Dọc theo con đê men bên bờ sông Lam ở huyện Nam Đàn chúng tôi đi ngược lên Thành Chương, Đô Lương, Anh Sơn…của tỉnh Nghệ An và chứng kiến những bãi cát khổng lồ tấp nập khai thác suốt ngày đêm. Từ những buổi làm việc với chính quyền các địa phương đến thâm nhập các bến bãi khai thác cát, chúng tôi khẳng định gần 90% các mỏ khai thác cát trên dòng sông này đều không có giấy phép.
Nhiều chủ bến bãi khai thác cát lậu dọc bờ sông cho biết, xin giấy phép cấp mỏ khai thác cát ở Nghệ An khó như đi lên trời, do vậy họ cứ khai thác trái phép, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, đẩy đuổi thì đi, lập biên bản xử phạt thì ký, nộp phạt xong lại khai thác tiếp. Sau mỗi lần bị xử phạt thì khai thác còn nhiều hơn, khai thác không kể ngày đêm để bù vào số tiền bị phạt.
Chỉ tính riêng đoạn sông Lam chảy qua địa bàn huyện Thanh Chương đã có 26 bến khai thác cát chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động liên tục. Nằm ngay giữa trung tâm thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương nhiều bến khai thác cát ngang nhiên hoạt động khi địa điểm bến đến trung tâm huyện lỵ và cơ quan chức năng chưa đầy 1km.
Tại huyện Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên… do nhu cầu sử dụng cát tăng cao nên hàng trăm bến khai thác cát trái phép với số lượng lớn cũng thi nhau hoạt động hết công suất.
Do khai thác cát, hiện nhiều đoạn đôi bờ sông Lam đã cuộn chảy vào tận nhà dân. Chính quyền nhiều xã có sông chảy qua cũng đã nhắm mắt làm ngơ cho khai thác cát, sỏi bởi lợi nhuận từ các cơ sở khai thác cát mang lại. Nhiều bến bãi, công trường khai thác cát xuất hiện, hàng trăm thuyền máy gầm rú suốt ngày đêm trên dòng sông này để khai thác cát, sỏi và điều dễ hiểu là dòng sông dần bị "giết chết".
Do khai thác cát, sỏi đã làm thay đổi căn bản dòng chảy của sông Lam vì vậy những hệ luỵ đang buộc người dân sống đôi bờ phải gánh chịu.
Tại xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, sông Lam đã cuốn phăng của xã 250ha đất. Nhiều xã như Vân Diên, Nam Thượng huyện Nam Đàn; Thanh Chi, Thanh An, Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương; một số xã của huyện Anh Sơn, Con Cuông... đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất dọc bờ sông.
Nhiều hầm, hố trên dòng sông trở thành những chiếc bẫy đối với người dân lương thiện. Hàng chục em nhỏ chết đuối mỗi năm trên dòng sông này cũng một phần bởi nạn khai thác cát, sỏi trái phép…
4 năm, dân gõ cửa chính quyền không xin được giấy phép
Trong quá trình tìm hiểu thực tế để thực hiện bài viết này, chúng tôi mới vỡ lẽ vì sao một số chủ bến bãi khai thác cát trái phép ở Nghệ An cho rằng “xin được giấy phép cấp mỏ ở Nghệ An khó như đi lên trời”. Cách đây 4 năm, 18 chủ bến bãi khai thác cát sạn trên địa bàn huyện Thanh Chương đã chung vốn thành lập Công ty cổ phần Khai thác cát sạn vận tải Thanh Chương, hiện công ty này có 280 lao động và hàng chục bến khai thác trái phép.
Ông Nguyễn Doãn Đức, người đứng ra lập Công ty cổ phần Khai thác cát sạn vận tải Thanh Chương cho biết, đã 4 năm qua lãnh đạo công ty làm hồ sơ nhiều lần, nay hồ sơ đã hoàn chỉnh nhưng vẫn không được UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan ở Nghệ An cấp phép.
“Chúng tôi rất muốn có giấy phép khai thác một cách đàng hoàng, nộp thuế và các loại phí cho Nhà nước, nhưng rồi đành phải làm chui. Khi có giấy phép công ty mới ký được hợp đồng cung cấp vật liệu cho nhiều cơ quan, đơn vị nhưng nay làm theo kiểu, vừa làm vừa chạy…”.
Được biết hàng trăm bến bãi khai thác cát trên sông Lam không thể được cấp phép một phần do quy định của Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Nghệ An: Tất cả các bến bãi muốn được cấp phép thì phải được sự đồng ý 100% của người dân sinh sống cách mỏ, bến bãi 500m.
Anh Trần Viết Nam, một chủ bến bãi nói: “Không riêng gì xin giấy phép khai thác cát sạn mà bất cứ việc gì nếu đòi hỏi 100% người dân đồng tình thì không bao giờ có. Cách bãi khai thác 500m cả trên và dưới thành 1km, nơi có hàng ngàn người sinh sống thì không thể lấy được ý kiến 100% đồng tình. Chúng tôi muốn làm đúng pháp luật, xin giấy phép khai thác đàng hoàng nhưng tỉnh ra quy định không thực tế, hồ sơ gác lên gác xuống… nên đành chịu”.
Khi đề cập đến việc hàng chục bến bãi trên địa bàn khai thác cát trái phép, ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, Nghệ An cho biết, hầu hết các bến bãi cát sạn trên địa bàn huyện này là của người dân từng làm vạn đò trên sông Lam.
Gần mười năm trở lại đây do ô nhiễm môi trường nên tôm cá trên sông cạn kiệt nên một số hộ dân chuyển sang khai thác cát, sạn. Tâm lý của người khai thác khi huyện nắm bắt đều rất muốn được cấp phép bến, bãi, khai thác đúng pháp luật.
Nhiều lần huyện đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu cho UBND tỉnh cần xem xét lại các quy định ngặt nghèo về cấp phép như người dân phản ánh để cấp phép cho người dân khai thác cát sạn.
Cũng theo ông Quế chỉ khi tỉnh lựa chọn địa điểm, quy hoạch bến bãi, cấp phép thì mới đảm bảo được việc khai thác cát sạn không ảnh hưởng đến lòng sông và các công trình khác. Hiện, nhiều chủ bến bãi lấy lý do khó xin cấp phép nên khai thác tràn lan, nhiều lần huyện tổ chức kiểm tra, xử phạt, tịch thu phương tiện… nhưng sau đó lại tái diễn khai thác trái phép.
Tác giả bài viết: Dương Sông Lam
Nguồn tin: