Theo đó, dự án này sẽ được phân bổ nguồn vốn tổng mức đầu tư hơn 127,6 tỷ đồng để thực hiện dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020 - Phân kỳ năm 2021” ở các huyện khu vực phía Tây của địa phương này.
Nhiều năm “khát điện” dưới chân thuỷ điện
Từ nhiều thập niên qua, khu vực các huyện như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong…thuộc khu vực miền Tây Nghệ An vẫn loanh quanh, luẩn quẩn trong nghèo, đói, thiếu việc làm do hạ tầng kỹ thuật chưa được quan tâm, đầu tư kịp thời.
Trong đó, vấn đề phủ điện lưới Quốc gia cho các xã của những huyện miền núi Nghệ An chưa được chú trọng, tình trạng người dân tự ý sử dụng tuapin mini lấy điện từ sức nước ở các suối, khe tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Thiếu điện lưới Quốc gia, nhiều xã ở huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu… rơi vào cảnh đói nghèo quanh năm, thậm chí có những xã gần như 100% là hộ nghèo. Các dự án đầu tư quy mô lớn để kích cầu tăng trưởng GDP cho một số huyện miền núi phía Tây Nghệ An không thể về đây “lót ổ” vì hạ tầng điện lưới không đảm bảo.
Bức tranh giàu – nghèo giữa miền xuôi và miền núi ở Nghệ An hàng chục năm qua vẫn phân ra 2 màu rõ rệt vì nhiều nguyên nhân trong đó có hệ thống hạ tầng điện lưới chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời.
|
Hệ thống các thuỷ điện "ken dày" ở thượng nguồn dọc sông Hiếu, sông Lam trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An đã đi vào hoạt động lâu nay nhưng người dân địa phương vẫn chưa được hoà lưới điện Quốc gia |
Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ thì hiện Nghệ An có tới 32 dự án thủy điện với công suất 1.360,95 MW. Đáng quan tâm, toàn bộ các dự án xây dựng thuỷ điện lớn, nhỏ tập trung tại 5 huyện miền núi, cụ thể: huyện Quế Phong có 11 dự án, Kỳ Sơn 8 dự án, Tương Dương 6 dự án, Con Cuông và Quỳ Châu mỗi huyện 2 dự án.
Mới đây, Sở Công Thương Nghệ An cho biết hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 115 thôn, bản ở vùng núi rẻo cao các huyện Quỳ Châu, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong chưa có điện lưới Quốc gia.
Thậm chí, nhiều thôn, bản hàng chục năm nay vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu mặc dù thuỷ điện hàng trăm MW cách nơi họ sinh sống không xa. Nhiều thôn, bản ở các xã của huyện Tương Dương, nơi có tới 6 dự án thuỷ điện lớn nhỏ như Bản Vẽ, Khe Bố… công suất hàng trăm MW nhưng kể từ khi đi vào vận hàng, hoà lưới điện Quốc gia đã nhiều năm nay, tình trạng người dân “khát điện” vẫn chưa thể khắc phục được.
Nghịch lý này cũng đã trở thành vấn đề được đưa ra chất vấn, bàn thảo ở các cuộc họp HĐND tỉnh Nghệ An trong thời gian qua nhưng giải pháp căn cơ, phương án khắc phục vẫn phải chờ nguồn vốn từ Trung ương và EVN.
Bao giờ miền Tây Nghệ An được hoà lưới điện Quốc gia?
Trước đề nghị của địa phương và các ngành chức năng, từ tháng 10/2014, Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia, tỉnh Nghệ An giai đoạn 20215-2020.
Tuy nhiên, việc đấu nối, hoà lưới điện Quốc gia cho vùng nông thôn miền Tây Nghệ An vẫn chưa thể triển khai đồng bộ khiến nhiều thôn, bản ở khu vực này đến nay vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu, điện lưới chưa phủ kín. Một số xã ở huyện Quế Phong, Quỳ Châu xảy ra tình trạng mất điện do hạ tầng quá cũ kỹ, yếu tải liên tục xảy ra vào mùa nắng nóng.
Để khắc phục tình trạng hạ tầng điện lưới xuống cấp, mới đây vào tháng 6/2021, Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt quyết định kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020, phân kỳ năm 2021 cho huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp, Thanh Chương với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 127 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm điều phối dự án, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc được giao trách nhiệm làm chủ đầu tư thực hiện chức năng lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt và các phần việc liên quan bảo đảm quy định hiện hành.
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, đến tháng 9/2021, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc cũng đã lựa chọn nhà thầu cho gói xây lắp đường dây trung, hạ áp và TBA các xã thuộc huyện Quế Phong và Kỳ Sơn. Liên danh Công ty xây dựng điện VNECO3-Công ty CP xây dựng và thương mại Bắc Trung Bộ-Công ty CP xây dựng Đức Nguyên là đơn vị được lựa chọn trúng gói thầu nói trên với số tiền dự thầu hơn 44,8 tỷ đồng.
Hạng mục thi công trạm biến áp thuộc dự án đường dây 220KV nối từ Lào sang Việt Nam qua địa bàn huyện Tương Dương, Nghệ An đang được thi công |
Quyết định do ông Lê Quang Thái – Phó Tổng giám đốc Công ty Điện lực Miền Bắc ký, ban hành, thời gian thực hiện trong vòng 150 ngày.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên thì hiện nay, ở một số xã thuộc huyện Quế Phong như Hạnh Dịch thì đến nay nhà thầu cũng mới chỉ thực hiện phần việc đo đạc, cắm mốc vị trí để thi công.
Liên quan đến dự án công trình này, chiều 19/10, ông Nguyễn Văn Sinh – Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết, hiện nay đơn vị thi công cũng mới lập hồ sơ xác định vị trí và chưa tiến hành thi công.
“Có khoảng hơn 400m2 đất rừng phòng hộ bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng đường dây điện trung, hạ áp đi qua. Còn lại toàn bộ là rừng sản xuất trên địa bàn đang lập hồ sơ, thủ tục theo quy định” – ông Nguyễn Văn Sinh cho biết thêm.
Trong khi đó, theo quyết định do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An ký giao cho các đơn vị liên quan phải thực hiện xong việc lựa chọn xong nhà thầu trong quý II năm 2021 và thời gian thực hiện hợp đồng trong vòng 150 ngày đối với một số gói xây lắp.
Tuy nhiên, đã sang đến quý III năm 2021, một số hạng mục ở nhiều địa bàn để thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia đối với các huyện miền Tây Nghệ An đến nay vẫn chưa triển khai thi công đồng bộ.
Tác giả: NGỌC THÁI
Nguồn tin: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp