Trong tỉnh

Dự án 4.390 tỷ đồng: Dân lo bất cập, cán bộ bảo không

Từ khi đưa kênh vào sử dụng năm 2017, khi vào thời vụ cấy, nước ở đầu kênh tràn ra khiến ruộng ngập, người dân không gieo cấy được. Trong khi đó, người dân ở cuối kênh cũng không gieo cấy được nhưng vì... thiếu nước.

Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An (gọi tắt là Dự án JICA 2) có tổng mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn JICA là 4.390 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2013. Dự án nhằm bảo đảm tưới 27.656ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước cho 900.000 nhân khẩu tại các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Tuy nhiên, huyện Đô Lương, nơi đang trong quá trình thực hiện dự án, đang nảy sinh những bất cập.

Bên tràn gây ngập, bên cạn khô

Những ngày tháng 8 này, chúng tôi có mặt tại địa bàn xã Tân Sơn (huyện Đô Lương) khi hệ thống kênh thủy lợi mới đang hoạt động. Có điều, phía đầu kênh, giáp xã Thịnh Sơn, nước chảy tràn, nhưng đi đến phía cuối kênh, giáp xã Minh Sơn, không hề có nước.

Ông Hoàng Đắc Bá (trú xóm 13, xã Tân Sơn), cho biết nhà ông có 2 sào ruộng tại địa bàn xóm 14, nhưng nước tưới khi được, khi không”.

Ông Nguyễn Bá Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, cho biết vấn đề bất cập của hệ thống kênh mới đã được người dân phản ánh nhiều, trong các lần họp hội đồng nhân dân huyện, ông cũng đã phản ánh lại.

Tại Tân Sơn có 2 tuyến kênh trong Dự án JICA là kênh N3 và N36. Trong đó, kênh N36 có chiều dài hơn 1,6km phục vụ tưới 100ha cây trồng thuộc các xóm 4, 5, 6, 13 và 14.

Cuối kênh N36 tại xã Tân Sơn cạn không giọt nước

Từ khi đưa kênh vào sử dụng năm 2017, phát hiện khi vào thời vụ cấy, nước đầu kênh ở xóm 4,5 tràn ra khiến ruộng ngập, người dân không gieo cấy được. Trong khi đó, người dân cuối kênh ở xóm 14 cũng không gieo cấy được nhưng vì... thiếu nước.

Mới đây, xã Tân Sơn đã phải cho đắp bờ đất bên cạnh kênh xi măng để chống ngập úng cho đầu kênh và cứu hạn cho cuối kênh.

Ông Tân cho hay: “Khi triển khai dự án, bên tư vấn thiết kế không thông qua xã. Chỉ khi nhà thầu về thi công, có vấn đề liên quan đến xã thì mới kêu”.

Bên cạnh bất cập của kênh N36, kênh N3 cũng phát sinh vấn đề, 2 bên bờ kè quá thấp (khoảng 50cm) nên khi trời mưa, đất từ 2 bên tràn xuống kênh, gây bồi lắng.

Trong khi đó, tại xã Xuân Sơn, ông Nguyễn Đình Thu, Chủ tịch UBND xã, cho biết hệ thống kênh JICA qua xã có kênh N4, N43 và Đồng Rậm. Trong số này, kênh N43 thiết kế không phù hợp.

Trước đây, hệ thống mương đất cũ phục vụ cả việc tưới và tiêu, nhưng kênh mới chỉ phục vụ tưới và quá nhỏ so với diện tích cần tưới. Sau khi kênh JICA đi vào hoạt động, xã Xuân Sơn đã phải cho khơi lại kênh đất chạy song song một bên mới đáp ứng kịp thời vụ và đủ nước tưới.

Do chuyên gia Nhật thiết kế kênh kiểu Nhật!

Ông Lê Văn Bình, Phó Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Đô Lương, cho biết, bất cập nhất trong hệ thông kênh của JICA trên địa bàn huyện Đô Lương là kênh N43 tại xã Xuân Sơn. Kênh này mặt cắt nhỏ nhưng phải tưới cho khoảng 100ha nên phải mở thêm mương đất bên cạnh.

Trước đây, trạm bơm Văn Tràng có 3 máy, mỗi máy bơm công suất 6.700m3/giờ. Từ khi thay 3 máy bơm của Dự án JICA, mỗi máy công suất 5.225m3/giờ nên thời gian tưới kéo dài. Ông Bình nhận định, vì các chuyên gia Nhật thiết kế kênh mương như bên Nhật (hình vuông) nên luôn đầy nước, tưới từ từ thì hợp lý.

Nhưng với thực tế sản xuất theo thời vụ như của ta, yêu cầu cao nhất là “kịp thời vụ”, rồi tưới tùy thời điểm… sẽ khiến kênh hình vuông bất hợp lý vì nước chảy chậm (về mặt thủy lực không có lợi bằng kênh hình thang). Bênh cạnh đó, thực tế kênh mương truyền thống của chúng ta là kết hợp tưới tiêu, nhưng kênh JICA chủ yếu là tưới.

Ông Nguyễn Đình Thảo, Giám đốc Ban quản lý Dự án JICA (Sở NN-PTNT Nghệ An), cho biết Dự án JICA 2 thực hiện tại huyện Đô Lương với mức đầu tư 300 tỷ đồng, phục vụ tưới 5.500ha lúa. Hiện đã thực hiện được trên 90% khối lượng công việc.

“Đó không phải bất cập mà là đẹp, là tốt(?!)”, ông Thảo nói.

Ông lý giải, việc tưới nước kéo dài thời gian hơn so với kênh mương ngày trước là do kênh mới thực hiện tưới đồng loạt. Về việc đầu kênh đầy nước nhưng cuối kênh không có nước, ông nói, do công trình chưa xong (trên thực tế, các kênh nêu trên đều đã vận hành - PV). Còn tại kênh N43 (xã Xuân Sơn), việc phải khơi thêm kênh đất bên cạnh kênh xi măng là “tại vì dân”.

“Vì dân báo là diện tích tưới có 40ha, trong khi thực tế là 90ha”, ông Thảo cho hay.

Tác giả: DUY CƯỜNG

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP