Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Thái Thị An Chung – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, thành viên Đoàn giám sát; lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc |
Báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT), Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Văn Nông cho biết, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách pháp luật trong công tác BVMT trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức chức truyền thông về bảo vệ môi trường trên địa bàn các huyện, thành, thị qua nhiều hình thức; tổ chức tập huấn, đào tạo các lớp nghiệp vụ môi trường.
Đ/c Thái Văn Nông – Phó Giám đốc Sở TN&MT báo cáo |
Kết quả quan trắc môi trường đất, nước, không khí, nước mặt, trầm tích; Báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường; Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh; Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh… đều được Sở Tài nguyên và Môi trường công khai trên Cổng TTĐT của Sở TN&MT theo quy định.
Công tác thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường đã tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ và có tính khả thi cho việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 146 báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp 21 hồ sơ giấy phép môi trường; 04 dự án được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; xác nhận 6 kế hoạch bảo vệ môi trường.
Về xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường đất, đến nay, Sở đã tiến hành xử lý 120 điểm, 148 điểm phải lập dự án xử lý, phương án kiểm soát ô nhiễm. Đồng thời, có 76 điểm phải tiếp tục tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết để lập phương án kiểm soát, xử lý. Giai đoạn 2020-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện điều tra, đánh giá mức độ phạm vi ô nhiễm, lập phương án xử lý đối với 34 khu vực ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV); hoàn thành xử lý, cải tạo phục hồi môi trường đối với 29 khu vực ô nhiễm tồn lưu hóa chất BVTV và đang tiếp tục triển khai xử lý đối với 3 khu vực ô nhiễm.
Công tác kiểm tra và xác nhận cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ONMTNT) đã cơ bản hoàn thành xử lý. Đến năm 2022, có 33/42 cơ sở ONMTNT đã được kiểm tra và chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường; nhất là trong năm 2021-2022, không phát sinh điểm ONMTNT mới. Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy nhanh xử lý ô nhiễm tại cơ sở gây ONMTNT đang tồn đọng trên địa bàn.
Đ/c Nguyễn Văn Hải – Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam báo cáo |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cũng đã báo cáo việc giám sát chấp hành pháp luật về BVMT của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Qua giám sát trực tiếp tại một số đơn vị và qua báo cáo, thành viên Đoàn giám sát đã nêu lên một số bất cập trong việc vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt; thu gom, xử lý rác thải vùng nông thôn, miền núi; hạ tầng xử lý chất thải. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chậm trễ trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho nhân dân và gây áp lực cho công tác quản lý nhà nước. Một số dự án thu hút đầu tư cơ sở xử lý rác thải chỉ mới dừng lại ở chủ trương đầu tư mà chưa được triển khai xây dựng. Một số dự án triển khai quy mô và công nghệ chưa phù hợp với thực tế. Các cơ sở gây ONMTNT đang chậm hoàn thành xử lý triệt để...
Cùng với việc đề nghị đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế nêu trên, một số ý kiến đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có giải pháp để xử lý dứt điểm các điểm tồn dư BVTV; xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề khi trong tổng số 151 làng nghề đang hoạt động có 29 làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, có giải pháp quản lý chất thải rắn, kiểm soát khí thải và phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong các khu kinh tế, khu công nghiệp...
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị cần phải có giải pháp thiết thực để tháo gỡ những bất cập, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường |
Chia sẻ khó khăn trong công tác BVMT khi đây là lĩnh vực rộng, nhạy cảm liên quan đến nhiều ngành, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi nhấn mạnh câu chuyện về môi trường được người dân rất quan tâm, nhất là chất lượng nguồn nước sinh hoạt... đã đặt ra vấn đề rất bức thiết cần phải được giải quyết một cách quyết liệt để đảm bảo môi trường sống cho người dân. Sở Tài nguyên và Môi trường phải có kiến nghị với UBND tỉnh đưa ra các giải pháp đủ sức nặng, khắc phục được hạn chế, tồn tại lâu nay đối với nội dung rất quan trọng này.
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung lưu ý những vấn đề khi triển khai thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường |
Theo Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung: UBND tỉnh cần rà soát việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường để sớm ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các nội dung được phân cấp; đồng thời cần sớm xây dựng Đề án tổng thể về thu gom, xử lý chất thải rắn đến năm 2025 phù hợp với Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.
Một vấn đề mà các địa phương cấp cơ sở rất băn khoăn là giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt. Theo Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã hướng dẫn việc thu gom, xử lý rác hướng đến mục tiêu giảm phát thải rác, giảm cơ chế bù đắp của ngân sách địa phương, tăng cường trách nhiệm đóng góp của đối tượng phát sinh rác thải. Do đó, ngành Tài nguyên và Môi trường cần phải có kiến nghị sớm ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải thay thế Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình kết luận |
Qua nghe báo cáo của các Sở, ngành liên quan, ý kiến của thành viên Đoàn Giám sát, điểm lại những kết quả được, nhất là trong thời qua trên địa bàn tỉnh không phát sinh điểm ONMTNT mới, chỉ số bảo vệ môi trường của tỉnh đứng thứ 10 trong cả nước,... Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đánh giá những kết quả trong công tác bảo vệ môi trường đã đóng góp quan trọng vào thành quả chung tỉnh nhà đạt được.
Thống nhất với những hạn chế, tồn tại, những bất cập trong công tác bảo vệ môi trường đã được chỉ ra, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị xã rà soát lại các quy định về bảo vệ môi trường để tham mưu UBND tỉnh triển khai cụ thể hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường cũng như các Nghị quyết về bảo vệ môi trường...
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết, Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, tới đầu tháng 5 này HĐND tỉnh sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề để thông qua sau đó trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong Quy hoạch có nhiều nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường do đó đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hết sức quan tâm để triển khai thực hiện.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị để quán triệt, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn; tăng cường công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính.
Trong bố trí nguồn lực đầu tư công, xã hội hóa cũng như công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp cần quan tâm đến việc đầu tư hệ thống hạ tầng môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm về bảo vệ môi trường.
Chia sẻ với khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của Sở Tài nguyên và Môi trường về lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, công tác giám sát lần này là dịp để ngành Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp căn cơ, đơn cử như tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách trong công tác bảo vệ môi trường để giải quyết những vấn đề tồn tại, bất cập lâu nay.
Tác giả: Phan Quỳnh
Nguồn tin: nghean.gov.vn