Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Cùng dự buổi lễ có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Quân khu 4; lãnh đạo các địa phương và tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ; các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động; đại diện dòng họ, thân nhân Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và thân nhân bà Nguyễn Thị Minh Khai.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm. |
Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, vùng quê giàu truyền thống yêu nước. Tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng và đã hoạt động tại nước Thái Lan, Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, lần đầu tiên, ông gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc năm 1924. Với những phẩm chất cách mạng ưu tú, tài năng, Lê Hồng Phong được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn vào nhóm Việt Nam Thanh niên Cộng sản và trở thành hạt nhân của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là lớp thế hệ cán bộ đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo. Lê Hồng Phong được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi đi đào tạo bài bản tại các cơ sở đào tạo cán bộ cao cấp của Trung Quốc và Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô.
Tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong |
Với những đóng góp to lớn trong việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng Việt Nam và Đông Dương những năm 1932-1935, tháng 3/1935, Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương. Tiếp đó, ông đã trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn, chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế rộng rãi, đưa đến sự bùng nổ của cao trào đấu tranh cách mạng dân chủ 1936-1939.
Tháng 6/1939, ông bị thực dân Pháp bắt giam, giam lỏng rồi lại bắt giam kết án 5 năm tù. Cùng khoảng thời gian này, bà Nguyễn Thị Minh Khai - Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, người đồng chí, người bạn đời yêu dấu của ông cũng bị giặc bắt. Trong tù, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai dù bị địch tra tấn dã man nhưng vẫn vững khí tiết, nén lại tình cảm riêng tư, tuyệt đối giữ các bí mật của Đảng.
Sau đó, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp đày ra nhà tù Côn Đảo, tiếp tục bị địch tra tấn hết sức dã man. Trước khi trút hơi thở cuối cùng tại đây, ông nhắn lại: “Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm |
Trong bài diễn văn, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhắc lại đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Các đồng chí như Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong…và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay.
40 tuổi đời, gần 20 năm hoạt động cách mạng, Lê Hồng Phong đã sống một cuộc đời oanh liệt, hiến dâng tất cả cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Lịch sử mãi khắc ghi công lao to lớn của Lê Hồng Phong - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Phát huy truyền của quê hương Xô Viết anh hùng, học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và lớp lớp các thế hệ tiền bối cách mạng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt, nhất là trong 10 năm qua. Quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 10 cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân giai đoạn 2014 – 2019 đạt 7,28%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Công tác xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội được triển khai có hiệu quả.
Tự hào và biết ơn những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong cùng các bậc tiền bối cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An nêu cao ý chí, khát vọng, phấn đấu đến năm 2025, đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc; năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, biến “Khát vọng sông Lam” thành “Kỳ tích sông Lam” trên quê hương của Bác Hồ kính yêu.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu đã về Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An) dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Trước đó, chiều 5/9, tại huyện Hưng Nguyên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo của tỉnh Nghệ An.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi ân cần đến những hộ gia đình chính sách, người có công của quê hương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong nêu rõ, Nghệ An là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi sinh ra nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.
Chủ tịch nước và đoàn dâng hương, dâng hoa tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. |
Phát huy truyền thống cách mạng đó, Chủ tịch nước mong muốn bà con nhân dân, nhất là hộ nghèo, gia đình khó khăn, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn để có cuộc sống tốt hơn, xây dựng quê hương, đất nước. Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm hỗ trợ kịp thời cho người dân, nhất là hộ gia đình chính sách và hộ khó khăn được tiếp cận việc làm thuận lợi, vay vốn đầu tư vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó là làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, quan chăm sóc người có công trên địa bàn.
Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, khu VSIP thứ 11 của VSIP Group tại Việt Nam, có quy mô 750ha. Nhắc lại năm 2016 khi còn là Thủ tướng đã kiểm tra và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án VSIP này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Công ty TNHH VSIP Nghệ An có nhiều cố gắng triển khai giai đoạn 1 của Dự án và chuẩn bị bước vào giai đoạn 2. Đặc biệt VSIP Nghệ An đã lấp đầy khoảng 80% diện tích, thu hút 15.000 công nhân và năm nay ước tăng lên 20.000 công nhân, dự kiến đến năm 2026 khu công nghiệp này thu hút 50.000 công nhân.
Đánh giá cao VSIP Nghệ An thu hút tỉ lệ lớn các ngành công nghệ cao của nhiều nước trên thế giới, mang lại giá trị gia tăng cao, Chủ tịch nước mong muốn Công ty TNHH VSIP Nghệ An đẩy nhanh triển khai giai đoạn 2, thu hút nhiều hơn nữa các dự án công nghệ tao, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương cũng như đóng góp vào mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Singapore./.
Tác giả: Vũ Dũng-Sỹ Đức
Nguồn tin: Báo VOV