Trong tỉnh

Cử tri Nghệ An mong đẩy nhanh kiểm tra khoáng sản

Cử tri ở Nghệ An mong muốn các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ đợt kiểm tra liên ngành khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tinh thần quyết liệt, minh bạch, không bao che, không có vùng cấm, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tránh thất thoát tài nguyên, thất thu thuế.

Hiện trường vụ khai thác đá trái phép tại xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường

"Không có vùng cấm"

Chiều 3/6, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An đã họp và xem xét, thi hành kỷ luật đối với một số lãnh đạo huyện Quỳ Hợp có trách nhiệm liên quan trong vụ việc khai thác đá trái phép tại xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp.

Theo đó, UBKT Tỉnh uỷ Nghệ An đã quyết định khiển trách ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp; kiểm điểm Bí thư Huyện uỷ Phan Đình Đạt; kiểm điểm Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đức Lợi; kỷ luật cảnh cáo đối với Trưởng phòng TN&MT Lê Sỹ Hào và nguyên Phó phòng TN&MT Nguyễn Minh Khôi.

Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp ngày 24/5 đã ký quyết định kỷ luật 3 cán bộ UBND xã Châu Lộc, là ông Vi Văn Hùng - Chủ tịch UBND bằng hình thức cảnh cáo; Kỷ luật khiển trách đối với ông Lữ Văn Long - Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã và ông Hồ Xuân Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã.

Trước đó, ngày 13/7/2021, Công an Nghệ An đã bắt quả tang hàng chục đối tượng và phương tiện đang có hoạt động khai thác đá trắng trái phép quy mô lớn tại khu vực núi Phá Chủng, xóm Kèn, xã Châu Lộc, Quỳ Hợp.

Vụ án sau đó được khởi tố, nhiều đối tượng cầm đầu cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Đây được đánh giá là vụ khai thác khoáng sản trái phép lớn nhất được Công an tỉnh Nghệ An triệt phá trong nhiều năm qua.

Khai thác khoáng sản, đặc biệt là là tình trạng khai thác đá trắng trái phép tại Quỳ Hợp là vấn đề nhức nhối tại Nghệ An. Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã nhiều lần yêu cầu xử lý nghiêm, không dung túng, bao che khai thác khoáng sản trái phép.

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Nghệ An ngày 8/12/2021, ông Trịnh Thanh Hải – Cục trưởng Cục thuế Nghệ An đánh giá thực trạng khai thác khoáng sản còn nhiều vấn đề nhạy cảm, rủi ro và tiềm ẩn thất thu thuế.

Trao đổi với Nhadautu.vn mới đây, ông Nguyễn Như Khôi, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An thông tin Công an tỉnh đã chỉ đạo theo tinh thần không có vùng cấm nào trong quản lý việc khai thác khoáng sản, nỗ lực, tập trung tối đa nhất, quyết liệt nhất để xử lý và lập lại trật tự khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Liên quan đến xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gần đây nhất, Công an tỉnh Nghệ An vào chiều 26/5/2022 đã phát hiện, bắt giữ 4 nhóm đối tượng khai thác đá trái phép trên địa bàn xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn và một phần tiếp giáp với thị xã Thái Hoà. Tổng khối lượng đá khai thác trái phép bị thu giữ là khoảng 1,3 nghìn tấn.

Trước đó ít ngày, Phòng cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An ngày 16/5 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến một đường dây hút cát, mua bán khoáng sản trái phép tại địa bàn xã Thanh Đồng và thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương.

Cử tri kỳ vọng đẩy nhanh kiểm tra khoáng sản

Tâm điểm của dư luận Nghệ An từ cuối năm ngoái đến nay tập trung vào Đoàn kiểm tra liên ngành 12 doanh nghiệp khoáng sản trên địa bàn tỉnh, được thành lập theo Quyết định ngày 21/10/2021 của UBND tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, sau hơn 7 tháng, công việc kiểm tra gần như không có nhiều tiến triển, khiến dư luận không khỏi băn khoăn về năng lực và quyền hạn của Đoàn kiểm tra liên ngành, dù khai thác khoáng sản là chủ đề rất nóng và đã được lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có sai phạm.

Theo Quyết định thành lập, Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng đoàn, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh làm Phó trưởng đoàn, cùng đại diện của Sở Xây dựng và Sở Công thương.

Trao đổi với Nhadautu.vn, nhiều cử tri tại Nghệ An bày tỏ sự kỳ vọng rất lớn vào Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, nhằm tránh thất thoát tài nguyên đất nước, trả lại môi trường kinh doanh bình đẳng, đảm bảo trật tự an ninh, an toàn với đời sống, xã hội.

Anh Lê Văn T (45 tuổi) trú tại xóm Cốc Mậm, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết người dân trên địa bàn đều nhận biết rõ về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

"Bản thân tôi từng làm ở một công ty khai thác khoáng sản đóng trên địa bàn nên tôi hiểu rõ cách thức hoạt động, cũng như việc đối phó với cơ quan chức năng. Thời điểm cách đây 2 năm, cứ 2 ngày chúng tôi xuất đi 7 xe đầu kéo ra các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh. Tuy nhiên, thực tế việc kê khai thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước chỉ là một phần rất nhỏ so với khối lượng xuất đi”, anh T chia sẻ.

Nói về nạn khai thác khoáng sản trái phép tại địa bàn Quỳ Hợp, anh Nguyễn Minh S (40 tuổi) trú tại xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp nói với phóng viên: “Anh cứ hình dung một quả núi như núi Phá Cụm bị san phẳng như thế, mà mãi đến năm trước mới bị phát hiện và bắt giữ thì thử hỏi vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu?”.

Còn theo ông Ngô Giang P, trú tại xóm Thọ Sơn, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, một số nơi ở Quỳ Hợp có tình trạng khai thác khoáng sản không phép, khai thác ngoài điểm mỏ được cấp… đã gây ra những hệ luỵ như thất thu thuế, cạnh tranh không lành mạnh, gây sụt lún, sạt lở làm người dân sống xung quanh lo lắng, làm gây ô nhiễm môi trường, tai nạn…

“Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền đẩy nhanh kiểm tra, quyết liệt xử lý tình trạng khai thác trái phép khoáng sản nói chung và đá trắng nói riêng trên địa bàn, không bao che, dung túng để thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu thuế nhà nước”, ông P nói.

Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp cũng đã xảy ra tình trạng xuất hiện nhiều hố tử thần, sụt lún đất, giếng nước cạn khô và hàng trăm ngôi nhà bị nứt nẻ nghi do khai thác khoáng sản.

Tác giả: SỸ TÂN - VĂN DŨNG

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP