Trong nước

Chuyến bay 'thót tim' ra Trường Sa của phi công lữ 918

Gàn 30 năm trước, trong những ngày nóng bỏng ở Trường Sa những chuyến bay biển đã được các phi công dũng cảm Lữ đoàn 918 thực hiện, dù mỗi lần cất cánh luôn tiềm ẩm nhiều rủi ro.

Đã hơn ¼ thế kỷ trôi qua nhưng ký ức về ngày 14/3/1988 vẫn nguyên vẹn trong tâm trí của nhiều người. Trong trận chiến bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở Trường Sa, những người lính kỳ cựu của Lữ đoàn Không quân vận tải 918 (đơn vị quản lý máy bay CASA - 212) cũng xuất kích thực thi nhiệm vụ. Đó là một phần nguyên vẹn trong ký ức của họ.

Sáng chế thêm thùng dầu phụ

Thời kỳ đó, chỉ máy bay An-26 mới có khả năng bay tuần tiễu trên Quần đảo Trường Sa. Bằng khối óc và đôi bàn tay khéo léo lực lượng kỹ thuật không quân đã sáng tạo thùng dầu phụ chứa thêm được 1,5 tấn nhiên liệu để An-26 có thể bay gần 6 giờ trên không. Với khả năng bay biển dài thời điểm đó, tuần nào đơn vị cũng thực hiện một đến hai chuyến bay tuần tiễu, trinh sát, thả hàng tiếp tế cho các đảo.

Ngày ấy cuộc sống của bộ đội trên đảo còn vô cùng khó khăn, các chiến sĩ hải quân chỉ toàn ăn đồ hộp và cá biển, rau xanh là thứ hàng xa xỉ chẳng ai dám mơ. Các chuyến bay của An-26 ra đảo khi đó không chỉ để làm nhiệm vụ tuần tra mà còn mang theo cả món quà tinh thần rất lớn, động viên và giúp bộ đội vững tin hơn khi Tổ quốc và đồng đội luôn bên mình. Đại tá Nguyễn Anh Sơn - nguyên Chủ nhiệm bay Lữ đoàn 918, chia sẻ: “Mỗi lần ra đảo chúng tôi thường lượn một đến hai vòng, hạ thấp độ cao xuống đến 50m để bộ đội mình thấy đất liền gần hơn”.

Phi hành đoàn thuộc Lữ đoàn 918 trở về sau chuyến bay biển ngày 18/3/2004. Ảnh tư liệu.

Ngay sau khi sự kiện ngày 14/03/1988 xảy ra, Sở chỉ huy Trung đoàn 918 khi đó nhận được lệnh chuyển cấp trực chiến, sẵn sàng làm nhiệm vụ chi viện cho lưc lượng hải quân. Tổ bay của Trung tá Vũ Ngọc Rự nhận nhiệm vụ thả áo phao nhưng khi triển khai xong thì trời đã gần tối. Nhiệm vụ được chuyển sang ngày hôm sau.

Ngày 15/3, một số tổ bay nhận nhiệm vụ bay trinh sát chụp ảnh và thả hàng cứu trợ. Tổ bay của đại tá Nguyễn Anh Sơn khi đó nhận nhiệm vụ thả quần áo và thuốc cấp cứu cho các chiến sĩ hải quân đang bị thương đã được đưa về đảo Sinh Tồn. Với nhiệm vụ thả các kiện hàng xuống mép đảo nhưng không được quá xa để bộ đội có thể ra vớt. Trong đó, quan trọng là phải thả làm sao để các chai huyết thanh không bị vỡ.

Thả hàng ở độ cao không tưởng

Khi nhận nhiệm vụ, Đại tá Nguyễn Anh Sơn đã đề xuất đóng các chai huyết thanh vào các kiện quần áo và thả hàng từ độ cao thấp nhất có thể. Đề nghị thả hàng từ độ cao dưới 50 m được chấp nhận sau một thoáng lưỡng lự của thủ trưởng trung đoàn. Bởi theo Giáo trình Huấn luyện – Chiến đấu, An-26 chỉ thả hàng không dù ở độ cao không dưới 50 m. Trong thực tế, các tổ bay cũng chưa ai thả hàng ở độ cao thấp hơn.

Ngày 16/03/1988, tổ bay chuyển trường từ Tân Sơn Nhất ra Cam Ranh. Năm kiện hàng đã được đóng chắc chắn bằng gỗ thông và xếp lên máy bay AN-26.

Hai sĩ quan hải quân mở rộng tấm bản đồ chiến sự, thông báo ngắn gọn đội hình bố trí lực lượng của Trung Quốc. Để đến được đảo sẽ phải bay tránh các khu vực có tàu chiến Trung Quốc, tất cả đều trang bị pháo phòng không có thể bắn hạ An-26 bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên nếu bay vòng tránh xa An-26 sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu về nhiên liệu do chở hàng nên không thể sử dụng thùng dầu phụ trong thân. Nắm chắc tình hình chiến sự, tổ bay quyết định phương án thực hiện với đường bay cách không xa cụm tàu chiến Trung Quốc mặc dù nó không thực sự an toàn, hỏa lực phòng không của đối phương đủ khả năng bắn hạ chiếc AN-26 có tính năng cơ động kém.

Những cánh bay dũng cảm

Sau khi hội ý nhanh với các thành viên tổ bay, cơ trưởng quyết định cất cánh. Thời kỳ đó, máy bay An-26 không có phương tiện dẫn đường hiện đại, chỉ cần bay cách bờ biển khoảng 200 km là không có bất kỳ sự hỗ trợ nào cả về dẫn đường và thông tin liên lạc. Radar của máy bay sử dụng hiệu ứng Dopler nên không có tác dụng khi bay biển dài. Vật chuẩn duy nhất là Đá Lớn nằm cách đảo Sinh Tồn khoảng 50 km về phía Tây và khả năng nhận biết đá này còn phụ thuộc mực thủy triều.

Khó khăn chồng chất khó khăn, đại tá Nguyễn Anh Sơn khí đó là phó phi đội trưởng cũng là bí thư chi bộ, động viên tinh thần tổ bay: “Không đến được đảo thì không còn mặt mũi nào mà nhìn anh em đâu”. Tất cả tổ bay im lặng, họ hiểu những khó khăn nguy hiểm đang chờ đợi phía trước nhưng ở ngoài kia có những người đồng đội đang mong tin họ. Chiếc An-26 lấy thẳng hướng Đảo Sinh Tồn. Trên bản đồ, đảo nằm theo trục Đông – Tây, cách đất liền khoảng 600km.

Theo hiệp đồng với hải quân, tổ bay sẽ thả hàng ở bờ phía Nam. Sau khi cất cánh 30 phút, liên lạc với sở chỉ huy không còn, cự ly này đã là quá xa. Hết thời gian dự tính, đại úy Thiên thông báo không nhìn thấy Đá Lớn trên radar. Cơ trưởng hạ lệnh giữ nguyên hướng bay thêm 10 phút, nếu không phát hiện vật chuẩn sẽ quay về hạ cánh. Trời sắp tối, lượng nhiên liệu có hạn, không thể mạo hiểm vô ích. Theo tính toán, tổng thời gian chuyến bay gần 4 giờ, đó là giới hạn với 5,5 tấn dầu trên khoang.

Đại tá Nguyễn Anh Sơn - nguyên Chủ nhiệm bay Lữ đoàn 918 trong chuyến bay biển ngày 18/3/2004. Ảnh tư liệu.

Mười phút trôi qua như một thế kỷ, tất cả im lặng quan sát và chờ đợi. Rồi cũng đến lúc đại úy Thiên lên tiếng: “Hết 10 phút, không nhận dạng được vật chuẩn”. Thêm vài giây im lặng nữa, cuối cùng cơ trưởng Anh Sơn phải đưa ra quyết định rất khó khăn trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

Là người đã từng nhận rất nhiều nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu nhưng Đại úy Nguyễn Anh Sơn là người không bao giờ quay về khi chưa hoàn thành nhiệm vụ. “Vòng phải, lấy hướng Phan Thiết!”. Lái phụ Minh đặt hướng bay mới trên la bàn, chiếc máy bay từ từ nghiêng cánh. Bất chợt đồng chí Thiên kêu to: “Thấy Đá Lớn rồi”. Cơ trưởng Anh Sơn ra lệnh “Kiểm tra lại!”. Đúng là Đá Lớn rồi, nhầm vào đâu được. Khẩu lệnh được phát ra: “Giữ hướng 110!”.

Gió ngược rất lớn, may mà không có gió cạnh nên họ chỉ bay chậm hơn chứ không bị lệch khỏi đường bay. Máy bay bắt đầu giảm độ cao. Đại úy Thiên yêu cầu tăng hướng bay để từ vị trí của hoa tiêu ở bên trái có thể quan sát đảo rõ hơn. Lúc này độ cao chỉ còn 100m, trừ phi công Minh điều khiển máy bay, tất cả đều tập trung quan sát để nhận dạng đảo.

Bất chợt tiếng phi công Minh vang lên: “phía trước có tàu chiến”. Trước mắt tổ bay là một con tàu dài như sân bóng đá, có cảm giác như lá cờ trên con tàu sắp chạm vào máy bay. Không còn thời gian vòng tránh nữa, cơ trưởng Anh Sơn khi đó quyết định rất nhanh: “Tiếp tục bay thẳng, nếu bị bắn thì ở góc này sẽ khó bị trúng đạn nhất”…Không có tiếng súng nào vang lên, chắc đối phương cũng nhận dạng được đây không phải là máy bay ném bom. Cũng có thể họ bị bất ngờ? Không ai biết lý do nhưng quan trọng là máy bay đã thoát hiểm an toàn.

Bay thấp hơn ngọn cây

Sau khi bay qua đội hình tàu chiến thời cơ để thả hàng ở bờ phía Nam của đảo không còn. Tổ bay quyết định vòng lại và thả ở bờ Bắc. Từ trên cao, họ nhìn thấy các chiến sĩ hải quân chạy từ mép đảo phía Nam sang phía Bắc. Anh em hải quân đã nhận được lệnh phải tập trung toàn lực để vớt hàng thật nhanh.

Tổ bay quyết định bay sát mặt biển để hàng tránh bị hư hỏng. Sau khi đã nằm trên hướng công tác, từ 100m máy bay tiếp tục giảm độ cao, nước biển trong vắt, nhìn rõ cả san hô xanh rì phía dưới. Đại tá Nguyễn Anh Sơn nhớ lại: “ Khi đó tôi không nhìn đồng hồ độ cao nữa mà nhìn thẳng xuống biển, kiểu nhìn mặt đất khi hạ cánh. Phi công Minh ngồi bên cạnh kêu lên: “Anh ơi, đồng hồ chỉ không (0) mét”. Rồi tiếp theo: “Anh ơi, thấp hơn ngọn cây rồi”. Tôi liếc mắt sang trái, đúng là thấp hơn ngọn cây thật”.

Cửa đã mở, anh Nghiêm Đình Sĩ (thông tin trên không) được lệnh xuống buồng hàng để theo dõi và sẵn sàng thả bằng tay nếu băng tải gặp sự cố kỹ thuật. Hàng chưa thả mà những người lính hải quân đã lao xuống nước, một số hối hả chèo thuyền…Tiếng băng tải chạy cót két, từng kiện hàng rơi xuống. Qua hệ thống thông thoại nội bộ, anh Sĩ thông báo: “hàng ra tốt, một kiện vỡ trên không”. Cả tổ bay thở phảo nhẹ nhõm.

Anh Nguyễn Văn Sĩ, cơ giới trên không, tăng ga 74 theo lệnh cơ trưởng, máy bay lấy độ cao và hướng về Phan Thiết. Bây giờ Cơ trưởng Anh Sơn mới có thời gian để quan sát. Mặt trời đang lặn, lần đầu tiên trong đời anh thấy mặt trời lặn trên biển đẹp như thế.

Máy bay hạ cánh khi trời đã tối. Hai cán bộ trung đoàn ra tận cầu thang đón tổ bay. Những cái siết tay thật chặt của những người lính. Sáng sớm 17/3, điện báo từ Hải quân đã nhận đủ hàng.

Còn rất nhiều nốt lặng trầm trong tâm sự của người lính già, thế nhưng sự trở về sau chuyến bay ngày hôm ấy sẽ mãi là kỷ niệm suốt đời ông không thể nào quên.

Tác giả bài viết: Ngọc Hoa

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP