Kinh tế

“Bão giá” thịt lợn, bà nội trợ sốc vì bỏ cả trăm nghìn chỉ được "nhúm thịt" đem về

Thịt lợn đang tăng giá chóng mặt khiến rất nhiều bà nội trợ lâm vào tình cảnh “không biết mua gì khi ra chợ”. Có người tưởng bị người bán hàng "cân điêu" vì được quá ít thịt so với mọi khi.

Vài chục ngàn được “một nhúm thịt”

Nếu như trước kia, thịt lợn được coi là thực phẩm rẻ nhất trong các loại mặt hàng ở chợ thì giờ đây đã được liệt vào mặt hàng đắt đỏ. “Bữa cơm có thịt” trở thành câu chuyện khiến các bà nội trợ vô cùng “hại não”.

Chị Đỗ Thị Minh (Q. Hà Đông, Hà Nội) cho biết chị tưởng người bán “cân điêu” khi ra chợ mua 70.000 đồng thịt lợn.

“Có hôm đi mua thịt, nói tiền cho người ta cắt xong đi mua rau một vòng, quay lại nhìn túi thịt mà giật mình vì tưởng cân điêu.

Bởi mọi khi vẫn chừng đó tiền, cả nhà ăn được hai bữa. Còn bây giờ chỉ được vỏn vẹn đĩa thịt, bằng một nửa so với trước kia mà cả nhà ai cũng thích ăn thịt lợn.

Thịt đắt đỏ nên phải chuyển sang hải sản, thịt bò, trứng. Chỉ lo Tết này giá thịt lợn đắt cũng kéo theo các mặt hàng thực phẩm khác lên giá”, chị Minh bày tỏ.

Chia sẻ với PV Phụ nữ Sức khỏe, chị Nguyễn Thị Hằng, chủ một quầy thịt lợn tại chợ Vạn Phúc, Q. Hà Đông, Hà Nội cho hay những ngày này, giá cả thịt lợn tăng chóng mặt đã khiến sức mua đã giảm rõ rệt.

Cụ thể thịt ba chỉ giá bán lẻ 140.000 đồng/ kg, chân giò 130.000 đồng/ kg, xương lên 140.000 đồng/kg. Ngay cả mỡ lợn cũng có giá 70.000 đồng/ kg.

Thịt lợn tăng lên vài chục ngàn mỗi cân, ai cũng ngại đắt, chuyển sang thực phẩm khác nên chị Hằng cũng không dám nhập nhiều hàng vì sợ…ế!

Chủ quầy hàng thịt lợn không dám nhập nhiều vì sức mua giảm sút. Ảnh: Thu Hà

Chủ hàng ăn “khóc ròng”

Giá thịt lợn “leo thang” cũng đang khiến cho các chủ quán ăn méo mặt tính toán chi phí. Chị Hoài Anh, chủ một tiệm đồ ăn vặt tại Đông Anh, Hà Nội đã phải xin lỗi khách vì miếng thịt thái mỏng đi trong khẩu phần ăn.

“Thực sự sốc khi ra chợ mua thịt lợn về làm hàng. Vẫn bằng chừng đó tiền nhưng chỉ được một nửa số thịt, trong khi giá đồ ăn đã niêm yết, nếu tăng giá thì rất khó bán hàng. Đành tính toán lại thực đơn, mong khách thông cảm chứ không biết phải làm sao nữa”, chị Hoài Anh than thở.

Thịt lợn - thực phẩm chính trong bữa ăn tăng giá kéo theo bao nhiêu mối lo của các tiểu thương và người tiêu dùng. Ảnh: Thu Hà

Chị Bùi Thu Huyền, chủ một shop online chuyên bán giò chả tại Q. Đống Đa, Hà Nội cho hay gia đình chị nhận làm giò chả cho người quen cũng đang trong tình trạng “cầm cự”.

“Khách quen, mọi người tín nhiệm nên không thể tăng giá. Chưa biết Tết này có tiếp tục làm giò chả ăn Tết không nữa vì càng gần Tết giá thực phẩm càng lên cao”, chị Huyền bộc bạch.

Cũng trong tình trạng như thế, anh Đào Văn Long, chủ một quán cơm bình dân tại Q. Hà Đông, Hà Nội buồn rầu cho hay hai tháng nay, vợ chồng anh gần như không có lãi vì giá thịt lợn tăng quá cao.

Bởi giá thịt lợn tăng sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều món ăn khách ưa thích đầu bảng tại quán như chả, thịt kho, thịt luộc…

Giá mỗi suất cơm bình dân dao động từ 25 – 30.000 đồng, khách chủ yếu là công nhân, người lao động. Tăng giá sẽ không thể bán được hàng nên buộc phải thay thế bằng các món ăn từ gà, cá. Tuy nhiên, giá các thực phẩm này cũng đang có dấu hiệu tăng “té nước theo mưa” khiến việc duy trì quán cơm là vô cùng khó khăn.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,96% so với tháng trước, chủ yếu do giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng caođây là mức tăng cao nhất trong 9 năm gần đây. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung thịt lợn giảm làm giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao.

Theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 19/11/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.505 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số lợn tiêu hủy gần 5,9 triệu con, tương đương với tổng trọng lượng 337,9 nghìn tấn.

Đến nay, mặc dù dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương đã được kiểm soát, một số địa phương đã công bố hết dịch nhưng việc tái đàn diễn ra chậm. Nguyên nhân do tâm lý của người sản xuất còn e ngại nguy cơ tái phát dịch bệnh. Nguồn cung giảm là nguyên nhân chính khiến giá thịt lợn hơi trong tháng tăng cao.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP