Kinh tế

Giá vàng SJC tiềm ẩn nhiều rủi ro

Việc giới hạn số lượng vàng mỗi khách hàng được mua có thể ngăn chặn các đại gia, đầu nậu gom hàng để làm giá

Ngày 10-6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bán vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) ở mức 75,98 triệu đồng/lượng. Các đơn vị này bán lại cho người dân với giá 76,98 triệu đồng/lượng. So với ngày đầu tiên (3-6) khi 4 NHTM bắt đầu bán vàng cho người dân, giá vàng SJC đã giảm 3 triệu đồng/lượng.

Mỗi người được mua 1 - 2 lượng

Trên thị trường quốc tế, giá vàng biến động dưới ngưỡng 2.300 USD/ounce, tương đương 70 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch với giá vàng SJC hiện thu hẹp chỉ còn hơn 6 triệu đồng/lượng.

Điểm khác biệt trong ngày 10-6 là các NHTM thông báo mỗi người chỉ được mua tối đa 2 lượng vàng miếng SJC thay vì không giới hạn như trước. Các cửa hàng của Công ty SJC vẫn duy trì quy định mỗi khách hàng được mua 1 lượng và mỗi cửa hàng chỉ tiếp nhận khoảng 100 khách/ngày.

Người dân vẫn đổ tới Công ty SJC để mua vàng những ngày qua .Ảnh: LAM GIANG

Tại Vietcombank chi nhánh Tân Bình (TP HCM), nhân viên giao dịch cho biết ngân hàng chỉ tiếp nhận khoảng 60 khách nhằm bảo đảm hoàn tất giao dịch trong ngày. Vì thế, nhân viên này khuyên khách hàng đến lấy số thứ tự vào đầu giờ sáng, chiều quay lại để thanh toán và nhận vàng.

Tương tự, tại các điểm bán vàng của Agribank, VietinBank, BIDV, khách đến mua vàng đều phải xếp hàng lấy số thứ tự, chờ gọi tên đến thanh toán và nhận vàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chị Lê Việt Hà, người vừa mua 2 lượng vàng từ Vietcombank chi nhánh Tân Bình, cho biết chị không thấy khó chịu khi ngân hàng giới hạn mỗi người chỉ được mua tối đa 2 lượng/ngày và cho rằng quy định này là công bằng, ai đến xếp hàng đều được mua vàng, thay vì để cho một vài cá nhân mua cả trăm lượng, còn những người đến sau không mua được.

Là người chuyên đầu tư, kinh doanh vàng và chứng khoán, ông Trần Thanh Hùng (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) cũng đồng tình với việc ngân hàng giới hạn số lượng vàng mỗi khách hàng được mua, vì biện pháp này có thể ngăn chặn các đầu nậu gom hàng để làm giá, thao túng thị trường sau khi các NHTM dừng bán vàng.

Nói về việc các ngân hàng và cửa hàng giới hạn lượng vàng bán cho người dân, TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng cần phải thông cảm. NHNN cung ứng vàng, đáp ứng nhu cầu của người dân là tốt rồi. Bởi không riêng Việt Nam mà trên thế giới không nước nào có thể cung ứng vàng vô hạn cho người dân được.

Ông Trương Văn Phước không cho rằng việc ngân hàng bán vàng với số lượng hạn chế cho người dân là biện pháp hành chính mà cần phải nhìn dưới góc độ cung cầu của thị trường. "Nguồn cung vàng phụ thuộc nguồn lực ngoại tệ, tức phải bỏ ngoại tệ ra để nhập vàng nguyên liệu. Trong khi nguồn ngoại tệ của chúng ta có hạn và có rất nhiều mặt hàng phải nhập khẩu" - ông lý giải.

Lo sợ giá giảm thêm

Không phải đợi đến khi các ngân hàng giới hạn lượng vàng mỗi người được mua mà vài ngày qua, nhiều người đã tạm gác nhu cầu mua vàng SJC để đầu tư, tích trữ vì thấy giá giảm quá nhanh. Không ít người dân đến cửa hàng của Công ty SJC và NHTM xếp hàng nhưng sau đó suy nghĩ lại và quyết định không mua nữa.

Anh Nguyễn Văn Tiến (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) kể tuần trước anh đến Vietcombank chi nhánh TP HCM lấy số thứ tự mua vàng nhưng khi đến lượt thì anh đã hủy giao dịch vì thấy NHNN đang rất quyết tâm kéo giảm và thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC với thế giới.

"Nếu lúc đó tôi mua với giá 79,98 triệu đồng/lượng thì đến nay đã thiệt 3 - 4 triệu đồng/lượng. Thời điểm này tôi vẫn chưa quyết định mua vì thấy xu hướng giá vàng thế giới vẫn đang đi xuống, NHNN cũng chưa có kế hoạch ngừng bán vàng để ổn định thị trường" - anh Tiến nói.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập kiêm Giám đốc tư vấn Công ty Think Future Consultancy - chuyên hoạt động về đầu tư tài chính, nhận xét việc NHTM mua vàng SJC từ NHNN rồi trực tiếp bán cho người dân là mua gốc bán ngọn.

Phương pháp này đã bỏ qua khâu trung gian, giúp giá vàng SJC giảm nhanh, đáp ứng nhu cầu tích trữ hoặc làm quà tặng của người dân, chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước được thu hẹp đáng kể. "Ngoài ra, NHNN quy định tất cả hoạt động mua bán vàng đều phải xuất hóa đơn điện tử sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch, đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm giữ, thao túng trên thị trường vàng" - ông Linh nói.

TS Trương Văn Phước cũng cho rằng lúc này người dân cần hết sức thận trọng vì cuối tuần qua, cùng với nhiều biến số về kinh tế Mỹ và châu Âu, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngưng mua vàng dự trữ, đã khiến giá vàng thế giới lao dốc rất sâu.

"Trong nước, giá vàng SJC hạ nhiệt rất nhanh nên tôi nghĩ mua vàng để đầu cơ lúc này là hết sức mạo hiểm. Dĩ nhiên, nắm giữ vàng là quyền của mọi công dân, pháp luật không cấm nhưng cần thận trọng" - ông Phước nêu quan điểm.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Thị Mùi - thành viên Hội đồng Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - nhận xét NHNN đã thành công trong việc kéo được giá vàng SJC xuống. Tuy nhiên, đó chỉ là thành công bước đầu, thời gian tới NHNN cần kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng phù hợp với tình hình thực tiễn.

Có thể dùng công cụ thuế để điều tiết

Bên cạnh giải pháp tăng cung vàng của NHNN để bình ổn thị trường vàng, TS Trương Văn Phước cho rằng về dài hạn vẫn phải sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP để bảo đảm thị trường phát triển ổn định.

. Theo ông, nên sửa nghị định này theo hướng nào để thị trường ít gặp những cú sốc như thời gian gần đây?

- Ông TRƯƠNG VĂN PHƯỚC: Có thể nói trong hơn 12 năm qua, Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã đóng góp quan trọng vào việc ổn định thị trường vàng, cùng với các chính sách không cho các tổ chức tín dụng huy động vàng, không cho giao dịch vàng qua các sàn... Tập quán của người dân cũng đã thay đổi nhiều. Vàng không còn là phương tiện trao đổi, định giá, thậm chí không còn là phương tiện cất giữ duy nhất nữa.

Do vàng miếng SJC chiếm thị phần lớn, từ 90%-95%, nên NHNN muốn việc chế biến, gia công phải sử dụng nguồn nguyên liệu từ cơ quan này. Đó là hướng tiếp cận chính sách đúng đắn nhiều năm qua.

Sắp tới, tôi nghĩ nên để thị trường quyết định giá vàng miếng. Tuy nhiên, với tư cách là đơn vị nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, NHNN cần giữ quyền xuất nhập khẩu vàng. Còn việc chế biến, gia công vàng miếng nên trao lại cho doanh nghiệp đủ điều kiện. Như vậy, chúng ta sẽ chứng kiến sự điều tiết của thị trường vàng theo quy luật cung cầu và giá cả chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch lớn như thời gian qua.

. Có ý kiến cho rằng nhà nước cần tính đến thu thuế người mua bán vàng. Liệu chính sách này khả thi không, thưa ông?

- Thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ nhà nước nào. Trong bối cảnh người dân tập trung vốn vào mua vàng, tôi nghĩ nhà nước có thể sử dụng công cụ thuế để điều tiết, không chỉ điều tiết thu nhập mà điều tiết cả hành vi của người tiêu dùng. Chức năng và nhiệm vụ này thuộc về Bộ Tài chính.

Tác giả: Thy Thơ

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP