Tam giác mạch đang trở thành loài hoa đặc trưng của xứ đá tai mèo, là hình ảnh thu hút lượng lớn du lịch đến với cao nguyên hàng năm. Lễ hội hoa tam giác mạch tổ chức ngày 15 - 16/10 cũng được lấy cảm hứng từ giống lương thảo này.
Thân tam giác mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau. Khi đơm hoa, hạt tam giác mạch thu hoạch để xay thành bột làm lương thực, hoặc nấu với ngô làm bánh, hay tạo thành một thứ rượu có hương vị đặc biệt.
Hoa tam giác mạch nở vào tháng 10 thường no nắng và gió nên có màu hồng. Cũng là giống này nhưng trồng đầu năm thường lại có màu trắng, hoa nhỏ.
Dọc theo quốc lộ 4C, hoa tràn ngập bên thung lũng Sủng Là, Pải Lủng, Phó Bảng,.., hoa nấp mình trong kẽ đá ở Lũng Cú, hoa bạt ngàn mênh mông Hoàng Su Phì, Xín Mần, hoa e ấp bên những căn nhà trình tường...
Đồng bào các dân tộc nơi đây gieo hạt tam giác mạch lẫn cũng với những ruộng hoa màu khác. Cũng có những vùng chỉ trồng dày đặc cây tam giác mạch. Thông thường hạt gieo từ sau vụ ngô đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch.
Giữa bốn bề núi đá, quanh năm sương mù bao phủ, thời tiết khô hạn, những con đường đổ dốc ngoằn nghèo chìm ngập trong thung lũng… lại xuất hiện vạt hoa tam giác mạch. Bức tranh phong cảnh mùa thu ở vùng biên viễn Hà Giang lại thêm nét vẽ bởi những mảng màu.
Chiếc bánh làm từ bột tam giác mạch trộn cùng bột ngô, ủ lên men, khi nào ăn sẽ mang ra nướng và thưởng thức với lẩu thắng cố là thứ đặc sản của đồng bào H'Mông vùng Cao nguyên đá.
Những cô cậu bé người Mông, Dao trong trang phục truyền thống, luôn tươi cười thân thiện, đón chào du khách.
Năm nay, lễ hội hoa tam giác mạch có sự tham gia của 4 huyện vùng cao nguyên đá (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc). Buổi lễ khai mạc với chủ đề “Đá nở hoa” sẽ diễn ra vào tối 15/10 tại sân vận động huyện Đồng Văn.
Tác giả bài viết: Ngọc Thành