Trong tỉnh

FDI công nghệ 'lên ngôi' ở Nghệ An

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhà đầu tư vẫn liên tục "rót" vốn vào Nghệ An, đáng chú ý là sự đổ bộ của các “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ.

Cập bến loạt dự án công nghệ tỷ đô

Năm 2023, Nghệ An tiếp tục nằm trong top 10 địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước với 19 dự án được cấp mới, tổng mức đầu tư hơn 1,32 tỷ USD; điều chỉnh vốn đăng ký đầu tư cho 13 dự án với số vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm hơn 277,9 triệu USD; tổng số vốn đăng ký đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm hơn 1,6 tỷ USD, vượt 221,1% mục tiêu kế hoạch năm 2023 đã đặt ra (mục tiêu năm 2023 thu hút vốn đầu tư FDI khoảng 500 triệu USD).

Một số dự án lớn được cấp mới và điều chỉnh năm 2023 như: Nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn Runergy tại KCN Hoàng Mai I (293 triệu USD); Dự án Innovation Precision tại KCN VSIP Nghệ An (165 triệu USD); Dự án Suny Automotive Quang Học Vina tại KCN WHA Industrial Zone Nghệ An (150 triệu USD); Nhà máy Radiant Opto Electronic (120 triệu USD),;Dự án Nhà máy công nghệ Everwin precision - Nghệ An (115 triệu USD); Dự án Fu Wing Interconnect Technology tại KCN WHA Industrial Zone Nghệ An (100 triệu USD); Điều chỉnh dự án Nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn Runergy tại KCN Hoàng Mai I (điều chỉnh tăng 147 triệu USD)…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, trong năm 2023, doanh thu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 850 triệu USD, tăng 11,88 % so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt hơn 1,05 tỷ USD, tăng 27,28% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 731,7 triệu USD, tăng 41,58% so với cùng kỳ năm 2022; nộp ngân sách Nhà nước đạt 268,9 tỷ đồng (tương đương khoảng 11,09 triệu USD); giải quyết việc làm cho 39.145 lao động, tăng 4,35% so với năm 2022.

Nghệ An luôn đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2024, Nghệ An tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút FDI theo Kế hoạch 490/KH-UBND ngày 31/8/2020 (cụ thể hóa Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030); Kế hoạch số 293/KH-UBND ngày 28/4/2023 và Công văn số 4874/UBND-CN ngày 19/6/2023 của UBND tỉnh.

Thời gian tới, Nghệ An sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu; dịch vụ tài chính, ngân hàng; giáo dục; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại, logistics và chuỗi cung ứng...

Thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia vào đầu tư, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng có giá trị gia tăng, tham gia thị trường khu vực và toàn cầu, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại tỉnh…

Nghệ An sẽ không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, khai thác thâm dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường và hợp tác cải thiện môi trường tốt hơn trong quá trình đầu tư, triển khai dự án và hoạt động của doanh nghiệp trong suốt thời gian thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, tập trung thu hút đầu tư FDI vào Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, các khu công nghiệp (VSIP Nghệ An, WHA Hemaraj 1 Nghệ An, KCN Hoàng Mai, KCN Đông Hồi,…), các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa bàn nông thôn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án trọng điểm (KCN đô thị và dịch vụ VSIP, KCN WHA giai đoạn 2; KCN Hoàng Mai 1, 2, KCN Thọ Lộc; dự án cảng biển Cửa Lò, Đông Hồi và các dự án nhà ở cho công nhân). Hỗ trợ và phối hợp với các nhà đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng chiến lược như VSIP Nghệ An, WHA, Hoàng Thịnh Đạt để kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài thứ cấp.

Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ; tiếp tục cải cách và nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư; nghiên cứu và tham mưu chính sách vận động thu hút đầu tư các đối tác, các nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh: Các quốc gia, vùng lãnh thổ Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan), Thái Lan, Singapore, Australia, các quốc gia thành viên EU, Hoa Kỳ. Gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, các bộ ngành trung ương, các địa phương trong cùng khu vực.

Ngoài ra, Nghệ An cũng sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đồng hành cùng nhà đầu tư nước ngoài giải quyết các khó khăn, vướng mắc hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và tiến độ thực hiện các dự án đã cấp phép đầu tư, tăng cường hỗ trợ các dự án lớn, mang tính động lực, như: Luxshare ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy…, hình thành nên một môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn để thúc đẩy việc thu hút các dự án FDI.

Năm 2024, Nghệ An dự kiến thu hút đầu tư khoảng 15 - 20 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký dự kiến khoảng 710 triệu USD.

Tác giả: VĂN DŨNG

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP