Nhà đẹp

Choáng ngợp trước thiên đường 600 loại hoa hồng của nữ thạc sĩ tài năng

Yêu thích các giống hoa hồng dòng David Austin, chị Thu Hằng (30 tuổi - Hà Nội) quyết định dành thời gian nghiên cứu và “thành lập” một thiên đường hoa tại ngoại ô Hà Nội.

Thiên đường hoa hồng ngoại

Ngồi trên ghế giảng đường Học viện, chị Thu Hằng đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về cây và hoa đào. Khi tốt nghiệp và làm luận văn thạc sĩ, chị cũng chọn giống hoa đào Việt Nam để nghiên cứu và phản biện. Từ đó, niềm đam mê với hoa lớn dần trong chị.

Năm 2014, chị được người bạn đem một số giống hoa hồng ngoại dòng David Austin (hoa hồng nước Anh) đến nhờ theo dõi, đánh giá khả năng thích nghi và sinh trưởng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.

Chị kể: “Qua quá trình đánh giá, mình nhận thấy giống hoa hồng này có hình dáng rất đẹp, màu sắc đa dạng, hương thơm độc đáo. Đặc biệt, chúng nở hoa quanh năm với nhiều dạng cây như bụi, leo... Hơn nữa, chúng thích nghi tốt với khí hậu của nước ta. Do đó, mình quyết định đặt mua và nhân giống rộng tại khu vườn ngoại ô Hà thành”.

Chị Thu Hằng chụp ảnh bên một chậu hồng dòng David Austin.

Sau hơn 2 năm thực hiện, chị Hằng đã trở thành bà chủ thiên đường hoa hồng rộng gần 6 ha. Chúng được trồng rải rác ở 4 tỉnh Miền Bắc: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Sơn La. Đó là nơi tham quan, học hỏi và cung cấp nguồn giống tốt cho nông dân trồng hoa. Đồng thời là nơi thực tập, nghiên cứu khoa học của các sinh viên Học viện Nông Nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, vườn hồng luôn dành cho những người yêu hoa đến dạo chơi miễn phí mỗi dịp cuối tuần.

Hiện nay, cơ ngơi của nữ thạc sĩ nông nghiệp có gần 500 giống hoa hồng nhập trực tiếp từ nước ngoài và gần 100 giống hồng nội.

Khó khăn "chồng chất" khó khăn

Bén duyên với hoa hồng ngoại, chị Hằng đã trải qua nhiều khó khăn dồn dập. Chị tâm sự: “Bạn hãy thử hình dung, một thạc sĩ nông nghiệp bỗng được thoả sức với đam mê, gắn bó với loài hoa yêu thích tuyệt vời như thế nào(?). Chính vậy, mình coi đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời.

Tuy nhiên, đam mê luôn song hành cùng sự vất vả và lo toan. Ngày ấy, con mình chưa tròn 1 tuổi, ông xã bận công việc. Do đó, mình luôn phải cân bằng giữa công việc với chuyện gia đình, chăm sóc con cái”.

Đối với chị Hằng, vấn đề thuần dưỡng giống nhập để thích nghi với khí hậu nhiệt đới là trở ngại khá lớn. Chị bảo, một số giống hồng trồng ở nước ngoài rất đẹp, sai hoa và thơm, nhưng qua Việt Nam lại khác hoàn toàn. Nó chỉ phát triển thân và lá, không ra hoa hoặc chỉ ra 1 mùa.

Ngoài ra, giá hồng ngoại rất đắt, từ vài trăm đến chục triệu đồng/cây khiến chị trăn trở về tiền vốn rất nhiều.

Sau hơn 2 năm thực hiện, chị Hằng đã trở thành “bà chủ” thiên đường hoa hồng rộng lớn

Chia sẻ cách trồng hoa hồng ngoại, chị Hằng cho biết, để có một cây hồng nhiều nụ, hoa bền và màu sắc đẹp, chị phải tỉ mỉ chọn lựa giống đời F1. Sau đó, chị quan tâm đến vị trí có thể gieo trồng hoa hồng.

“Hoa hồng là cây ưa sáng và thích hợp khí hậu ôn hòa. Thông thường, nó yêu cầu cường độ chiếu sáng từ 10.000-12.000 lux, thời gian chiếu sáng thích hợp 8-12h/ngày. Nhiệt độ để cây sinh trưởng và phát triển tốt: 18-25 độ C. Vì vậy, mình luôn chọn vị trí thoáng mát, có ánh sáng chiếu trực tiếp tối thiểu 6h/ngày để trồng hoa hồng”, chị Hằng nói.

Khi trồng hoa hồng, giá thể có trong chậu luôn phải sạch. Nó vừa là nơi bộ rễ bám vào, vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho cây nhưng tiềm ẩn lượng sâu bệnh. Do đó, hoa hồng có thể phát triển khỏe mạnh thì giá thể trồng phải được xử lý.

Chị Hằng cho biết thêm, sâu bệnh cũng là vấn đề nan giải đối với cây hoa hồng. Cây đã trồng cần được kiểm tra, phun thuốc phòng trừ định kỳ từ 5-7 ngày/lần. Tuyệt đối, không để cây bị sâu bệnh nặng mới điều trị, đặc biệt với dòng hoa hồng ngoại là dòng hoa có giá trị. Ta nên sử dụng các chế phẩm sinh học rất an toàn để phòng trừ sâu bệnh hại cho cây thay vì sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học.

Thực hiện đam mê, chị Hằng đã đối diện và trải qua nhiều khó khăn

Cách chăm sóc cây hoa hồng ngoại

Trước tiên, chị Hằng tập trung phát triển bộ rễ cây hồng bằng cách bón phân vào đất 7-10 ngày/ lần. Chị hạn chế phun thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón lá để tránh tình trạng ảnh hưởng đến phát triển bộ rễ.

Giai đoạn đầu cây non, chị bón phân có hàm lượng đạm- lân cao nhằm giúp mầm bật nhiều lá xanh và cứng cây. Khi cây đã trưởng thành, chị chuyển qua bón phân có hàm lượng lân và kali cao để cây bật nhiều nụ, hoa to, đậm màu.

“Hoa hồng cần phải được cắt tỉa quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm tốt nên là mùa xuân và mùa thu. Khi cắt, mình cắt tỉa các cành vô hiệu để cây thoáng, tạo tán. Đồng thời, nó cũng giúp cây đẩy mạnh quá trình bật mầm, phân nhánh.

Sau khi cắt tỉa, mình sẽ tưới đủ nước, bổ sung chất dinh dưỡng và phun phòng trừ sâu bệnh hại cho cây”, chị Hằng cho biết.

Mỗi gốc hồng, chị Hằng gửi gắm vào đó bao công sức và tình yêu đam mê
Vườn hồng luôn dành cho những người yêu hoa đến dạo chơi miễn phí mỗi dịp cuối tuần
Khó có thể tin rằng, dòng hồng đẹp như tranh này có thể trồng tại Việt Nam
Cơ ngơi của nữ thạc sĩ nông nghiệp có gần 500 giống hoa hồng nhập trực tiếp từ nước ngoài...
... và gần 100 giống hồng nội.

Giá hồng ngoại rất đắt, từ vài trăm đến chục triệu đồng /cây khiến chị Hằng trăn trở về tiền vốn rất nhiều.
Có một cây hồng nhiều nụ, hoa bền và màu sắc đẹp, chị Hằng phải tỉ mỉ chọn lựa giống đời F1.
Tiếp đó, chị Hằng quan tâm vị trí trồng hồng sao cho đủ ánh sáng và nhiệt độ.
Hồng nhập ngoại nở hoa quanh năm với nhiều dạng cây như bụi, leo...
Từng bông hồng mang sắc nét khác nhau và tỏa hương ngào ngạt
Chúng có những màu sắc đặc trưng khác nhau.
Hồng khoe mình trong ánh nắng chiều đông nơi ngoại ô thành phố.
Còn đây, những bông hồng tắm chìm trong sương sớm.

Tác giả bài viết: Vân Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP