Bão Doksuri ngày 15/9 đã đổ bộ trực tiếp vào Hà Tĩnh - Quảng Bình và chỉ "sượt qua" Thanh Hóa, nhưng Văn phòng thường trực chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa báo cáo con số thiệt hại rất lớn. Số liệu thống kê này đã phải điều chỉnh nhiều lần sau đó.
Một khu nhà công vụ trên bờ biển Sầm Sơn bị sóng đánh sập trong bão Doksuri. Ảnh: Lê Hoàng. |
Cụ thể, theo báo cáo nhanh số 136 của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến chiều 16/9, bão Doksuri khiến địa phương này có hai người chết, hơn 400 ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng, hơn 1.800 ha lúa bị ngập, hơn 3.000 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại…; ước tính tổng thiệt hại 1.000 tỷ đồng.
Huyện Hoằng Hóa là địa phương báo cáo thiệt hại nặng nhất. Ngày 16/9, huyện này thống kê thiệt hại 897 tỉ đồng, hai ngày sau nâng lên 937 tỷ đồng. Số liệu này bị dư luận phản ứng không chính xác và sau khi rà soát, ngày 21/9, Phó chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Nguyễn Đình Tuy báo cáo tụt xuống còn 640 tỷ đồng, thấp hơn 297 tỷ đồng so với trước.
"Nghe ngóng" để lập báo cáo thiệt hại.
Nhiều chủ đầm nuôi tôm ở các xã Hoằng Phụ, Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa cho biết, đến nay họ chưa gặp cán bộ thôn hay xã đến thống kê thiệt hại của người dân.
Nhiều chủ đầm tôm ở huyện Hoằng Hoá cho hay, cán bộ xã chưa hề đến khảo sát, thống kê thiệt hại. Ảnh: Lê Hoàng. |
“Họ chưa xuống đồng khảo sát thì làm sao biết hộ nào đang nuôi thả, hộ nào đã thu hoạch, hộ nào không nuôi… để thống kê thiệt hại”, một chủ đầm tôm ở Hoằng Phụ nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, “chúng tôi không thể đi hết được tất cả các hộ bị thiệt hại để thống kê xem người dân mất mát những gì, mà thống kê bằng cách nghe ngóng”. Ông Bình nói, nếu cánh đồng nuôi tôm nào bị thiệt hại thì xã lấy số liệu diện tích từ trước rồi tính trung bình để báo cáo.
Lý giải việc số liệu báo cáo thiệt hại có chênh lệch lớn, ông Nguyễn Đình Tuy - Phó chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, cho hay con số thiệt hại sụt giảm là do nhiều đồng nuôi tôm công nghiệp đã thu hoạch trước bão. “Khi các xã tổng hợp thiệt hại, họ nghĩ các đồng đang còn tôm nên cứ theo diện tích trên sổ sách để báo cáo”, ông Tuy nói.
“Dù báo cáo sai hay đúng thì cũng có được gì đâu, có được thì được cho dân thôi”, ông Tuy phân trần và thừa nhận, có tình trạng cán bộ “ngồi văn phòng để báo cáo”.
Chỉ ba ngày, huyện Hoằng Hoá báo cáo thiệt hại sau bão giảm gần 300 tỷ. Ảnh: Lê Hoàng. |
Ông Đặng Tiến Dũng - Phó chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, cho biết số liệu 1.000 tỷ đồng thiệt hại do bão Doksuri chỉ là ước tính ban đầu, chưa phải chính thức. Hiện số liệu thiệt hại của tỉnh Thanh Hoá đã giảm gần 300 tỷ đồng chỉ sau ba ngày, trong đó chủ yếu là do huyện Hoằng Hóa đã báo cáo lại con số thiệt hại giảm xuống 297 tỷ đồng.
Đến ngày 24/9, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có con số báo cáo chính thức về thiệt hại sau bão Doksuri. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền cho hay, đã yêu cầu các địa phương rút kinh nghiệm và báo cáo lại sao cho chính xác.
Tác giả: Lê Hoàng
Nguồn tin: Báo VnExpress