Trong tỉnh

Gần 2.000 đề xuất, nguyện vọng, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân cả nước gửi gắm đến người đứng đầu Chính phủ

Chiều 30/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề: "Nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững". Hội nghị được kết nối trực tuyến các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố với sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương; Thường trực tỉnh, thành Hội Nông dân và các ban, đơn vị trực thuộc; Thường trực Hội Nông dân cấp huyện; đại diện các nông dân tiêu biểu...

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các hợp tác xã tiêu biểu; các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan...

Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cùng chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì đã qua 4 lần tổ chức. Lần thứ nhất, người đứng đầu Chính phủ đối thoại với nông dân tại tỉnh Hải Dương (năm 2018), lần thứ hai được tổ chức tại thành phố Cần Thơ (năm 2019), lần thứ ba tại tỉnh Đắk Lắk (năm 2020) và lần thứ 4 tại tỉnh Sơn La (năm 2022).

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới và Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam (nhiệm kỳ 2023- 2028) kết thúc thành công tốt đẹp với bài phát biểu chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì thế, Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là sự động viên, khuyến khích to lớn đối với cán bộ, hội viên nông dân cả nước.

Ngay từ đầu năm 2023, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi tới toàn thể cán bộ, hội viên nông dân về các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc và cần có giải pháp tháo gỡ để phục vụ Hội nghị đối thoại năm nay.

Sau một thời gian tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, đã có gần 2.000 đề xuất, nguyện vọng, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân cả nước gửi gắm đến người đứng đầu Chính phủ. Điều đó thể hiện niềm tin, kỳ vọng lớn của bà con nông dân tới đồng chí Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, có 6 nhóm vấn đề bà con nông dân quan tâm, muốn được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giải đáp.

Cụ thể, bà con nông dân mong muốn Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên triển khai như phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị.

Nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành; đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp như hỗ trợ, trang bị thiết bị chuyển đổi số, hạ tầng mạng, viễn thông; đặc biệt là công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số.

Về các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhiều ý kiến, kiến nghị đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các đề án về canh tác cà phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững. Cần có giải pháp, chính sách trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đảm bảo; quy hoạch, phát triển công nghiệp, làng nghề chưa khoa học, thiếu tính khả thi… để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh và ngày càng hình thành nhiều miền quê đáng sống.

Ngoài ra, còn có các ý kiến, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm tạo điều kiện giải quyết, chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người nông dân như: Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ở khu công nghiệp, ở đô thị hay đi xuất khẩu lao động (do hết hạn hợp đồng, do dịch bệnh, do tuổi tác, sức khỏe, kỹ năng, tay nghề không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI) quay về nông thôn…

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP