngày cho bản thân và học sinh. Tuy cuộc sống dân bản còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của các cô giáo, phụ huynh ở bản Na Ngân rất nhiệt tình và tận lòng giúp đỡ hai cô trong việc nấu ăn cho học sinh, lấy củi đun, vận chuyển, bảo quản thực phẩm...
Khí hậu ở thung lũng Na Ngân rất đặc thù và khắc nghiệt. Mùa Đông rất lạnh do nền nhiệt giảm sâu, bản làng lúc nào cũng chìm trong mây mù, hiếm khi có ánh mặt trời. Vào mùa Đông, cô, trò nơi đây rất vất vả, thưởng phải đốt lửa sửa ấm tại trường để chống chọi với giá lạnh. Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong mùa lạnh, các cô thường đến từng gia đình để tuyên truyền cho phụ huynh về các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho con em, trang bị cho các cháu trang phục mùa Đông.
Trưởng bản Na Ngân Lương Văn Ớt chia sẻ, người dân trong bản chủ yếu làm nương rẫy nên ít khi ở nhà, do đó điều kiện và thời gian chăm sóc con em rất hạn chế. Các cháu đến lớp, nhận được sự yêu thương, chăm sóc tận tình, chu đáo của các cô nên kỹ năng sống, tự phục vụ của các cháu cũng hình thành rõ ràng. Phụ huynh rất tin tưởng, quý mến và biết ơn các cô.
Tác giả: Xuân Tiến
Nguồn tin: baotintuc.vn