Vậy Bộ GD&ĐT cần làm gì để thoát khỏi câu chuyện thi cử mang đậm tính sự vụ, để thực thi đúng vai trò quản lý nhà nước về giáo dục của mình? Ý kiến của các chuyên gia và của người trong cuộc về vấn đề này.
Bài 1: GS Trương Nguyện Thành: Ở Mỹ, Bộ Giáo dục buông quản lý ĐH
Với kinh nghiệm hơn 24 năm giảng dạy tại đại học tại Mỹ, GS Trương Nguyện Thành, GS Hóa đại học University of Utah (Mỹ) và Viện trưởng Khoa học, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán TPHCM, cho rằng, Bộ GD&ĐT chỉ nên quản lý phổ thông, còn ĐH nên “buông” giống như mô hình tại Mỹ.
GS Trương Nguyện Thành cho biết: Sau hơn 24 năm giảng dạy đại học (ĐH) tại Mỹ, tôi nhận thấy đối với giáo dục, sự can thiệp của Bộ Giáo dục Mỹ với phổ thông và ĐH hoàn toàn khác nhau.
Đối với giáo dục phổ thông, theo quy định của Mỹ, giáo dục ở cấp học này bắt buộc, nhà nước cấp trung ương đầu tư nhiều nên Bộ Giáo dục có nhiều quyền lực. Bộ Giáo dục của Mỹ rất quan tâm tới chuẩn đầu ra của học sinh tốt nghiệp THPT. Họ để trường THPT quản lý chất lượng học sinh của mình, có quyền cho học sinh tốt nghiệp hay không tốt nghiệp nhưng họ có một bài thi quốc gia (American College Test ACT) để đánh giá chất lượng chung học sinh tốt nghiệp THPT trên toàn quốc. Đây là bài thi quốc gia. Khác với kỳ thi THPT quốc gia của Việt Nam, bài thi này chỉ đánh giá chuẩn đầu ra bậc THPT, không có giá trị để xét tốt nghiệp nhưng cũng là căn cứ để giúp các trường ĐH tuyển sinh. Các trường ĐH sẽ dựa vào điểm của bài thi này để tuyển sinh.
Đối với Việt Nam, thời gian qua, tôi nhận thấy bước tiến lớn của Bộ GD&ĐT là bỏ bớt một kỳ thi. Tiếp nữa là thi trắc nghiệm các môn thi. Nhiệm vụ bây giờ của Bộ là làm cho kỳ thi này tốt, khách quan là đủ.
Thứ hai là với giáo dục ĐH tại Mỹ, Bộ Giáo dục Mỹ hầu như không có bất kỳ một sự can thiệp nào trong tổ chức, trong giảng dạy, tuyển sinh của các trường ĐH. Họ để các trường ĐH có quyền tự chủ. Hầu như Bộ Giáo dục không can thiệp vào các trường ĐH.
GS Trương Nguyện Thành, GS Hóa đại học University of Utah (Mỹ).
Vậy vai trò của Bộ Giáo Dục Mỹ đối với các trường ĐH là gì, thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên, vai trò của Bộ Giáo dục với ĐH ở Mỹ hầu như không có. Hiệu trưởng trường ĐH được bổ nhiệm bởi hội đồng quản trị, hội đồng quản trị được bổ nhiệm bởi thống đốc tiểu bang. Từ đó cho thấy vai trò của Bộ Giáo dục trong ĐH hầu như không có. Mấy chục năm làm trong trường ĐH của Mỹ, tôi chưa nghe thấy trường có dính dáng gì đến Bộ cũng như chưa thấy văn bản, quy định nào của trường bị ảnh hưởng bởi Bộ Giáo dục.
Nhưng trung học thì khác. Bộ Giáo dục đưa ra khung trình độ đào tạo chung để đạt được chuẩn đầu ra như quy định. Trường THPT hoàn toàn quyết định dạy thế nào miễn là đáp ứng được yêu cầu chuẩn đầu ra này. Với các trường ĐH, Bộ Giáo dục Mỹ không có quy định khung chương trình đào tạo chung, trường nào có khung riêng của trường đó. Ngay trong các trường ĐH, mỗi giáo sư (GS) được toàn quyền chọn sách giáo khoa, xây dựng giáo trình riêng cho mình, ở Mỹ gọi là tự do học thuật. Trưởng khoa cũng không có quyền chọn. GS toàn quyền được dạy theo cách họ thích, không có trưởng khoa hay người nào đó có thể can thiệp được vào cách họ truyền đạt, cách họ dạy, cách họ đánh giá. Họ có thể góp ý để công tác giảng dạy được tốt hơn. Chỉ có điều GS phải đáp ứng được yêu cầu khi học xong lớp GS dạy, sinh viên phải hội đủ kiến thức mà trường/khoa yêu cầu.
Còn chương trình đào tạo là do mỗi trường ĐH tự quyết định. Chính vì vậy, mới có trường tốt trường không tốt. Thị trường lao động, doanh nghiệp đánh giá chất lượng đầu ra của các trường ĐH. Do đó tầm nhìn, hướng phát triển của hiệu trưởng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của một trường ĐH. Cho nên trường ĐH lúc nào cũng đi tìm hiệu trưởng giỏi. Mỗi GS giỏi, mỗi hiệu trưởng giỏi có thể coi như “một món hàng” và đều có giá trên đầu của họ. Nên ở Mỹ, các trường đua với nhau, đấu giá GS, đấu giá lãnh đạo để phát triển trường.
Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của Bộ GD&ĐT đối với nền các trường ĐH tại Việt Nam?
Tôi không hiểu nhiều cấu trúc của ĐH của Việt Nam. Nhưng gần đây, tôi thấy Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nói nhiều đến tự chủ ĐH nên tôi nghĩ họ đang có hướng đi đúng để hội nhập quốc tế. Vì dù sao quản lý phải đi song song với hệ thống quản trị của đất nước.
Ở Mỹ, học phổ thông là đầu tư của nhà nước, học sinh dưới 18 tuổi bắt buộc phải đi học. Vì vậy, Bộ Giáo dục can thiệp sâu vào bậc học này vì họ cho rằng đó là nền tảng để phát triển quốc gia. Còn đến ĐH là họ buông, đó là quyền của các tiểu bang. Tiểu bang cần nhân lực như thế nào để phát triển kinh tế cho tiểu bang mình thì họ đầu tư vào trường ĐH.
Xin cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Nghiêm Huê (thực hiện)
Nguồn tin: