Tháng 3/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ra quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về việc, ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Mục tiêu phấn đấu trong năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (TBXH), Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố và công an tỉnh, thành phố trở lên.
Theo đó, Nghệ An là địa phương có số lượng người tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) rất đông đảo với hơn 4,8 vạn qua các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc và các công trình xây dựng đất nước, gần 570 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Tuy nhiên, đến nay, số cựu TNXP chưa được giải quyết vẫn còn nhiều. Thực hiện Quyết định 408 của Bộ LĐ-TBXH, các địa phương thuộc tỉnh Nghệ An đã xác lập 820 bộ hồ sơ gửi về Sở LĐTBXH tỉnh này để xem xét.
Sau 3 năm, 820 cựu TNXP Nghệ An vẫn chưa được giải quyết chế độ. |
Bà Phạm Thị Minh Phòng - Phó Chủ tịch thường trực Hội cựu TNXP tỉnh Nghệ An cho biết: “Trong số 820 bộ hồ sơ, đã có 400 bộ bổ sung được hồ sơ, trình lên Sở LĐTBXH, hơn 100 bộ chuyển sang làm chế độ thương binh theo Thông tư 28, còn lại không đủ điều kiện”.
“Khó khăn, bấp cập nhất hiện nay là do điều kiện công tác trong chiến tranh và thời gian đã quá lâu, các cựu TNXP không còn lưu giữ được giấy tờ gốc chứng minh bị thương. Có trường hợp vết thương thực thể thì có, nhưng hồ sơ không chứng minh được. Nhiều người đợi quá lâu, đến khi qua đời cũng chưa được giải quyết chế độ”, bà Phòng nói thêm.
Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực Hội cựu TNXP Nghệ An, Hội đã đề nghị sửa đổi Nghị định 31/2013 và Thông tư liên tịch 28/2013 theo hướng, nếu đối tượng có hồ sơ lý lịch là có thể xem xét giải quyết chế độ, chứ yêu cầu giấy chứng nhận bị thương thì không thể đáp ứng được, do đã quá lâu, thiên tai, hỏa hoạn. Năm 2011, đoàn công tác của Trung ương Hội TNXP, Bộ Nội vụ, Bộ LĐTBXH… kiểm tra 25 người đề nghị hưởng chế độ thương binh ở huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn. Cả 25 người đều có vết thương thực tế, nhưng từ đó đến nay không có ai được giải quyết chế độ.
Trao đổi về vấn đề này, bà Hồ Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Nghệ An cho hay, sau khi tiếp nhận và xem xét, sở đã chuyển trả về cho các địa phương để bổ sung, nếu đủ điều kiện sẽ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương, giám định thương tật.
Được biết, Nghệ An đang tiếp tục giải quyết chế độ cho các cựu TNXP theo Quyết định 408. Vướng mắc trong việc, nhiều người không còn lưu giữ được hồ sơ, giấy tờ gốc, người đồng đội làm chứng cũng không có hồ sơ, Sở LĐTBXH Nghệ An đã kiến nghị lên Bộ LĐTBXH nhưng chưa được giải quyết.
Tác giả: CẢNH HUỆ
Nguồn tin: Báo Tiền phong