Trứng cá là bệnh da thông thường gây nên do tăng tiết chất bã và viêm của hệ thống nang lông tuyến bã. Bệnh biểu hiện bằng nhiều loại tổn thương khác nhau như mụn cám, sẩn, sẩn viêm, mụn mủ, mụn bọc, nang... khu trú ở vị trí tiết nhiều chất bã nhờn mặt, lưng, ngực.
Trứng cá thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên, 90% trường hợp ở lứa tuổi 13-19, sau đó bệnh giảm dần, nhưng trứng cá có thể bắt đầu ở tuổi 20-30 hoặc muộn hơn, thậm chí tới tuổi 50-59. Trứng cá không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tuy nhiên, do tồn tại dai dẳng, mụn, sẩn hay sẹo lồi, sẹo lõm ở vùng mặt ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống người bệnh.
Khi xuất hiện nhiều mụn trứng cá ở mặt chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này để phòng tránh (Ảnh minh họa). |
Bác sỹ chuyên khoa II. Quách Thị Hà Giang, Phó trưởng khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, khi xuất hiện nhiều mụn trứng cá ở mặt chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này để phòng tránh và có lựa chọn phương thức chăm sóc và điều trị phù hợp...
Các yếu tố có thể làm xuất hiện và nặng thêm bệnh trứng cá
Stress: có thể gây nên bệnh hoặc làm tăng nặng bệnh trứng cá.
Chế độ ăn: một số thức ăn có thể làm tăng bệnh trứng cá như sô-cô-la, đường, bơ, cà phê…
Các bệnh nội tiết: Cushing, bệnh cường giáp trạng, bệnh buồng trứng đa nang… làm tăng trứng cá.
Thuốc: một số thuốc làm tăng trứng cá, trong đó thường gặp là corticoid, isoniazid, thuốc có nhóm halogen, androgen (testosteron), lithium…
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân tại chỗ như: vệ sinh da mặt, chà xát, nặn bóp không đúng phương pháp và lạm dụng mỹ phẩm làm ảnh hưởng đến bệnh trứng cá. Yếu tố thời tiết, khí hậu nóng ẩm, hanh khô liên quan đến bệnh trứng cá. Yếu tố nghề nghiệp: khi tiếp xúc với dầu mỡ, với ánh nắng nhiều…làm tăng khả năng bị bệnh.
Mụn trứng cá được hình thành dưới tác động của 3 yếu tố chính là tăng sản xuất chất bã, sừng hóa cổ nang lông và vai trò của vi khuẩn P. Acnes, do đó các biện pháp chăm sóc và trị liệu cần tác động vào các yếu tố này.
Bác sỹ chuyên khoa II. Quách Thị Hà Giang, Phó trưởng khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương khẳng định, tùy theo mức độ bệnh bác sỹ da liễu sẽ có phác đồ điều trị phù hợp, trên một bệnh nhân có thể cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị.
Các phương pháp điều trị
Thuốc, sản phẩm bôi tại chỗ có chứa các thành phần: retinoid, benzoyl peroxid, kháng sinh, acid azelaic, niacinamide, acid salicylic.
Liệu pháp tại chỗ: laser, ánh sáng xanh, mesotherapy, điện di, thay da sinh học...
Thuốc dùng toàn thân: Kháng sinh (doxycyclin, tetracyclin, erythromycin) isotretinoin , liệu pháp hormon.
Thuốc khác: vitamin B2, biotin, bepanthen, kẽm.
Chăm sóc da đúng cách khi bị mụn trứng cá nặng
Không thói quen sờ tay lên mặt, nặn, hút, vì gây tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, tăng sắc tố da.
Hạn chế các yếu tố gây bít tắc lổ chân lông như dùng mỹ phẩm, để tóc che phủ mặt, đổ mồ hôi nhiều.
Chọn lựa các sản phẩm tẩy rửa, dưỡng da phù hợp: các sản phẩm rửa êm dịu da,; các sản phẩm dưỡng có ghi chú “non-acnegenic” (không tạo mụn) hoặc “non-conmedogenic” (không tạo nhân mụn).
Bảo vệ da chống nắng: hạn chế đi nắng, đeo khẩu trang, đội nón rộng vành bằng vải tối màu, bôi kem chống nắng.
Điều tiết chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý
Hạn chế ăn ngọt, chất béo, tăng rau xanh, hoa quả, đồ ăn giàu các chất chống oxy hóa như vitamin E, vitamin A, vitamin C, selen, kẽm...
Ngủ đều độ, tránh thức khuya. Tạo đời sống tinh thần lành mạnh, giảm thiểu stress và mất ngủ.
Tác giả: THANH HẢI
Nguồn tin: vtc.vn