Trong tỉnh

Gặp người chỉ huy "tọa độ lửa" ở KM số 0 đường Hồ Chí Minh trong những năm tháng hào hùng

Những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ki-lô-mét số 0, đường mòn Hồ Chí Minh (đoạn qua thị trấn Tân Kỳ, Nghệ An) đã trở thành "toạ độ lửa". Dẫu trong mưa bom bão đạn, người dân nơi đây đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc ta trên con đường huyền thoại này.

Người góp công lớn trong các trận đánh nơi này (tức ở "tọa độ lửa" KM số 0) phải kể đến vai trò của vị chỉ huy, Xã đội trưởng Chu Văn Tiếp (nguyên Xã đội trưởng xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ), hiện đang trú tại thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

Điểm mốc của con đường huyền thoại

Để chi viện cho chiến trường miền Nam đang ngày một ác liệt, ngày 19.5.1959, Bác Hồ đã quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược (sau này trở thành tên gọi đường Hồ Chí Minh huyền thoại); và điểm xuất phát bắt đầu được tính từ KM số 0, đóng ở xã Kỳ Sơn (nay là thị trấn Tân Kỳ), huyện Tân Kỳ, Nghệ An đến huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Ông Chu Văn Tiếp - Người từng chỉ huy các trận đánh ngay "tọa độ lửa" ở ki-lô-mét số 0 trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.


Đồng chí Võ Bẩm là người được giao nhiệm vụ trưởng Đoàn 559 đi mở tuyến đường này. Ngày 9.8.1964, tại dốc Con Mèo, huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế bắt đầu được mở ra hai đầu. Đến năm 1972, phía Nam mở đến Lộc Ninh, Bình Dương, phía Bắc mở đến Cột mốc Km số 0, đóng tại xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.

Ông Chu Văn Tiếp, nguyên Xã đội trưởng xã Kỳ Sơn (thời kỳ 1964-1973) kể lại: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở kilômét số 0 luôn trở thành "toạ độ lửa". Hai đầu xã Kỳ Sơn, tức xã Giang Sơn (huyện Đô Lương) và Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ) đã bị cài bom B52, dưới dòng sông Con bị rải bom từ trường. Trong khi Kỳ Sơn lại là hậu cứ chiến lược quan trọng cho việc chi viện chiến trường miền Nam.

Trước tình hình đó, Kỳ Sơn thành lập hai đơn vị, một đơn vị trực chiến bảo vệ giao thông và một đơn vị chuyên bắn máy bay, cả hai đều do ông Tiếp phụ trách để cùng bộ đội Phòng không ngày và đêm đánh hơn 546 trận. Ngày 12.6.1966, tại ki lô mét số 0, bộ đội ta đã bắn rơi chiếc máy bay F4 của địch đầu tiên bay qua đây.

Ngoài ra, Kỳ Sơn còn chọn ra một đội quân anh dũng gồm 20 đồng chí luôn có mặt ở vị trí nguy hiểm để trực đèn xanh, đèn đỏ phát tín hiệu cho bộ đội hành quân chở vũ khí và lương thực vào chiến trường miền Nam và báo hiệu cho bà con địa phương xuống hầm mỗi khi có máy bay địch xuất hiện.

Tại đây không ít lần đoàn xe của bộ đội bị bom đạn Mỹ dội xuống bốc cháy, dân quân Kỳ Sơn đã nhanh chóng sơ tán bằng cách dập lửa, huy động sức trâu, bò kéo những chiếc xe đã trúng đạn ra khỏi hiện trường để tránh sát thương cho bộ đội.

Những trận đánh nảy lửa

Trong căn nhà nhỏ bên góc thị trấn Lạt (Tân Kỳ), ông Chu Văn Tiếp nhớ lại như in trận ngày 13.7.1968. Đó là: khi đoàn xe gồm 12 chiếc của bộ đội ta chở hàng đi qua km số 0 thì bốn xe trúng đạn rồi bốc cháy, người dân Kỳ Sơn không sợ hy sinh và đã thi nhau ôm chăn xông vào dập lửa, sau đó sơ tán những xe bị cháy để cho những xe còn lại tiếp tục nhanh chóng tiến vào chiến trường miền Nam.

Mốc KM số 0 từng là "tọa độ lửa" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Ngày đó ông Tiếp còn cho lập một tổ chuyên đánh kẻng báo động ở trên đồi 43 đoạn qua khu vực này. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Kỳ Sơn cứ cách năm chục mét là bà con đào một hầm chữ A để bộ đội và người dân có thể trú ẩn mỗi khi máy bay địch thả bom.

Trong giai đoạn ác liệt ấy, nơi đây thật sự trở thành một "tọa độ lửa", bà con nhân dân xã Kỳ Sơn luôn nêu cao tinh thần "xe chưa qua nhà không tiếc". Vì thế hầu hết quân và dân Kỳ Sơn luôn hết lòng với Tổ quốc, đã tham gia chiến đấu 537 trận. Những gương mặt anh dũng hồi đó như đồng chí Nguyễn Công Lợi, Nguyễn Khắc Hoá... đã cùng đồng đội dũng cảm rà, phá được nhiều quả bom nổ chậm.

Đặc biệt, trong thời gian này máy bay địch đã hơn 145 lần bắn phá cầu Trôi và cầu Đập Đá bị sập nhưng bà con Kỳ Sơn đã nhanh chóng khắc phục để cho xe của bộ đội ta đi qua. Ngoài chiến đấu, người dân Kỳ Sơn còn cưu mang hơn 2.000 người dân từ tuyến lửa Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) sơ tán về đây.

Theo thống kê của Ban chỉ huy quân sự huyện Tân Kỳ cho biết, trong cuộc kháng chiến trường kỳ ấy, người dân Kỳ Sơn phải chịu đựng 1.200 tấn bom đạn, thiệt hại 187 ngôi nhà, 4 chiếc cầu, 1 kho lương thực, 1 trường học, làm chết 75 người và 112 người bị thương. Đó là chưa kể hàng trăm con trâu, bò, hàng chục ha đất đai, hoa màu... cũng bị tàn phá.

Chiến tranh kết thúc,với những hy sinh xương máu đó, xã Kỳ Sơn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Kỳ Sơn. Cột mốc Ki lô mét số 0 của đường Hồ Chí Minh (từng là một trong những "tọa độ lửa" ác liệt) đi vào huyền thoại và nay đã chính thức được xây dựng thành Khu di tích cấp quốc gia, ghi lại dấu ấn lịch sử của dân tộc ta một thời đạn bom, một thời hào hùng.

Cột mốc KM số 0 hôm nay một thời từng là "tọa độ lửa" của chiến tranh.


Ông Đoàn Quang Trung, Hội phó Hội cựu chiến binh, Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sơn huyện Tân Kỳ cho biết: Qua các thời kỳ chống giặc ngoại xâm, khu vực km số 0, đóng tại xã Kỳ Sơn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Đây là nơi ẩn náu chiêu quân của thời Lê Lợi, Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trong kháng chiến chống Pháp là nơi tụ họp, luận bàn việc nước của cán bộ cách mạng thuộc Chi bộ Giang- Kỳ -Hồng.

Trong kháng chiến chống Mỹ là một hậu phương chiến lược quan trọng, là nơi tập kết nhiều chi đoàn chủ lực như 316A, 316B, 318 để từ đây đi chiến đấu khắp các chiến trường... góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam 30.4.1975. Tuy nhiên, trong chiến tranh, mốc KM số 0 cũng từng là một "tọa độ lửa" vô cùng ác liệt, mà qua đó đã ghi dấu những con người anh dũng ở mảnh đất này./.

Tác giả: Phan Sáng

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP