Khu vực rừng sản xuất của gia đình ông Hoàng Văn Đệm; thuộc Lô 1, khoảnh 5, tiểu khu 182 - khu vực khe Phùng, Bản Thanh Sơn, xã Châu Nga huyện, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình ông Đệm được giao khoanh nuôi, bảo vệ hơn 7ha rừng tự nhiên, nhưng đầu tháng 3 này, gia đình ông đã tự ý chặt phá khoảng 250m2 để tận thu lâm sản, lấy đất trồng keo, đào ao nuôi cá và dựng lán để ở.
Phá rừng, tự ý trồng keo, trồng sắn...
Phá rừng, đào ao nuôi cá...
Phá rừng, dựng lán để ở... Tất cả đều đổ do đói nghèo....
Theo báo cáo của Hạt Kiểm Lâm huyện Quỳ Châu, năm 2015, lực lượng kiểm lâm đã lập biên bản, xử lý hành chính 60 hộ có hành vi chặt phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích khoảng 13ha, chủ yếu ở các xã Châu Nga, Châu Bình, Châu Hạnh, Châu Hội. Trong đó có 2 hộ đang được các cơ quan chức năng hoàn tất hồ sơ xử lý hình sự do phát đốt, gây cháy lan trong rừng. Nguyên nhân được các hộ vi phạm lý giải là do đói nghèo, thiếu đất sản xuất, phải vào rừng khai thác, tận thu lâm sản đồng thời lấy đất trồng sắn, trồng keo nguyên liệu để phát triển kinh tế. Chị Lim Thị Thuận- Bản Thanh Tân, xã Châu Nga "hồn nhiên" nói: Nhà em cũng được nhà nước cho một it đất, ông bà cho ra ở nhà riêng, ruộng thì ít, không có cái ăn, nghèo khổ nên phát một tý để trồng sắn nuôi con, thế thôi.
Ông Nguyễn Viết Khánh – Hạt phó Hạt Kiểm Lâm Quỳ Châu thừa nhận: Trên địa bàn xã Châu Nga, có hiện tượng cải tạo rừng tự nhiên là rừng sản xuất nghèo. Trong quá trình cải tạo rừng, một số hộ đã lợi dụng, phát lấn ra để chuyển sang trồng keo nguyên liệu, trái với quy định của nhà nước. Diện tích lấn phát bước đầu cũng có 3, 4 hộ. Hộ lớn có khoảng 5000m2, hộ nhỏ khoảng 2000m2. Chúng tôi đã kịp thời đình chỉ, lập biên bản và ký cam kết. Số gỗ đã phát thì tịch thu, tập trung về UBND xã để xử lý.
Lực lượng chức năng thu giữ số lâm sản do người dân tự ý phá rừng
Tháng 3 là tháng cao điểm của mùa phát rẫy trên địa bàn huyện Quỳ Châu nên tình trạng phá rừng lấy lâm sản và lấn đất sản xuất lại tiếp tục diễn ra, đặc biệt là tại xã Châu Nga. Ngoài một số hộ phát đốt cả một vùng rừng tự nhiên để làm lán, trồng keo như ông Đệm, chị Thuận… thì nhiều hộ dân đã vào rừng, chặt tỉa lấy lâm sản để làm nhà, để bán mà không xin phép chính quyền địa phương. UBND huyện Quỳ Châu đã lập các đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm, thu hồi số gỗ đã bị khai thác hiện đang nằm rải rác trong rừng cũng như trong các xưởng cưa xẻ.
Ông Ngô Đức Thuận – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Châu Nga là xã đặc biệt khó khăn, xã đường cụt, trên 600 hộ nghèo cho nên cuộc sống dựa vào rừng núi. Đất sản xuất và ruộng nước rất ít, nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Những cái đó chính quyền huyện đã lường trước được. Chúng tôi đã tổ chức các đoàn truy quét từ gốc rừng đến các xưởng xẻ, tập trung vào nhưng vùng có nguy cơ trước để xử lý và dứt điểm ở xã Châu Hội và Châu Nga xong sẽ kiểm tra, rà soát ở 12 xã thị trấn trên địa bàn huyện.
Hiện nay, không chỉ huyện Quỳ Châu mà ở một số huyện miền núi, nhất là các xã vùng sâu vùng xa nhiều hộ dân lợi dụng quyền sử dụng đất rừng sản xuất, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ…. được giao khoanh nuôi bảo vệ đã phá rừng tận thu lâm sản và lấn chiếm đất rừng để sản xuất. Hành vi này là vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc và xử lý triệt để nhằm bảo vệ tài nguyên rừng. Đồng thời rà soát lại các cơ chế chính sách để có chế độ bảo vệ, khai thác lâm sản hợp lý đối với các hộ nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng.
Tác giả bài viết: Lê Hằng - Cảnh Hồng