Lỗ 300 triệu USD
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản liên quan đến hoạt động của dự án Hồ Tràm của Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm (nhà đầu tư ty Asian Coast Development (Canada) Ltd).
Theo đó, báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2016 và 2017 cho thấy công ty có số lỗ lũy kế trên 300 triệu USD. Số vốn góp chủ sở hữu đến ngày 31/12/2017 chỉ còn hơn 156 triệu USD. Công ty kiểm toán nhận định khoản lỗ lũy kế này gây ra mối hoài nghi thực sự về khả năng công ty tiếp tục hoạt động trên cơ sở hoạt động liên tục.
Từ yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị công ty giải trình rõ về năng lực tài chính để tiếp tục triển khai dự án.
Sau đó, công ty này đã có gửi thư cam kết hỗ trợ tài chính của công ty ASIAN Coast Development (Canada) và có giải trình thêm.
Phối cảnh dự án hơn 4 tỷ USD |
Theo công ty này, Harbinger Capital Partners, nhà đầu tư chủ chốt của ACDL, là một quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Mỹ. Harbinger đang quản lý giá trị tài sản hơn 9 tỷ USD. Harbinger đã đầu tư vào ACDL từ năm 2007 và đã đầu tư gần 500 triệu USD vào dự án kể từ khi thành lập. Cam kết của Harbinger đối với dự án đã được chứng minh qua nhiều năm và họ vẫn là đối tác mạnh mẽ và quyết tâm trong việc phát triển dự án Hồ Tràm.
Ngoài ra, Quỹ Warburg Pincus cũng đã có thể thực hiện các mục tiêu phát triển trong tương lai cho dự án Hồ Tràm và đảm bảo mô hình kinh doanh bền vững, lâu dài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nếu quỹ này tham gia có thể sẽ hỗ trợ phần nào tài chính cho dự án.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ tiến độ huy động vốn và tiến độ thực hiện.
Bộ Công an đánh giá dự án lỗ lũy kế 300 triệu USD và đang có nợ vay tại ngân hàng Việt Nam khoảng 116 triệu USD (Ngân hàng BIDV Vũng Tàu - PV). Do đó, Bộ Công an đề nghị trong phê duyệt điều chỉnh tiến độ góp vốn và thực hiện dự án, yêu cầu công ty cần có tài liệu chứng minh năng lực và cam kết của nhà đầu tư về trả nợ vay tại các tổ chức tín dụng của Việt Nam.
Chậm tiến độ, tiếp tục muốn gia hạn
Theo quy định tại Giấy phép đầu tư, đến thời điểm này đáng ra dự án đã phải hoàn thành và đưa vào hoạt động khu A, Khu B, Khu C và Khu D với tổng số 6.000 phòng khách sạn và các tiện ích; đã khởi công khu E.
Nhưng trên thực tế, dự án mới hoàn thành và đưa vào hoạt động khu A1 gồm 541 phòng và một số công trình tiện ích khác.
“Như vậy tiến độ thực hiện dự án chậm so với cam kết”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Nguyên nhân chậm tiến độ được giải thích là do thời gian đầu hoạt động khu A1 từ năm 2013-2016 hiệu quả kinh doanh chưa cao, nhiều chi phí phát sinh, thiếu hụt hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; vị trí dự án cách xa sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất,...
Do đó, sau thời gian hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, công ty phải thực hiện điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tái cơ cấu nhân sự và đội ngũ quản lý,... ; điều chỉnh chiến lược phát triển của toàn dự án nên đã dẫn đến chậm tiến độ.
Từ 2017, dự án bắt đầu có lãi. Đến nay công ty này đã hoàn tất thủ tục trình và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt 1/2000, quy hoạch 1/500 một số phân khu...
Đáng chú ý, văn bản nêu rằng: Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng về nguyên tắc chấp thuận chủ trương cho công ty đầu tư xây dựng sân bay chuyên dụng tại huyện Đất Đỏ nhằm cải thiện kết nối hạ tầng giao thông đến khu vực dự án trong thời gian chờ sân bay Long Thành được triển khai.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tại giấy phép đầu tư thay đổi lần 4, dự án được phép đưa vào hoạt động sớm khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài và gia hạn tiến độ thực hiện. Theo đó, dự án được kéo dài thời gian hoàn thành và đưa vào hoạt động toàn bộ dự án 6 năm so với quy định tại giấy phép đầu tư đã cấp (từ tháng 12/2014 sang tháng 12/2020).
Nay công ty đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện các hạng mục dự án, trong đó có hạng mục kéo dài từ 3 năm, hoặc 4,5 năm và có hạng mục kéo dài 7 năm. Theo hồ sơ, nhà đầu tư đề xuất đến tháng 5/2025 mới hoàn thành toàn bộ dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng trường hợp nếu được Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư thì tổng thời gian điều chỉnh tiến độ dự án không quá 24 tháng theo quy định tại Luật Đầu tư.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các cơ quan quy định rõ hạng mục đầu tư và vốn đầu tư của từng giai đoạn, tiến độ huy động và giải ngân...
“Trường hợp công ty không thực hiện đúng nội dung quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh và đã bị xử lý vi phạm hành chính, nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì dự án sẽ bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 2 điều 48 Luật Đầu tư”, Bộ này cảnh báo.
Dự án Hồ Tràm của được cấp phép năm 2008 và đã qua 7 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án có diện tích 163 ha, với mục tiêu xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí phức hợp và trung tâm hội nghị quốc tế, có casino cho người nước ngoài. Dự án được thực hiện trong 13 năm, từ tháng 9/2009 đến tháng 12/2020 và chia cụ thể tiến độ thực hiện của từng phân khu. Hiện dự án đang trình xin điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần nữa theo hướng xin điều chỉnh tiến độ góp vốn và tiến độ thực hiện của từng phân khu; điều chỉnh nội dung liên quan tới điều kiện hoạt động Khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài. |
Tác giả: Lương Bằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet