Giáo dục

Bị phạt về chỉ tiêu tuyển sinh từ Bộ GD&ĐT, 2 trường đại học nói gì?

Bộ GD&ĐT vừa truất quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh của 2 trường đại học do tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Linh động chỉ tiêu vì “hồ sơ ảo”

Ngày 22/6, trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Tp.HCM khẳng định, ông ủng hộ câu chuyện lớn về tự chủ đại học vì như vậy mới có thể phát triển, nâng tầm giáo dục đại học Việt Nam. Đồng thời, việc xử phạt phải nghiêm minh.

Tuy nhiên, TS. Trần Đình Lý cho hay, Trường Đại học Nông lâm Tp.HCM có điểm chuẩn tương đối cao, có ngành điểm chuẩn từ 26,5 đến 27,7 điểm. Trường đã giữ chất lượng rất cao để đáp ứng cả số lượng và chất lượng nhu cầu nguồn nhân lực đang khan hiếm trầm trọng.

Số liệu thực tế tại trường, số lượng sinh viên nhập học cao hơn so với chỉ tiêu được xác định ban đầu là 151 sinh viên (tương đương 3,4% tổng chỉ tiêu). Tuy nhiên, đến thời điểm 30/5/2023, tổng số sinh viên khóa 2022 chỉ còn 4.533, vượt chỉ tiêu 85 sinh viên (tương đương 1,9% tổng chỉ tiêu ban đầu), do sinh viên nghỉ học theo nguyện hoặc bị buộc thôi học.

Hoạt động tuyển sinh tại Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM.

Theo ông Lý, so với tổng chỉ tiêu xác định ban đầu, số lượng sinh viên tuyển vượt của Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM trong kỳ tuyển sinh 2022 là thấp, không đáng kể.

Trước đó, liên quan đến vấn đề tuyển sinh vượt chỉ tiêu năm 2022, Trường Đại học Nông lâm Tp.HCM cũng đã có văn bản giải trình gửi Bộ GD&ĐT. Theo lý giải của lãnh đạo Trường Đại học Nông lâm Tp.HCM, trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nhưng lĩnh vực, ngành truyền thống của trường vẫn là nông lâm nghiệp và thủy sản.

Năm 2022, nhà trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản là 1.082 chỉ tiêu, chiếm 24,3% tổng chỉ tiêu. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 588 sinh viên nhập học (chiếm 54,3% tổng chỉ tiêu của lĩnh vực này) và hiện nay chỉ còn 579 sinh viên gây thiếu hụt chỉ tiêu nghiêm trọng.

Tương tự số lượng sinh viên ở các lĩnh vực như sư phạm kỹ thuật nông nghiệp chỉ tuyển được 10 sinh viên (chiếm 22,2% tổng chỉ tiêu lĩnh vực), khoa học tự nhiên 20 sinh viên (chiếm 23,0% tổng chỉ tiêu lĩnh vực); giáo dục mầm non trình độ đại học ngành mới được Bộ GD&ĐT phê duyệt từ tháng 5/2022 chỉ 16 em.

Thậm chí lĩnh vực sản xuất và chế biến cũng chỉ đạt 72,5% tổng chỉ tiêu của lĩnh vực với 444 sinh viên. Trong đó ngành chế biến thủy sản và ngành chế biến lâm sản chỉ tuyển được lần lượt 59,2% và 51,6%. Việc thiếu hụt sinh viên ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu học phí của nhà trường. Do đó, nhà trường đã linh động cân đối chỉ tiêu ở một số lĩnh vực có nhiều thí sinh để bù lại sự thiếu hụt chỉ tiêu ở các lĩnh vực khác.

Tái phạm nên bị phạt nặng

Về việc Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng bị phạt, PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng năm 2021 tuyển sinh vượt chỉ tiêu đối với ngành đào tạo sư phạm xuất phát từ một số nguyên nhân.

Trong đó, khi thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo luật định, những năm gần đây, các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, đã xây dựng đề án tuyển sinh với các phương thức xét tuyển khác nhau nhằm tạo nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh và góp phần nâng cao chất lượng nguồn tuyển. Vì vậy, năm 2021, có một số lượng nhất định thí sinh ảo (trúng tuyển nhưng không nhập học).

Để thực hiện đủ chỉ tiêu tuyển sinh, khi xác định điểm trúng tuyển, hội đồng tuyển sinh phải tăng hệ số gọi nhập học để trừ số thí sinh ảo cho phù hợp. Hệ số này được xác định dựa trên phân tích số liệu tuyển sinh của các năm trước gần kề, trong đó có số liệu về tỉ lệ số lượng thí sinh nhập học thực tế so với số lượng trúng tuyển. Tỉ lệ này thường thay đổi qua từng năm nên có độ sai lệch nhất định, dẫn đến số thí sinh nhập học cao hơn chỉ tiêu được giao năm 2021.

Bên cạnh đó, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên số lượng thí sinh đi du học, nhập học ở các trường tại môt số địa phương khác như Hà Nội, Tp.HCM giảm, dẫn đến số thí sinh nhập học Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng trong năm qua cũng vì thế tăng lên đột biến.

PGS.TS Lê Thành Bắc cho biết, do có một số chính sách mới, cụ thể là Nghị định 116/2020 về ưu tiên cho sinh viên ngành sư phạm, nên số lượng thí sinh lựa chọn ngành học này tăng so với các năm trước. Vì vậy, với mức trên 3% vượt chỉ tiêu cho phép thì các trường sẽ rất khó thực hiện đúng được vì tỉ lệ ảo rất cao.

Trước đó, thông báo vào ngày 20/6, Bộ GD&ĐT tước quyền tự xác định chỉ tiêu trong thời gian 5 năm với Trường Đại học Nông lâm Tp.HCM và Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng).

Theo Bộ GD&ĐT, trước đó, vào tháng 9/2022, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) và Trường Đại học Nông lâm Tp.HCM đều đã bị xử phạt hành chính vì có hành vi vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể là hành vi tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Từ sai phạm này, Bộ GD&ĐT yêu cầu Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 2/4/2023. Còn Trường Đại học Nông lâm TPHCM không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 30/3/2023.

Trong thời gian này, Bộ GD&ĐT sẽ xác định và thông báo chỉ tiêu tuyến sinh cho cơ sở đào tạo theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục Đại học và khoản 5 Điều 4 Thông tư 03.

Tác giả: Nguyễn Thành Nhân

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP