Trả lời phỏng vấn VTV về vấn đề an ninh thông tin trên mạng vào chiều 17/11, trung tướng Hoàng Phước Thuận (Cục trưởng An ninh mạng, Bộ Công an) cho rằng "tình trạng phát tán thông tin xuyên tạc, bôi xấu cá nhân, cán bộ trên mạng đang diễn ra rất nghiêm trọng". Tuy nhiên, nhà chức trách chưa thể xử lý tận gốc vì "máy chủ của các nhà cung cấp được đặt ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam".
Lấy ví dụ tại Đức, ông Thuận cho hay không ngẫu nhiên mà chính phủ nước này quy định với các nhà cung cấp mạng nếu sau 24h không giải quyết các thông tin sai lệch, gây mâu thuẫn, bôi nhọ ở trên mạng sẽ xử phạt 50 triệu EU.
"Nói điều này để thấy rằng, chúng ta cần giải quyết các vấn đề bằng pháp luật, cần sớm đưa ra Luật An ninh mạng với các chế tài đủ mạnh và góp phần răn đe, nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng và cả nhà cung cấp mạng", Trung tướng Thuận nhấn mạnh.
Liên quan việc bắt buộc các nhà cung cấp hạ tầng, mạng xã hội phải đặt máy chủ ở Việt Nam để dễ quản lý có phù hợp với luật pháp quốc tế, ông Thuận cho rằng hiện nay trên thế giới nhiều quốc gia ban hành chính sách quản lý địa phương hóa dữ liệu. Tức là các doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh, khai thác phải đặt máy chủ ở nước sở tại. Đài Loan, Nhật Bản và nhiều nước khác đã thực hiện điều này.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận. Ảnh: Chụp từ màn hình |
"Vì vậy, việc yêu cầu các đơn vị như Facebook và Google đặt máy chủ ở Việt Nam là rất thỏa đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế, tạo cạnh tranh công bằng", Cục trưởng An ninh mạng nêu quan điểm.
Bộ Công an cho rằng khi đặt văn phòng, máy chủ ở Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ phối hợp nhanh trong việc phòng chống tội phạm, chống mã độc với các cơ quan chức năng. Ngoài ra, các cơ quan còn phối hợp tốt trong các hoạt động khác kinh doanh, chống thất thu tiền thuế.
"Đặc biệt, việc đặt máy chủ ở Việt Nam sẽ giúp tốc độ truy cập nhanh, truy thu hàng tỷ đôla mỗi năm về băng thông khi đi thuê ở nước ngoài, tăng cường công tác bảo vệ quốc gia", tướng Thuận nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, cũng bàn về chủ đề trên, tham gia giải trình trong phiên chất vấn của Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn số liệu cho thấy trên thế giới có 7,5 tỷ người thì 52% dùng Internet và 42% trong số đó dùng mạng xã hội. Ở Việt Nam, con số lần lượt là gần 70% và 60%.
Với số lượng người dùng lớn, thị trường Internet ở Việt Nam lại gần như "của các công ty nước ngoài", với tỷ lệ từ trên 80% sử dụng dịch vụ của Google, Facebook, Yahoo.... Trong lĩnh vực trò chơi điện tử, các nhà cung cấp trong nước chiếm 60%.
"Thị trường quảng cáo trực tuyến năm qua là 350 triệu USD, Facebook và Youtube chiếm 80%", Phó thủ tướng cho hay.
Cũng về việc yêu cầu các cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài phải đặt máy chủ ở Việt Nam, trước đó, trả lời VnExpress bên lề họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đặt hệ thống máy chủ ở nước ngoài khiến công tác quản lý gặp khó khăn.
Quốc hội đang xây dựng Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam, trong đó có quy định: "Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...". Điều này đồng nghĩa với việc, tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber... buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. |
Tác giả: Bá Đô
Nguồn tin: Báo VnExpress