Những ngày gần cuối năm âm lịch, đồng bào dân tộc thiểu số Khơ Mú ở các huyện miền núi Nghệ An lại tất bật làm những bình rượu cần để chuẩn bị đón Tết. Văn hóa ủ rượu cần, uống rượu cần đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây. Đặc biệt, ngày lễ, Tết, hay những hoạt động tâm linh riêng của một gia đình, hoặc cộng đồng đều phải có vò rượu cần.
Nguyên liệu chế biến rượu cần của người Khơ mú thường là nếp rẫy sắn, ngô. Việc lựa chọn nguyên liệu sắn, nếp, men đến ngâm ủ đều phải tuân theo quy trình chặt chẽ, đòi hỏi phải có kinh nghiệm và tay nghề cao. Nếu nguyên liệu không chuẩn sẽ không thể cho ra bình rượu cần ngon đặc trưng được.
Theo người dân tộc Khơ Mú, việc chế biến rượu cần thường do phụ nữ đảm nhận, họ là những người khéo léo và tinh tế trong từng công đoạn. Vậy nên, người phụ nữ Khơ mú, hầu như ai cũng biết cách ủ và biết uống rượu cần. Lúc nông nhàn, nhà nào cũng ủ hàng chục ché rượu để khi cần dùng đến.
Nguyên liệu làm rượu cần được hông chín trước khi ủ men. |
Chị Lữ Thị Mai (trú xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn) cho biết, để làm nên một vò rượu cần cũng không phức tạp, nhưng nhiều công đoạn. Nếu rượu được làm từ nguyên liệu nếp thì được vò kỹ, rồi trộn đều với trấu (vỏ hạt lúa) rồi dùng chiếc hông bằng mây tre đan đồ chín nguyên liệu. Khi hông, đòi hỏi lửa phải đượm để nguyên liệu chín đều.
Sau khi hông xong, nếp sẽ được rải đều ra nong chờ nguội rồi mới đem trộn đều với men. Men ủ rượu cần chủ yếu làm từ giống men truyền thống tự sản xuất. Trước đây, nhiều nhà nghèo không có nhiều vò, chum, chóe như bây giờ nên thường nén vào ống bương lớn có lóng dài khoảng 60-75 cm, rắc lớp trấu lên trên. Người dân sẽ dùng 1 lớp đất nhồi nhuyễn trét kín và dùng lá chuối bịt lại.
Những bình rượu cần luôn có sẵn trong nhà của những người dân tộc thiểu số Khơ mú |
Mỗi người và mỗi nơi đều có cách ủ rượu cần riêng. Có khi chỉ ủ nửa tháng hoặc để một, hai tháng. Có nhà cất lâu đến nửa năm mới đem uống. Rượu cần để lâu càng ngon, nồng. Nếu không biết cách bảo quản, để quá lâu rượu cần sẽ đắng gắt, khó uống.
Mỗi loại nguyên liệu ủ đều cho hương vị riêng của rượu cần. Nếu rượu cần ủ từ nếp cho vị ngọt nồng lâu thì rượu ngô cho vị ngọt, dễ uống, phù hợp với phụ nữ, còn rượu sắn cho vị đắng thơm nồng. Điều đặc biệt hương vị rượu cần người Khơ mú thường có vị đắng nồng trong cả ba loại nguyên liệu trên.
Ngày hội rượu cần của người dân tộc thiểu số Khơ Mú thường rất vui và kéo dài nhiều ngày. |
Trong mỗi gia đình của đồng bào Khơ mú thường có hàng chục ống, một vài vò rượu cần để dùng thường lúc đi làm rẫy nương mệt nhọc về hoặc tiếp khách quý vào ngày lễ, ngày tết… Sừng trâu, bò là dụng cụ thường dùng cho người chủ sị để tiếp nước vào vò rượu cần trong những cuộc vui.
Trước khi vít cần rượu uống, người chủ lễ cúng mời ma nhà đến uống rượu, ăn Tết cùng gia đình, cầu chúc điều may mắn đến với gia đình trong năm mới. Người cao tuổi nhất trong dòng họ được mời uống trước. Sau những người cao tuổi, người trẻ hơn và phụ nữ mơíi được phép uống. Cuộc rượu có thể kéo dài đến gần nửa đêm, những người trong họ tộc ở lại vui Tết cho đến lúc giao thừa, sang năm mới.
Theo các già bản, trước đây, trong lễ mừng nhà mới, sau khi làm thủ tục vào nhà mới cho gia chủ, rượu cần mới được mở cho mọi người cùng chung vui. Cuộc rượu mừng thường kéo dài hai ngày, từ buổi chiều hôm trước cho đến tối hôm sau. Sau bảy ngày, một cuộc rượu lại được tổ chức để trả ơn những người đã giúp làm nhà mới.
Trong đám cưới, sau khi nghi lễ cầu may bằng tiết gà được tổ chức dành cho nhà thông gia và dâu rể, vò rượu cần mới được mở.
Điều khá đặc biệt, trong những cuộc rượu cần vào dịp vui của người Khơ mú như Tết hay mừng nhà mới chỉ thường diễn ra trong gian bếp. Chum rượu cần được buộc vào cây cọc dựng bên cạnh bếp hoặc cột nhà, chân giường, miễn là có một chỗ dựa vững chắc cho chum rượu.
Ngoài ra trong tang lễ của người Khơ mú, rượu cần cũng được dùng cúng cho người chết vào ngày thứ ba và ngày thứ chín sau khi đã chôn cất. Rượu cần ở đây được sử dụng để làm vía, tiễn đưa chia biệt lần cuối với người chết cùng với việc cúng ma nhà trong tang lễ.
Rượu cần không thể thiếu trong thường nhật cũng như trong những ngày lễ, tết của đồng bào các dân tộc Thái, Khơ mú... Có dịp đến với đồng bào các dân tộc thiểu số miền tây Nghệ An, đắm mình trong không gian rượu cần, chúng ta sẽ cảm nhận hết được những giá trị độc đáo trong văn hóa rượu cần của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Tác giả: Gia Hưng
Nguồn tin: Báo Công lý