Trong nước

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ việc muốn nhường ghế đại biểu Quốc hội

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, để tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách, chỉ còn cách “ông nào không nên ngồi thì đi ra để người chuyên trách vào”.

Khi bàn về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đưa ra một đề xuất được nhiều người quan tâm, đó là việc bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không là đại biểu Quốc hội.

Rất nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Bộ trưởng TNMT.

Nhường chuyên trách để nâng chất lượng

Chia sẻ thêm với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói đề xuất của ông được đưa ra một cách rất tự nhiên, theo đúng thực tế công việc mà ông đảm nhiệm.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Ngọc Thắng.

Nêu quan điểm bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không cần là đại biểu Quốc hội, ông Hà cho rằng khi đó Quốc hội vẫn có quyền yêu cầu bộ trưởng giải trình để có những phiên chất vấn, giống như ở nghị viện một số nước.

Bởi vậy, ông muốn “nhường” phần này sang cho những người chuyên trách, tăng số đại biểu chuyên trách để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Theo ông Hà, việc vừa muốn số lượng đại biểu Quốc hội giảm đi, vừa muốn tăng đại biểu chuyên trách, là một nghịch lý. Một nghịch lý khác là việc muốn tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách nhưng với cơ chế như hiện này thì “không ai muốn về”.

Để tăng đại biểu chuyên trách, theo Bộ trưởng Hà, chỉ còn cách trong số các đại biểu, “ông nào không nên ngồi thì đi ra để người chuyên trách vào”.

“Với cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn để người giỏi về, trong khi số lượng không được tăng, thì muốn tăng đại biểu chuyên trách phải giảm đi một số lượng nào đó”, ông Hà nói. Ông dẫn chứng ngay trường hợp của mình và nói ông không nhất thiết là đại biểu Quốc hội nhưng vẫn có thể đảm nhiệm trách nhiệm thuộc thẩm quyền.

Cũng theo ông Hà, một bộ trưởng khi về hưu, có trình độ và muốn quay về làm đại biểu chuyên trách thì đó là một phương án rất tốt.

Để đạt được con số “lý tưởng” 60% đại biểu Quốc hội chuyên trách, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng không nên giới hạn những con số, tỷ lệ cụ thể, và đại biểu Quốc hội có thể là nhà khoa học, hoặc cán bộ về hưu.

Bộ trưởng là đại biểu Quốc hội - xung đột lợi ích

Đồng tình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng phải tính lại xem trường hợp nào đại biểu kiêm nhiệm thì tốt. Vì bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không phải ai kiêm nhiệm cũng tốt.

Ông cũng nêu thực tế có những người kiêm nhiệm còn làm Quốc hội “yếu đi” vì cả khóa không đóng góp được bao nhiêu, thời gian tham gia ở Quốc hội ít, phát biểu cũng rất ít.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Theo ông, bộ trưởng làm đại biểu Quốc hội là xung đột lợi ích. Ảnh: Ngọc Thắng.

Để tăng số đại biểu chuyên trách, ông góp ý cần hướng vào các đối tượng có thể đóng góp tốt cho Quốc hội, ví dụ nhiều cán bộ, công chức tầm bộ trưởng, thứ trưởng về hưu, hiểu biết rất nhiều thứ, lại không bị chi phối bởi các công việc khác. Quốc hội phải lựa chọn những đại biểu có năng lực có điều kiện để làm nhiệm vụ dân cử.

Vị đại biểu TP.HCM nhấn mạnh, cần giảm số đại biểu hầu như không đóng góp được bao nhiêu, không nói gì hoặc khi có vấn đề rất nóng lại ít góp ý.

Nhắc đến thực tế có những đại biểu ít đóng góp trên Quốc hội do người đó giữ cương vị ở bộ, ngành, địa phương nên ngại va chạm, ông Nghĩa nhấn mạnh với cơ chế đại biểu kiêm nhiệm mà thiết kế không khéo thì chắc chắc sẽ có sự nể nang. Vì thế, khi cơ cấu phải tránh việc này để đại biểu không bị xung đột lợi ích. “Một bộ trưởng đồng thời là đại biểu dân cử thì ngay trong đó đã có xung đột lợi ích”, ông Nghĩa nói.

Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng góp ý nên tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, giao cho họ quyền, chức năng và tạo điều kiện làm việc, sinh hoạt tốt hơn để người ta toàn tâm, toàn ý với công việc.

Theo ông Lợi, không cần đến 500 đại biểu, có thể 400 người cũng được nhưng phải tăng số đại biểu chuyên trách vì họ có tính độc lập, không bị chi phối. Hơn nữa, phải có cơ chế thu hút, nếu không sẽ không ai vào Quốc hội.

“Cơ quan lập pháp không bị chi phối bởi bất kỳ một lợi ích nhóm nào thì đất nước mới được nhờ. Chỉ cần một ý đồ lồng vào đó thì không những một người chết mà nhiều người bị tác động”, ông Lợi cảnh báo.

Tác giả: Hoài Thu

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP