Cô Lê Thị Thu Nguyệt - Trường Mầm non Bình Minh, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) hướng dẫn trẻ tập ném bóng trong giờ học vận động thô. Ảnh: NVCC |
Tay bế trẻ, tay xúc cơm
Một ngày làm việc của cô giáo Lê Thị Thủy (52 tuổi), Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bắt đầu từ 6 giờ 30 phút sáng. Các cô có mặt ở trường để chuẩn bị công việc như vệ sinh phòng học, nhận nước uống, đồ ăn sáng của trẻ và rời trường khi phụ huynh cuối cùng đến đón con. Mỗi ngày làm việc của giáo viên mầm non như cô Thủy vì vậy kéo dài từ 10 - 11 tiếng như một điều hiển nhiên trong khi Luật Lao động chỉ quy định 8 tiếng/ngày.
Từ 3 năm nay, cô Thủy được phân công đứng lớp trẻ dưới 18 tháng hoặc nhóm lớp 18 - 24 tháng. Hầu hết trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, nhất là trẻ dưới 18 tháng tuổi khóc đều quấy ở những ngày mới đến lớp và khi xa mẹ. Cô Thủy kể, có những trẻ ngày đầu làm quen môi trường mới gần như phải có giáo viên bế ẵm. Trẻ được duy trì giờ ngủ sinh học như sinh hoạt ở nhà. Trẻ nào thích nghi nhanh thì sau gần nửa tháng, mọi nền nếp ăn ngủ mới đi vào ổn định.
Quan sát hoạt động của cô giáo Lê Thị Thu Nguyệt (45 tuổi) đồng nghiệp của cô Lê Thị Thủy tại Trường Mầm non Bình Minh vào giờ cho trẻ ăn mới thấy hết vất vả của giáo viên đứng lớp nhóm trẻ 6 - 12 tháng tuổi. Có cháu cô chưa kịp cho ăn là khóc ré, cũng có trẻ cô cho thìa cháo vào miệng đã phun hết ra ngoài, bắn lên mặt, áo quần cô giáo. Cho cháu này ăn nhưng cô đồng thời phải quan sát các cháu còn lại, để ý xem cháu nào cho tay vào miệng không…
“Để trẻ quen dần việc ngồi ăn ở ghế, các cô phải đặt vào ghế, hết giờ ăn bế ra. Cứ thế, mỗi ngày bồng bế xoay vòng chục lượt. Rồi phải bế trẻ vệ sinh sau bữa ăn nếu phun, nhè thức ăn ra người. Khăn ướt để lau cho trẻ phải được giặt bằng nước ấm”, cô Thủy kể.
Cô Lương Thúy Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh cho biết: “Đứng lớp ở nhóm trẻ 6 - 12 tháng tuổi, cô giáo phải tỉ mỉ quan sát và chăm sóc trẻ bởi mọi nhu cầu chỉ thể hiện qua tiếng khóc, từ ăn, gắt ngủ, tè dầm, đòi cô bế… Quan trọng hơn, giáo viên phải có kỹ năng giao lưu cảm xúc với trẻ. Các cô cần nhẹ nhàng, âu yếm, tạo cho trẻ sự an toàn để thấy ở bên cô giống như mẹ”.
Cô Lê Thị Thủy - Trường Mầm non Bình Minh, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) hướng dẫn trẻ hoạt động ở sân bóng. Ảnh: NVCC |
Bài toán bố trí đội ngũ
Với giáo viên lớn tuổi, Ban giám hiệu Trường Mầm non Bình Minh thường bố trí đứng lớp ở độ tuổi nhà trẻ trở xuống. Theo đó, mỗi tiết học ở độ tuổi này chỉ kéo dài từ 8 - 10 phút để đảm bảo sự tập trung của trẻ. Giáo viên vì vậy cũng không phải đầu tư quá nhiều cho việc soạn giảng. Thay vào đó, các cháu cần chăm sóc kỹ lưỡng, sát sao của cô trong các hoạt động ăn, ngủ, chơi, vận động.
Cô Lương Thúy Quỳnh chia sẻ: “Với giáo viên lớn tuổi, việc ứng dụng công nghệ thông tin, độ nhanh nhạy, dẻo dai bị hạn chế nên tổ chức các trò chơi vận động cho trẻ không tốt. Vì vậy, phân công đứng lớp với nhóm trẻ dưới 18 tháng tuổi sẽ nhẹ đi phần dạy nhưng nặng về phần chăm”.
Thế nhưng, không phải trường mầm non nào cũng có biên chế nhóm lớp độ tuổi nhà trẻ. Như huyện Nam Trà My (Quảng Nam) hiện chỉ có Trường Mầm non Hoa Mai ở trung tâm huyện có thể nhận trẻ ở độ tuổi nhà trẻ. Theo cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường mầm non Trà Vinh (xã Trà Vinh, Nam Trà My, Quảng Nam), trường có các điểm thôn, đường sá đi lại khó khăn. Chưa kể điều kiện dạy học ở đây thiếu thốn học cụ. Vì vậy, ngoài giờ lên lớp, các cô giáo phải dành nhiều thời gian để làm đồ dùng, đồ chơi, mô hình phục vụ hoạt động dạy – học ở điểm trường.
Ngoài ra, các điểm trường thôn hầu hết chỉ có 1 giáo viên, trong khi có đến 3 độ tuổi từ 3 - 4 - 5 nên giáo viên rất vất vả khi tổ chức các hoạt động. Nếu tập trung chủ yếu cho trẻ 5 tuổi đủ kỹ năng để vào lớp 1 thì thiệt thòi cho trẻ ở độ tuổi 3 - 4 tuổi.
Một cán bộ quản lý bậc học mầm non ví von rằng, cô giáo mầm non chưa có chồng đã phải làm mẹ nhưng khi lớn tuổi phải về “hưu non”. Đây là điều hiển nhiên bởi sự đào thải khắc nghiệt của ngành học mầm non, cô giáo từ 40 tuổi trở lên khó để “hát hay, múa đẹp”, cũng không còn trẻ trung, sôi nổi cùng các cháu. Chính vì vậy, nếu kéo dài đến 60 tuổi đối với nữ mới về hưu thì các trường khó bố trí công tác phù hợp.
Chăm sóc trẻ nhóm lớp 6 - 12 tháng tuổi Trường Mầm non Bình Minh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC |
Làm cô giáo không phải bà giáo
Thầy giáo Trịnh Hồng Quân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) nêu quan điểm: “Người xưa có câu “Thầy già, con hát trẻ” với hàm ý chỉ người làm thầy khi kinh qua giảng dạy nhiều năm sẽ đúc kết được nhiều kinh nghiệm cả trong tri thức và vốn sống ắt sẽ dạy tốt hơn. Tuy nhiên, câu nói này không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt đối với ngành học mầm non”.
Trường Mầm non Thành Sơn có thầy giáo Bùi Văn Bông, năm nay 60 tuổi, nhưng chưa được nghỉ hưu. Theo quy định mới của Luật Lao động, năm 2024, thầy Bông mới đủ tuổi nghỉ theo chế độ.
“Thực tế, tuổi như thầy Bông, ở ngoài đời, trẻ đã phải gọi ông, thậm chí có người lên chức cụ. Tuổi ấy, sẽ không còn sức khỏe, sự năng động, linh hoạt như các thầy, cô giáo trẻ nữa. Vì thế, ngay cả việc chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh cá nhân cho các bé ở trường, thầy Bông vẫn có thể đảm đương nhưng không còn nhanh nhẹn, khéo léo như xưa”, thầy Quân nhận xét và chia sẻ:
“Đối với nghề giáo, đặc biệt giáo viên mầm non, thực tế rất vất vả, nặng nhọc. Nhiều kỹ năng như tự phục vụ, xã hội… của trẻ đều đặt nền móng ở giai đoạn này. Vừa dạy vừa chăm sóc, nuôi dưỡng, thời gian ở trường của giáo viên mầm non chiếm nhiều hơn so với đồng nghiệp các cấp học khác”.
Những câu chuyện về mẹ làm giáo viên mầm non chưa lo được cho con mình đã phải đến trường để đón con người khác hay được kể. “Giáo viên mầm non không ai kêu ca, phàn nàn gì điều này vì đã xác định chọn và nguyện gắn với nghề đến tuổi về hưu. Hơn nữa, lòng yêu thương, coi những đứa trẻ ở trường như con của mình, nên ai cũng vượt qua dù khó khăn, vất vả”, thầy Quân bộc bạch.
Niềm vui của trẻ ở Trường Mầm non Phong Lan (điểm trường Lăng Lương, xã Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam) khi được nhà hảo tâm gửi tặng đồ chơi. Ảnh: Trà Thu |
Năm 2020, một hiệu trưởng trường mầm non huyện Đông Giang, Quảng Nam đã xin nghỉ hưu sớm trước thời điểm áp dụng cách tính tuổi nghỉ hưu mới của Luật Lao động. Vị cán bộ quản lý này cho biết, nếu theo cách tính nghỉ hưu cũ với nữ là 55 tuổi thì còn đáp ứng được, chứ kéo dài thêm vài năm nữa thì không biết có kham nổi không.
Cô Lê Thị Thủy thừa nhận dù có kinh nghiệm, có thể cập nhật các phương pháp dạy học hiện đại, tổ chức giờ học thông qua trò chơi để trẻ hình thành kiến thức, kỹ năng mới. Thế nhưng, sự thành thạo, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng khá hạn chế. “Dù chúng tôi được tập huấn, hướng dẫn cách khai thác các phần mềm trong soạn giảng bài giảng điện tử, nhưng nói thật học trước quên sau nên phải có sự hỗ trợ của đồng nghiệp trẻ”, cô Thủy tâm sự.
Từ những vấn đề thực tế nêu trên, thầy Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn kiến nghị: “Nếu được các cơ quan cấp trên xem xét, nghiên cứu và đánh giá về tính khách quan đối với những người công tác trong ngành học mầm non, chúng tôi đề nghị được giảm tuổi lao động xuống thấp hơn hiện nay, theo mức 56 - 57 tuổi đối với nam và 51 - 53 tuổi đối với nữ là phù hợp nhất”.
Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu, xây dựng Thông tư ban hành “Danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”.
Trên cơ sở đặc thù của ngành học mầm non, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến đề nghị Bộ LĐ-TB&XH bổ sung vào danh mục đối với giáo viên mầm non. Nếu được bổ sung vào danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có căn cứ để đề xuất tuổi nghỉ hưu sớm đối với giáo viên mầm non…
Đây là niềm hy vọng với đội ngũ giáo viên ở bậc học mầm non. Bởi nói như thầy Quân, “đây là cấp học mang tính đặc thù so với cấp học khác. Công việc hằng ngày của giáo viên mầm non vất vả, áp lực hơn và thậm chí phải làm những việc không được “thơm tho, sạch sẽ””.
Năm học 2011 - 2012, Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có 13 giáo viên đứng lớp với 100% biên chế, độ tuổi bình quân 46 tuổi. Lúc đó số cháu/lớp rất ít, nhưng ban giám hiệu vẫn kiến nghị xin được hợp đồng thêm giáo viên trẻ. Trẻ hóa đội ngũ có trình độ đào tạo nhằm tạo sự trẻ trung, năng động, sáng tạo trong nhà trường. Với việc bố trí một giáo viên lớn tuổi có kinh nghiệm bên cạnh giáo viên trẻ góp phần thúc đẩy nhanh chóng sự đổi mới của giáo viên trong tổ chức các hoạt động dạy – học và chăm sóc trẻ, làm cho phụ huynh yên tâm khi gửi con vào trường. |
Tác giả: Hà Nguyên
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn