Thế giới

Bà Park Geun-hye có thể bị truy tố

Hai ngày sau khi bị Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc phế truất, bà Park Geun-hye hôm qua rời Phủ tổng thống về nhà riêng và chuẩn bị đối mặt khả năng bị truy tố và ngồi tù. Trong khi đó, nhiều chính trị gia kêu gọi sửa hiến pháp để không có thêm một tổng thống như bà Park.

Đám đông ủng hộ bà Park Geun-hye xung đột với cảnh sát chống bạo động gần Tòa án Hiến pháp ở Seoul ngày 10/3. Ảnh: Yonhap
Rời khỏi Nhà Xanh với một đoàn xe hơi và mô-tô hộ tống, bà Park Geun-hye chuyển về nhà riêng ở quận Gangnam, thủ đô Seoul, nơi hàng trăm người ủng hộ cầm cờ chờ đón bà. Đây không phải lần đầu tiên bà phải rời khỏi Phủ tổng thống mang phong cách kiến trúc truyền thống nằm tại chân đồi ở trung tâm Seoul. Lần đầu tiên là vào năm 1979, sau lễ tang cha bà, Tổng thống Park Chung-hee, sau khi ông bị ám sát.

Bà Park không xuất hiện tại tòa hôm thứ Sáu tuần qua. Hôm qua, bà tuyên bố, mình không có sai phạm khi đương chức, “sự thật chắc chắn sẽ được phơi bày”, Yonhap đưa tin. Bà cũng bày tỏ lòng biết ơn với những người ủng hộ mình và xin lỗi đã không hoàn thành nghĩa vụ của một tổng thống. Giờ đây, khi đã mất quyền miễn trừ tổng thống, bà Park có thể đối mặt một số tội danh hình sự, gồm hối lộ, tống tiền và lạm quyền liên quan những cáo buộc thông đồng với người bạn Choi Soon-sil.

Cuối tuần qua, hàng ngàn người phản đối bà Park xuống đường ăn mừng và đòi phải bắt giữ bà. Những người ủng hộ cựu tổng thống cũng xuống đường cách đó không xa, nhưng với số lượng ít hơn. Cảnh sát được triển khai, nhưng các vụ tuần hành không dẫn tới rắc rối nào.

Văn hóa thứ bậc

Trong khi đó, nhiều chính trị gia Hàn Quốc muốn bảo đảm rằng, nước này sẽ không bao giờ có thêm một tổng thống nào như bà Park Geun-hye bằng cách viết lại bản hiến pháp đã được áp dụng 3 thập kỷ qua ở Hàn Quốc và được coi như biểu tượng quý giá cho sự chuyển đổi từ chế độ độc tài sang nền dân chủ.

Nhiều chính trị gia, trong đó có cả những người bảo thủ, cho rằng, người dân Hàn Quốc nên đi bỏ phiếu về việc soạn thảo một bản hiến pháp mới, chứ không chỉ là việc bầu một tổng thống mới vào đầu tháng 5 tới. Những người này cho rằng, việc bà Park bị phế truất theo cách như vậy cho thấy hiến pháp đặt quá nhiều quyền lực vào tay tổng thống nên dễ bị lạm quyền và khó bị giám sát. Đề xuất của họ về một bản hiến pháp mới dựa trên nguyên tắc chia sẻ quyền lực, theo đó tổng thống chủ yếu xử lý các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia, còn thủ tướng do quốc hội bầu ra sẽ xử lý các vấn đề trong nước.

Điều trớ trêu là những lời kêu gọi sửa đổi hiến pháp xuất hiện sau nhiều nỗ lực lịch sử nhằm bảo vệ nó. Các nghị sĩ bỏ phiếu vào tháng 12 năm ngoái để luận tội bà Park dựa trên lý lẽ rằng bà “vi phạm nghiêm trọng” hiến pháp được áp dụng từ năm 1987, sau khi chính phủ Chun Doo-hwan đối mặt đợt biểu tình ồ ạt kéo dài vài tháng và đã chấp nhận yêu cầu tổ chức bầu cử tổng thống. Cuộc tranh luận lần này cũng nêu ra một câu hỏi cơ bản đối với người Hàn Quốc sau khi những bê bối liên quan bà Park: Liệu có phải do hệ thống nhiều lỗ hổng đã giúp bà Park lạm quyền hay do văn hóa quen đối xử với các nguyên thủ qua bầu cử giống như những ông vua bà chúa?

Tương lai sửa đổi hiến pháp trở thành một chủ đề chính trị lớn sau khi Tòa án Hiến pháp phế truất bà Park và khởi động cuộc chạy đua tổng thống trong 2 tháng. Ông Kweon Seong Dong, nghị sĩ thuộc đảng bảo thủ Bareun và là công tố trưởng trong phiên tòa xét xử bà Park, nêu quan điểm ngay sau khi tòa đưa ra phán quyết: “Chúng ta cần sửa hiến pháp dựa trên nguyên tắc chia sẻ quyền lực. Quyền lực tuyệt đối hoàn toàn tha hóa”, ông Kweon nói.

Kêu gọi sửa hiến pháp

Những người kêu gọi sửa đổi hiến pháp cho rằng, việc bà Park bị luận tội là bằng chứng cho thấy hiến pháp có lỗ hổng. Trong phe này có ông Ahn Chang-ho, một trong những thẩm phán của Tòa án Hiến pháp. Trong ý kiến bổ sung vào phán quyết đối với bà Park, ông Ahn ghi rằng, hiến pháp tạo ra một “tổng thống hoàng triều”, gây ra “những tập quán chính trị xấu” như lạm quyền và mối quan hệ tha hóa với các tập đoàn kinh tế lớn khi họ có truyền thống hối lộ các chính trị gia để đổi lấy biệt đãi. Ông Ahn nói rằng, tổng thống có quá nhiều quyền trong việc bổ nhiệm các quan chức chính phủ, ban hành sắc lệnh và chính sách, lên kế hoạch chi tiêu ngân sách và những quyền khác, khiến các nghị sĩ khó giám sát trong suốt nhiệm kỳ 5 năm. “Đất nước chúng ta có hệ thống đại diện mà người thắng sau một cuộc bầu cử, dù chỉ hơn 1 phiếu, cũng giành được quyền lực chính trị giống như vua, còn những ai không thắng sẽ bị phớt lờ”, ông Ahn viết.

Việc thay đổi hiến pháp sẽ cần 2/3 trong số 300 nghị sĩ ủng hộ và sau đó phải trải qua một cuộc trưng cầu ý dân. Ông Moon Jae-in, ứng viên tiềm năng nhất cho vị trí tổng thống tiếp theo, nói rằng, ông sẵn sàng thảo luận về việc sửa đổi hiến pháp, nhưng phản đối thực hiện điều này đồng thời với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Ông Moon cho rằng, 2 tháng là quá ngắn để viết lại hiến pháp vì văn kiện này không chỉ đề ra những nguyên tắc cơ bản về quyền lực và quản trị mà còn xác định các quyền cơ bản của công dân.

Tuy nhiên, những ý kiến khác cho rằng, câu chuyện của bà Park không nói lên nhiều lỗ hổng hiến pháp mà cho thấy nền văn hóa thứ bậc cứng nhắc trong xã hội Hàn Quốc, trong đó người dân cảm thấy cực kỳ khó khăn khi không nghe theo ý kiến từ trên, ngay cả khi những chỉ dẫn đó không phù hợp hoặc trái luật. “Kiểu tổng thống giống như vua ở Hàn Quốc không phải do luật, mà do phong tục và văn hóa”, GS Park Won-ho ở ĐH Quốc gia Seoul nhận định. “Bí mật vì sao tổng thống của chúng ta có thể ảnh hưởng đến quá nhiều thứ, kể cả việc bổ nhiệm hiệu trưởng các trường đại học công hay nhân sự của các công ty tư nhân, có thể xuất phát từ nền văn hóa coi quyền lực của tổng thống là sức mạnh vĩ đại”, AP dẫn ý kiến GS Park.

Tác giả bài viết: Trúc Quỳnh (tổng hợp)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP