Tác giả bài viết: Ngọc Minh
Lễ hội phồn thực Linh tinh tình phộc tôn vinh bộ phận sinh sản và hòa hợp âm dương ở Phú Thọ có từ lâu đời, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy có phần lạ lẫm. Thực ra, trên thế giới cũng có nhiều lễ hội có ý nghĩa tương tự, dưới nhiều hình thức khác nhau. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu các lễ hội phồn thực độc đáo nhất thế giới qua loạt bài này.
Khắc họa sinh thực khí nữ trong ngôi đền thờ ở Ấn Độ
Tọa lạc trên một ngôi đền ở tỉnh Guwahati, Kamakhya là ngôi đền thuộc phái Mật Tông (kết hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo). Ngoài nữ thần Kamakhya, quần thể ngôi đền còn thờ 10 vị thần khác. Điều đặc biệt là ở đây không hề có một bức tượng hay hình ảnh nào của nữ thần. Chỉ có một Yoni (sinh thực khí nữ) của thần được khắc trong góc của hang động trong ngôi đền, là vật thờ duy nhất.
Ngôi đền này có nguồn gốc khá thú vị. Chuyện kể rằng một lần nàng Sati cãi nhau với người chồng Shiva để được đến dự lễ cúng tế của cha mình. Mặc dù thần Shiva không đồng ý, Sati vẫn cứ đi. Tại buổi lễ, cha của Sati là Daksha đã sỉ nhục chồng nàng. Sati rất giận dữ và trong lúc cảm thấy mất mặt, nàng đã nhảy vào lửa tự vẫn. Khi Shiva đến và biết người vợ yêu của mình đã tự vẫn, ông phát điên vì giận dữ. Ông đặt thi thể của Sati lên vai và nhảy điệu hủy diệt.
Nhằm giúp Shiva nguôi giận, thần Vishnu đã cắt thi thể của Sati ra làm 108 mảnh. Nơi những mảnh thi thể rơi xuống được gọi là Shakti. Ngôi đền Kamakhya được dựng ở nơi tử cung và bộ phận sinh dục của Sati rơi xuống.
Quần thể ngôi đền Kamakhya
Theo truyền thuyết, Thần tình yêu Kamadeva mất khả năng "yêu" vì bị nguyền rủa. Ông tìm kiếm tử cung và bộ phận sinh sản của Sati để được giải thoát khỏi lời nguyền đó. Đây chính là nơi thần tình yêu tìm được năng lực của mình, vì thế nữ thần ‘Kamakhya’ được khắc và thờ ở đây. Nhiều người cũng tin rằng ngôi đền Kamakhya chính là nơi thần Shiva và nữ thần Sati làm "chuyện ấy". Từ mang nghĩa "làm tình" trong tiếng Sankrit là “kama", vì thế nơi này được đặt tên là Kamakhya.
Lịch sử sơ khai của ngôi đền ít được biết đến, những tài liệu sớm nhất về nơi này được khắc trên những bản khắc Allahabad của Hoàng đế Samudragupta. Ngôi đền ngày nay được xây dựng năm 1665 bởi Vua Naranarayan xứ Cooch Bahar. Ngôi đền chính có 7 mái vòm, mỗi mái vòm đều có 3 chóp bằng vàng nguyên chất.
Tượng nữ thần Kamakhya trong ngôi đền
Người hành hương phải xếp hàng ở cửa ngoài, từ đó họ sẽ đi từ từ vào chính điện mờ tối. Những hình ảnh của nữ thần và những vị thần khác được khắc trên tường. Những người hành hương theo một lối đi hẹp vào bên trong. Một cầu thang nhỏ dẫn tới một ao ngầm nhỏ. Người hành hương quỳ xuống bờ ao và cầu khấn. Từ đây họ có thể nhìn thấy biểu tượng Yoni được che bằng một miếng vải đỏ.
Ngày thường, ngôi đền mở cửa từ 8 giờ sáng tới lúc mặt trời lặn, với một quãng nghỉ trưa ngắn.
Nữ thần Kamakhya còn được gọi là "nữ thần chảy máu". Tử cung và bộ phận sinh sản của Sati được đặt ở nơi tôn nghiêm nhất của ngôi đền. Vào khoảng tháng 6, nữ thần sẽ "có kinh". Thời gian này, dòng sông Brahmaputra gần ngôi đền sẽ chuyển sang màu đỏ. Ngôi đền sẽ được đóng của trong 3 ngày và "nước thánh" được chia cho những người sùng kính nữ thần nhất.
Không có cơ sở khoa học nào chứng minh "máu" của nữ thần nhuộm đỏ dòng sông. Tuy nhiên, hành kinh là một biểu tượng của khả năng sáng tạo và năng lực sinh sản của phụ nữ. Vì thế, ngôi đền Kamakhya ca tụng việc hành kinh, hay thiên chức sinh sản của mọi người phụ nữ.