Trong nước

Công cuộc chống tham nhũng đã ‘xoay chuyển được tình hình’

Đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, cho rằng, “đã có lúc tình hình rất nghiêm trọng, khiến nhân dân rất lo lắng”, nhưng trong nhiệm kỳ này, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực, đẩy mạnh trở lại công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xoay chuyển được tình hình.

Đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

Đồng chí Phan Diễn vừa có cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay.

Ông đã từng khẳng định: Chống tham nhũng nửa vời là đầu hàng, thua cuộc. Theo ông, những năm vừa qua, chúng ta đã thực hiện yêu cầu “không nửa vời” này như thế nào?

Đồng chí Phan Diễn: Làm bất cứ việc gì nửa vời cũng không đạt kết quả tốt. Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực càng như vậy. Đây là vấn đề của mọi quốc gia, mọi thể chế từ xưa đến nay. Nước nhỏ hay nước lớn, nước kém phát triển hay nước phát triển đều phải đối đầu với nạn tham nhũng, tiêu cực, lạm dụng quyền hành.

Đấu tranh chống những tệ nạn này nếu nửa vời thì tham nhũng, tiêu cực sẽ nhanh chóng phát triển trở lại, càng khó trị hơn. Vì vậy, đấu tranh nửa vời, không làm đến cùng chính là thất bại.

Chúng ta đã có một thời gian buông lỏng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để những cái xấu phát triển, khiến đất nước bị nhiều thiệt hại. Tình hình có lúc đã rất nghiêm trọng, khiến nhân dân lo lắng. Nhưng, nhiệm kỳ này, Đảng và Nhà nước có nhiều nỗ lực, đẩy mạnh được trở lại công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đã xoay chuyển được tình hình.

Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được tiến hành kiên quyết, tạo được chuyển biến rõ rệt. Trong nhiệm kỳ khóa XII của Đảng, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bộ máy Nhà nước là một dấu son trong toàn bộ hoạt động của Đảng và Nhà nước ta, là nhân tố có tính quyết định tạo nên sự chuyển biến toàn bộ tình hình chung của đất nước, giúp chúng ta không bị trượt vào đà khủng hoảng kinh tế-xã hội và khôi phục được lòng tin của nhân dân, do đó đã góp phần cứu chế độ.

Tôi đánh giá rất cao kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đã đạt được trong nhiệm kỳ khóa XII của Đảng. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, tình hình tiêu cực, tham nhũng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp. Không nói đâu xa, ngay trong năm 2020, khi tình hình COVID-19 đang hoành hành, gây thiệt hại, lo lắng cho người dân cả nước, vậy mà vẫn có kẻ đang tâm lợi dụng nâng giá thiết bị y tế lên gấp nhiều lần để trục lợi.

Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn được tin cán bộ nơi này, nơi khác ăn chặn cả tiền Nhà nước cho các gia đình có công với nước, cho người nghèo. Và những tiếng kêu, tiếng chê trách về nạn “hành dân”, “hành doanh nghiệp” ở nơi này, nơi khác vẫn còn nhiều. Đủ thấy cuộc đấu tranh này còn lâu dài, gian khổ, không lúc nào được lơi lỏng.

Đây là việc phải làm lâu dài, mãi mãi, như Bác Hồ đã từng dạy: Phê bình và tự phê bình sửa chữa khuyết điểm là việc phải làm thường xuyên như việc rửa mặt hằng ngày.

Phải kiên trì, không bao giờ được lơi lỏng

Thưa ông, thời gian tới, công cuộc cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục như thế nào để đạt được kết quả tốt hơn nữa?

Đồng chí Phan Diễn: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực liên quan đến rất nhiều mặt. Tôi nghĩ rằng bất cứ ở đâu có hiện tượng “hư hỏng”, có tham nhũng tiêu cực, Đảng đều cần xem xét lại phương thức lãnh đạo của mình, Nhà nước cũng phải xem xét lại thể chế, luật pháp, cách quản lý của mình để tìm ra những sơ suất, lỗ hổng, khiếm khuyết, sớm chấn chỉnh.

Trong thể chế, cơ chế chính sách có những quy định về trách nhiệm, quyền hạn, thái độ ứng xử của những người trong bộ máy công quyền, có quy chế về việc giám sát của các cơ quan bảo vệ pháp luật và của nhân dân đối với cán bộ. Để đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, chúng ta phải thường xuyên xem xét, hoàn thiện những lĩnh vực cơ bản này.

Nhưng thể chế và cơ chế chính sách cũng không phải là tất cả. Chúng ta không khó nhận ra: Cùng một thể chế, cơ chế chính sách nhưng ở các cơ quan, đơn vị khác nhau, ở những giai đoạn khác nhau, với những người lãnh đạo khác nhau thường có tình hình rất khác nhau.

Vẫn cơ chế chính sách, luật pháp cơ bản như vậy nhưng ở giai đoạn này, với ban lãnh đạo này, người lãnh đạo này thì tình hình tham nhũng, tiêu cực hoành hành rất nghiêm trọng; ở một giai đoạn khác với người lãnh đạo khác, ban lãnh đạo khác, tình hình lại khác hẳn.

Như vậy, vai trò của người đứng đầu của cơ quan lãnh đạo rất quan trọng, khiến chúng ta càng phải đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Việc chấn chỉnh công tác tuyển chọn, sử dụng cán bộ là rất quan trọng. Trong nhiệm kỳ này, Đảng ta có nhiều đổi mới trong công tác cán bộ, đấu tranh tích cực với nạn “chạy chức, chạy quyền”, “mua quan, bán chức”. Đảng cũng có nhiều nỗ lực trong xây dựng cơ chế giám sát quyền lực. Ngoài các cơ quan có chức năng giám sát, còn phát huy dân chủ, sự giám sát của nhân dân.

Tuy nhiên, xây dựng đạo đức xã hội là công việc lâu dài. Trong nhiều thập kỷ qua, do những xáo động về thời cuộc, về thể chế kinh tế, do cả những buông lỏng quản lý của chúng ta, đã có một thời gian sự “hư hỏng” phát tác rất nghiêm trọng, những truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam bị mai một, tổn thương. Giờ đây, chúng ta không những phải cần khôi phục lại truyền thống đạo đức tốt đẹp mà còn phải bổ sung, phát triển những tiêu chuẩn đạo đức mới, phù hợp với tình hình mới.

Có phát huy được những bản chất tốt đẹp của con người, của xã hội thì cái hư hỏng, tiêu cực mới được đẩy lùi tận gốc.

Đây là việc lớn, lâu dài, chúng ta phải kiên trì, không bao giờ được lơi lỏng.

Thủ tướng và Thường trực Chính phủ đã nêu gương

Thu hồi triệt để tài sản tham nhũng hoặc các tài sản có được từ hành vi tham nhũng luôn là thách thức của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ông có thể đưa ra khuyến nghị để góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam?

Đồng chí Phan Diễn: Một trong những mục tiêu của chống tham nhũng, tiêu cực là phải thu hồi được tài sản đã bị tham nhũng, giảm bớt thiệt hại do những hành vi tham nhũng gây ra đối với xã hội, với nhân dân.

Tuy nhiên, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng và thu hồi triệt để tài sản tham nhũng hoặc các tài sản có được từ hành vi tham nhũng luôn là thách thức của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trong nhiều giải pháp, tôi nghĩ rằng Nhà nước ta nên có sự khoan hồng với những người tham nhũng nhưng đã biết nhận lỗi và lo trả lại những tài sản mình đã tham nhũng của Nhà nước. Bởi vì, làm như vậy, chúng ta đã đạt được mục đích rất quan trọng của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là làm giảm thiệt hại đối với xã hội, răn đe người vi phạm pháp luật, khuyến khích người phạm tội hối cải, sửa chữa sai lầm.

Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực, những giải pháp quyết liệt của của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ góp phần vào kết quả phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ?

Đồng chí Phan Diễn: Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã có những đóng góp rất tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sự chuyển biến ở các ngành, các cấp và các địa phương là có mức độ khác nhau. Nhưng nhìn chung, chuyển biến là rõ rệt, dấu ấn để lại rất tích cực.

Tôi đánh giá rất cao quan điểm và vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ. Chính nhờ sự kiên quyết, nhất quán của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ, trước hết là của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Thường trực phụ trách công tác nội chính, đã nêu những tấm gương và dẫn dắt toàn bộ hệ thống hành pháp trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và xây dựng Chính phủ liêm chính, góp phần tích cực vào thành công chung của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bộ máy Nhà nước ta trong nhiệm kỳ này, đem lại những chuyển biến chung của đất nước.

Tác giả: Phương Liên

Nguồn tin: Báo Chính phủ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP