Trong tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT

Chiều 10/4, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các các Sở, ban, ngành.

Quang cảnh buổi làm việc

Lĩnh vực nông nghiệp đã khẳng được vai trò quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế

Giai đoạn 2021-2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp vẫn duy trì ổn định. Các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp và PTNT chủ yếu đạt và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được giao hằng năm; khẳng định được vai trò quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, góp phần ổn định kinh tế, an sinh xã hội của địa phương.

Tốc độ tăng trưởng đạt và duy trì ở mức cao, cơ cấu kinh tế nội ngành được chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ (tỷ trọng chăn nuôi năm 2022 đạt 47,94%). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân 3 năm 2021-2023 ước đạt 4,73%, trong đó năm 2021 đạt 5,42%, năm 2022 đạt 4,21%, năm 2023 đạt 4,54%; dự kiến cả giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 4,7- 4,8% (đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm từ 4,5-5,0%). Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản cả năm 2022 ước đạt trên 487,5 triệu USD, năm 2023 ước đạt trên 562/KH 399 triệu USD đạt 140,78%, tăng 15,28% so với năm 2022.

Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh báo cáo tại buổi làm việc

Dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn 2021 – 2025, cụ thể: 04 chỉ tiêu tổng hợp sẽ hoàn thành, hoàn thành vượt mức; các chỉ tiêu sản xuất dự kiến có 23 chỉ tiêu đạt và vượt, 03 chỉ tiêu khó đạt so với mục tiêu kế hoạch 05 năm 2021-2025. Các chương trình, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được triển khai, tạo phong trào, động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Nhiều tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được áp dụng nhanh vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Với tư duy đổi mới sản xuất nông nghiệp đã dần chuyển sang kinh tế nông nghiệp, giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông, lâm, thủy sản được cao nâng cao theo chuỗi giá trị. Nổi bật là nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn, diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt tỷ lệ cao, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng theo tiêu chuẩn quốc tế (chứng chỉ FSC) đạt trên 24.000 ha. Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế được phát triển. Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng mạnh tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào, phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.

Đến nay, toàn tỉnh có 317/411 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 77,13% tổng số xã; 67/317 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 21,14%; 10/319 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chiếm 3,15%; có 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí bình quân các xã đạt 17 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh đã có 567 sản phẩm OCOP trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 37 sản phẩm đạt 4 sao và 529 sản phẩm đạt 3 sao, có 9 điểm du lịch nông thôn. Nghệ An là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận.

Công tác tham mưu xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả một số Đề án, Chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng của ngành cũng như tổ chức thành công nhiều sự kiện quảng bá lĩnh vực Nông nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Công tác cải cách hành chính được quan tâm, trọng tâm là sắp xếp, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở đạt kết quả cao. Công tác chuyển đổi số, hoàn thiện thể chế, cắt giảm TTHC được quan tâm, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết TTHC, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh ngành, sản phẩm.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã kiến nghị một số nội dung như: Bố trí nguồn kinh phí cắm mốc, phân định ranh giới các loại rừng ở thực địa để các chủ rừng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Bố trí ngân sách để xây dựng, cải tạo, nâng cấp một số Trạm quản lý Bảo vệ rừng trên địa bàn, đảm bảo cho lực lượng bảo vệ rừng có nơi ăn, chốn ở tốt hơn; đồng thời xem xét bố trí kinh phí để tu sửa, làm mới khoảng 20 km đường lâm nghiệp. Bố trí kinh phí để xây dựng Trung tâm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tại Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT. Bố trí kinh phí để sửa chữa định kỳ và hằng năm đối với 2 tàu kiểm ngư; xem xét, chỉ đạo phương án về Tổ chức bộ máy quản lý Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ…

Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Hồng Quang đề nghị ngành Nông nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Quý Linh đề nghị tăng cường phối hợp giữa ngành Khoa học và Công nghệ và ngànhNN&PTNT để nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm nông nghiệp

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Sở, ngành đã trao đổi các nội dung về phát triển công nghiệp chế biến nông sản; phát triển các làng nghề, các sản phẩm OCOP; phát triển thị trường các sản phẩm nông nghiệp trong chuỗi liên kết; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, nhất là đối với các mặt hàng nông sản.

Bên cạnh đó, các ngành đề nghị ngành NN&PTNT tập trung thực hiện các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng NTM gắn với phát triển các di tích lịch sử; phát triển nông nghiệp giải trí. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công do ngành NN&PTNT làm chủ đầu tư…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho rằng, hiện nay ngành NN&PTNT đang gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế rừng, việc khai thác, nuôi trồng thủy sản, việc triển khai đề án phát triển cây ăn quả; ô nhiễm môi trường do chăn nuôi tại các trang trại lớn…

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị ngành Nông nghiệp tiếp tục tập trung đẩy nhanh thực hiện các dự án: Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, dự án thủy lợi Khe Lại – Vực Mấu, dự án kè sông Nậm Mộ… Ngành NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã trong thực hiện các nhiệm vụ; ổn định tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp của ngành. Đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại các dự án lĩnh vực nông nghiệp; rà soát lại các vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến nông sản.

Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của ngành NN&PTNT ở mức cao nhất

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá, ngành NN&PTNT là ngành lớn, đa ngành, đa lĩnh vực. Thời gian vừa qua, ngành đã đạt được kết quả hết sức tích cực. Nghệ An được ghi nhận là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước; diện tích đất nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 90% diện tích tự nhiên của tỉnh. Với đường biển dài 82 Km, được đánh giá là khu vực có trữ lượng thủy sản lớn… Đây là những tiềm năng lớn của tỉnh. Tuy nhiên đất đai có điều kiện để phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Biểu dương và ghi nhận những kết quả ngành NN&PTNT đã đạt được trong thời gian vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định lĩnh vực nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế của tỉnh. Ngành đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong tham mưu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, hiện nay ngành Nông nghiệp chưa xây dựng được những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có thương hiệu. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn rất hạn chế; quy mô sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán. Các lĩnh vực mới trong hoạt động nông nghiệp như nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn chưa được triển khai rộng rãi. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhỏ lẻ, yếu về năng lực sản xuất, công nghệ, nguồn lực nên không thúc đầy được kinh tế nông nghiệp. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển chậm; đầu tư quy hoạch vùng nguyên liệu chưa đáp ứng. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại…

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Trung đề nghị ngành Nông nghiệp bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng; Kế hoạch 5 năm và hàng năm, Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để thực hiện các nhiệm vụ. Rà soát lại các chỉ tiêu, mục tiêu để tập trung thực hiện, hoàn thành ở mức cao nhất.

Đẩy mạnh việc hoàn thiện chiến lược các sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp gồm: Lúa gạo; cây ăn quả, cây nguyên liệu; thịt các loại; nuôi trồng thủy sản; sữa tươi, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây có giá trị thấp sang cây có giá trị cao để phù hợp với môi trường sinh thái và nhu cầu người tiêu dùng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ.

Nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường tham gia các liên kết, chuỗi liên kết. Nâng cao hiệu quả phát triển thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với Chương trình phát triển sản phẩm OCOP; nghiên cứu các cơ chế xây dựng NTM đối với xã miền núi, xây dựng NTM gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa.

Huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng nông nghiệp gồm: Hạ tầng thủy lợi, hạ tầng thủy sản, hạ tầng lâm nghiệp, hạ tầng nước sạch và vệ sinh môi trường. Thực hiện có hiệu quả cao nhất nguồn vốn đầu tư công; phối hợp với các ngành để thực hiện 3 Chương trình MTQG. Tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, khâu nối với các cơ quan Trung ương để thu hút các dự án lớn vào triển khai trên địa bàn tỉnh.

Tập trung thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo tối đa an toàn cho người dân. Thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, truyền thông về nông nghiệp, truyền thông về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngành Nông nghiệp cần quan tâm đến công tác sắp xếp bộ máy, đào tạo, thu hút nhân lực liên quan đến lĩnh vực nông nghiêp. Tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng…

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã trao đổi, giải quyết các nội dung đề xuất, kiến nghị của Sở NN&PTNT. Trong đó, yêu cầu các ngành tiếp tục nghiên cứu giải pháp giải quyết đề xuất ký kết hợp đồng đối với các thuyền viên đang làm việc tại 2 tàu Kiểm ngư theo đúng quy định, phù hợp thực tiễn.

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP