Kinh tế

Kiểm tra Formosa: Đụng đâu sai đó

Gần 20.000 hóa đơn không đúng quy định, giấy tờ chứng minh nhập khẩu chưa đầy đủ, khai khống giá trị hàng hóa nhập khẩu… là những sai phạm của Formosa trong những lần kiểm tra ba năm trở lại đây.

Ba tháng đầu năm 2016, Formosa xả 931.830m3 nước thải ra biển - Ảnh tư liệu

Kết quả kiểm tra là cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn hơn 1.900 tỉ đồng tiền hoàn thuế Formosa.

Theo thông tin từ cơ quan thuế Hà Tĩnh, từ năm 2013 đến nay, cứ kiểm tra thuế, hải quan tại Công ty Formosa là phát hiện sai phạm.

Cụ thể, đợt kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) mới đây nhất là vào cuối tháng 2 năm nay, cơ quan thuế phát hiện 19.497 hóa đơn của Formosa đưa vào khấu trừ và hoàn thuế không đúng quy định. Do đó, công ty này đã bị thu hồi 1.554,4 tỉ đồng.

Đợt kiểm tra sau hoàn thuế GTGT các kỳ từ tháng 8 đến tháng 12-2013, cơ quan thuế đã truy thu 176,3 tỉ đồng thuế nhà thầu nước ngoài do hợp đồng nhập khẩu kèm theo dịch vụ chưa được kê khai đầy đủ. Đồng thời, Formosa còn bị truy hoàn 7,6 tỉ đồng thuế GTGT do tại thời điểm kiểm tra, công ty không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

Kết quả kiểm tra hoàn thuế trong tháng 5-2015, cơ quan thuế cũng đã phát hiện Formosa nâng giá trị công trình thông qua các nhà thầu nước ngoài và nâng giá trị hàng hóa nhập khẩu thi công công trình.

Theo đó, cơ quan thuế đề nghị Formosa giảm giá trị công trình hơn 4.000 tỉ đồng và thu hồi số tiền thuế đã hoàn 225 tỉ đồng.

Chính vì một loạt sai phạm như trên nên chính sách hoàn thuế đối với Formosa được siết lại, thay vì hoàn trước - kiểm sau, từ năm 2013 cơ quan thuế phải thực hiện kiểm tra trước - hoàn thuế.

Ngoài sai phạm về thuế, Công ty Formosa còn sai phạm về hải quan. Theo báo cáo của Cục Hải quan Hà Tĩnh, Formosa đã khai báo không trung thực về trị giá thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định.

Cụ thể, công ty này có tiền lệ nâng khống giá thiết bị nhập khẩu khiến trị giá hóa đơn của DN xuất nhập khẩu tại chỗ thấp hơn so với trị giá hóa đơn của nhà thầu nước ngoài phát hành lên hơn 4 lần, chênh lệch tới 1,071 triệu USD.

Chi cục Hải quan Vũng Áng phát hiện và yêu cầu DN cung cấp hồ sơ, chứng từ giải trình. Tuy nhiên, Formosa đề nghị hủy tờ khai của nhà thầu nước ngoài để thuê DN khác mở tờ khai mới, có giá trị hàng hóa là 470.690 USD, thấp hơn so với trị giá hóa đơn nhà thầu nước ngoài là gần 950.000 USD).

“Mục đích của Formosa khi nâng khống giá trị thiết bị đầu tư công trình là để khấu hao. Như vậy, DN sẽ lỗ liên miên, không phải nộp thuế thu nhập DN. Đây là một cách trốn thuế, thực tế là DN lỗ giả mà lãi thật” - đại diện cơ quan thuế khẳng định.

Mặt khác, theo thanh tra Tổng cục Thuế, nhìn vào giấy phép đầu tư của công ty này cho thấy có gì không bình thường. Chỉ trong 8 năm có mặt ở VN, Formosa thay đổi giấy chứng nhận đầu tư đến 14 lần. Nhưng số vốn đầu tư tăng lên rất nhanh, từ 2,7 tỉ USD khi đặt chân vào VN năm 2008, sau đó 2 năm thì tăng lên hơn 7,8 tỉ USD, và đến giữa năm 2015 tăng lên trên 10,5 tỉ USD.

Việc điều chỉnh giá trị vốn đầu tư đặt ra nghi vấn là Formosa có thể điều chỉnh giá trị thật, nhưng cũng có thể điều chỉnh một phần qua việc tự nâng khống giá trị công trình lên thông qua các nhà thầu nước ngoài?

Vốn đầu tư liên tục biến động:

- Giấy chứng nhận đầu tư cấp lần đầu tháng 6-2008 có 6 thành viên góp vốn với tổng mức đầu tư là 2,7 tỉ USD.

- Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 3 ngày 29-3-2010 có 7 thành viên góp vốn với tổng vốn đầu tư là 7,879 tỉ USD.

- Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 6 ngày 27-12-2012 có 8 thành viên góp vốn với tổng vốn đầu tư là 9,996 tỉ USD.

- Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 12 ngày 20-4-2015 chuyển thành công ty TNHH một thành viên góp vốn là Công ty Formosa Ha Tinh Limited với tổng vốn đầu tư là 9,996 tỉ USD.

- Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ 14 ngày 30-6-2015 một thành viên góp vốn là Công ty P Formosa Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư là 10,548 tỉ USD.

Tác giả bài viết: LÊ THANH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP