Chiều 19/4, đại tá Phạm Văn Trực, trưởng Công an huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết, sau khi xác minh làm rõ cơ quan CSĐT đã xác định người lái xe gây tai nạn khiến 1 học sinh tử vong, 1 học sinh khác bị thương xảy ra tại trường Trường tiểu học Vân Hồ, thuộc bản Bó Nhàng 1, xã Vân Hồ là nữ giáo viên Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1979,trú tại Tiểu khu cơ quan, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La).
Theo đại tá Trực, chủ ô tô là anh Vì Văn Dương (sinh năm 1976, cùng trú tại thị trấn Nông Trường Mộc Châu) là giáo viên Trường tiểu học Vân Hồ. Vào thời điểm xảy ra tai nạn anh Dương đang ngồi ghế phụ, cô Hương là người điều khiển phương tiện.
Vụ tai nạn khiến em Sồng A Ninh tử vong và em Trần Tuấn Anh bị gãy tay và chân. Hiện em Trần Tuấn Anh đang được điều trị tại bệnh viện. Được biết, cả hai em đều là học sinh lớp 1 của trường Trường tiểu học Vân Hồ. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra xác minh làm rõ.
Chiếc xe ô tô sau khi lùi trúng hai học sinh đã tông vào tường rào. Ảnh Công Lý |
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, đây là vụ việc hết sức đau lòng, khi nạn nhân là học sinh lớp 1 bị tử vong và 1 em bị thương do cô giáo lùi xe không quan sát.
“Sự việc xảy ra trong khuôn viên trường nên không thuộc nhóm hành vi liên quan đến đối tượng điều chỉnh của Luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, dù không xảy ra trên đường nhưng việc sử dụng ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ thì người điều khiển phải chịu trách nhiệm tương ứng trước pháp luật về hậu quả gây ra. Nếu vô ý gây chết người thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vô ý làm chết người theo Điều 128 BLHS 2015”, luật sư Thơm nêu rõ.
Công an khám nghiệm hiện trường. Ảnh Dân Việt |
Theo luật sư Thơm, Tội vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Hành vi có thể được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.
Tội vô ý làm chết người có 2 hình thức lỗi: Thứ nhất: Vô ý vì cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước.
Thứ hai: Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.
“Xét hành vi của cô giáo trong vụ việc này, khi điều khiển xe ô tô trong khuôn viên nhà trường do cẩu thả, lùi xe không quan sát tình trạng chung quanh đã đâm vào gây tử vong cho cháu bé. Hành vi của cô giáo đã cấu thành Tội vô ý làm chết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Khoản 1 Điều 128 BLHS 2015”, luật sư Thơm lý giải.
Tuy nhiên, trong vụ việc này, hành vi phạm tội của cô giáo thuộc trường hợp nghiêm trọng, được thực hiện với lỗi vô ý. Nếu gia đình bị hại tự nguyện hòa giải và có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì cô giáo có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, trong vụ việc này, ngoài hành vi lùi xe gây tai nạn làm tử vong 1 cháu còn gây thương tích cho 1 cháu mà kết quả giám định thương tích từ 31% trở lên thì cô giáo còn phải chịu trách nhiệm về Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác theo Điều 138 BLHS 2015.
Trong vụ việc này, cũng cần thiết phải xem xét trách nhiệm của Nhà trường về công tác quản lý đảm bảo an toàn cho các cháu học sinh khi cho phép các phương tiện ô tô, xe máy đi vào trong khuôn viên sân trường.
Điều 128. Tội vô ý làm chết người 1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. 3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc45 phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Điều 29 BLHS 2015 Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. |
Tác giả: Định Nguyễn
Nguồn tin: saostar.vn