Đầu năm 2019, tôi có trò chuyện về bóng đá Việt Nam với bầu Đức. Ông chủ CLB HAGL tâm sự là người làm bóng đá cần có sự tâm huyết và sự tử tế. Nếu không có tâm huyết thì không thể làm tốt, còn tử tế là cố gắng đóng góp cho bóng đá nước nhà, đặt cái chung lên trên cái riêng.
Bầu Đức cho rằng bóng đá chuyên nghiệp thì điều đầu tiên là cần có tiền, trong đó phải có sự chung sức của nhiều người. Bây giờ bóng đá Việt Nam đang thăng hoa nhưng không dễ tìm ra những người tâm huyết để đóng góp cho bóng đá. Điển hình như các nhà tài trợ đến với bóng đá còn rất ít, quá thấp so với các nền bóng đá phát triển. Thế nên, ai đến với CLB HAGL, hay bóng đá Việt Nam thì đều cần có sự trân trọng dù chia ly hay gắn bó lâu dài.
Đó cũng là lý do CLB HAGL có một căn phòng truyền thống trưng bày nhiều thứ về CLB, nhằm ghi lại mỗi bước chân đi qua cùng bóng đá Việt Nam. Ở đó, một góc lớn có trưng bày một chiếc tủ dài để hình các áo đấu CLB HAGL theo từng mùa giải. Đây là cách CLB HAGL trân trọng các nhà tài trợ đã đến với CLB, giống như một lời cảm ơn và ghi lại như một phần lịch sử đội bóng.
Bầu Đức, bầu Nguyễn Thị Thu Phương và HLV Park Hang Seo. |
CLB HAGL cũng là số hiếm trong các đội bóng Việt Nam có cách nghĩ khác biệt. Đội bóng của bầu Đức chia tay nhà tài chính là VPMilk sau 2 năm gắn bó. Nhưng một hành động đáng để suy ngẫm là CLB HAGL tổ chức một buổi chia tay để cảm ơn nhà tài trợ trong sự chứng kiến của báo chí.
Bà Nguyễn Thị Thu Phương- CEO VPMilk có một cuộc gặp kỳ lạ với bầu Đức để bắt đầu mối nhân duyên cùng CLB HAGL, sau đó là tuyển Việt Nam. Bà Phương đi taxi từ Đà Nẵng lên Gia Lai trong đêm để có thể gặp bầu Đức vào hôm sau.
Chuyến xe đêm này được Giám đốc điều hành CLB HAGL tâm sự là rất đặc biệt. Một mình bà Phương đi trong đêm và không dám ngủ nên thức đến tận 4 giờ sáng khi tới Gia Lai. Sáng hôm đó, bàu Phương nói chuyện với bầu Đức xong thì “chốt” là đội bóng phố Núi muốn ký tài trợ mấy năm cũng được.
Hai năm gắn bó với CLB HAGL được xem là mối nhân duyên đặc biệt của người phụ nữ kỳ lạ này. Từ tiền tài trợ đến việc lo dinh dưỡng, xây dựng lại khu uống cho cầu thủ, thậm chí tìm cách tẩm bổ để cầu thủ HAGL khắc phục điểm yếu thể lực.
Cả hai đến với nhau một cách đặc biệt và chia ly trong sự tươi cười, cùng bó hoa tươi thắm được ông Tấn Anh trao cho bà Thu Phương. Thiết nghĩ đó là sự tử tế của những người làm bóng đá và muốn cống hiến cho bóng đá.
Nhưng một đội bóng muốn có được mối nhân duyên đặc biệt như thế thì cần phải có cách làm tử tế và tâm huyết. Bầu Đức trong suốt gần 20 năm gắn bó với bóng đá là một ví dụ thiết thực. Ông chủ CLB HAGL rời VFF để lại một câu chuyện lịch sử là mời HLV Park Hang Seo cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam, tự bỏ tiền túi để trả lương cho HLV Park mỗi tháng gần 700 triệu đồng.
Trước đó, bầu Đức mở Học viện bóng đá để phát triển bóng đá trẻ. Tiêu chí đầu tiên là sự tử tế. Các cầu thủ phải đá vì người hâm mộ, ứng xử có văn hóa, nếu ai đá láo thì đuổi ngay. Gốc rễ của sự giáo dục để tạo ra ý thức cho một lứa cầu thủ của bầu Đức nếu nhìn rộng ra sự thành công của bóng đá Việt Nam, là một sự ảnh hưởng rất lớn để tạo nên một tập thể cầu thủ đoàn kết, vì màu cờ sắc áo.
Bầu Đức luôn quan niệm làm bóng đá phải tử tế. |
Quang Hải đá quả phạt ở U23 châu Á thì nhiều cầu thủ cào tuyết cho đá. Xuân Trường cầm áo ấm ra cho nhiều cầu thủ chống rét. Công Phượng động viên Duy Mạnh sau bàn thua tước Iraq. Nhiều cầu thủ tự tin trả lời bằng tiếng Anh trước báo chí nước ngoài… Thực sự có quá nhiều sự thay đổi trong tư tưởng của các thủ để mang đến thành công cho bóng đá Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng, nếu lãnh đạo đội bóng hay nhà tài trợ nào cũng đặt sự tử tế và tâm huyết lên hàng đầu thì bóng đá Việt Nam sẽ phát triển, vươn xa hơn nữa trong tương lai. Mỗi người cùng chung tay đóng góp thì sẽ tạo nên sức mạnh cho cả một nền bóng đá phát triển. Vì ý thức làm tử tế, tâm huyết, chơi theo kiểu gìn giữ và phát triển sẽ tạo nên kết quả.
Tác giả: Văn Nhân
Nguồn tin: saostar.vn