Trong nước

40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Xanh lại 'Lò vôi thế kỷ'

Những cái tên đi vào huyền thoại như “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn”, “Lò vôi thế kỉ”, “Ngã ba cửa tử”… trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 – 1989) tại mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang đã dần được thay bằng màu xanh của nương rẫy, của cuộc sống hòa bình.

Đi dọc còn đường Hà Giang – Thảnh Thủy, đến các khu vực trận địa khi xưa của chiến trường Vị Xuyên khốc liệt, nhiều điểm cao được mệnh “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn”, “Lò vôi thế kỉ”, “Ngã ba cửa tử” vì sự khốc liệt của chiến tranh khi xưa đã được phủ xanh bởi cây cối. Nhiều hố bom đã được san bằng thành những mảnh ruộng xanh tốt. Cuộc sống dần hồi sinh trên mảnh đất biên cương còn nhiều khó khăn này.

Bà Bồn Thị Ngòa, thôn Nam Giang, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, cho biết: Mặc dù đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào làm nương hoặc làm nghề phụ… nhưng kinh tế gia đình cũng dần thay đổi, nhà đã có tivi, có xe máy để đi chợ; đã có một chút tích lũy để con cái được ăn uống đầy đủ, được học hành….

Bà Lý Thị Chiu, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Thủy, cho biết: Chiến tranh biên giới kết thúc, cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã tích cực bắt tay ngay vào lao động, sản xuất khôi phục kinh tế, ổn định đời sống để vững vàng bám đất, bám biên, bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Mặc dù đời sống kinh tế hộ gia đình ở đây đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Hiện cả xã vẫn còn hơn 100 hộ thuộc diện hộ nghèo. Hội viên trong toàn xã có 361 người. Phần lớn chị em sống dựa vào nông nghiệp hoặc làm thuê, thu nhập chưa cao.

Phụ nữ xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên tích cực chăn nuôi, sản xuất, xây dựng đời sống vùng biên cương ấm no hơn

Bà Chiu cho biết: Địa bàn giáp biên giới, có cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, nên nhiệm vụ vận động chị em phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên là rất quan trọng. Hội LHPN xã thường xuyên phối hợp với đơn vị Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn mở các đợt tuyên truyền cho hội viên về luật pháp liên quan tới biên giới, lãnh thổ; nâng cao hiểu biết và ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân cùng góp sức bảo vệ từng tấc đất biên cương.

Trong xã đã thành lập được 2 tổ phụ nữ tự quản vùng biên, tập hợp các hội viên có nhà nằm trong khu vực giáp biên như khu vực Nặm Ngặt, khu vực cửa khẩu. Theo bà Chiu, mỗi chị em trong tổ tự quản này sống tại khu vực giám ranh được ví như “người gác biên”, kịp thời nắm bắt tình hình an ninh trật tự nơi đường biên giới.

Bà Lý Thị Chiu cho biết thêm, để chị em phụ nữ vững vàng bám đất, bám làng, góp sức bảo vệ biên cương, rất cần hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, thoát nghèo, có cuộc sống ấm no hơn. Nhiều năm qua, Hội LHPN xã đã phối hợp, hỗ trợ để phụ nữ nghèo thuận lợi hơn nữa trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư thâm canh, sản xuất chăn nuôi. Đến nay, hơn 90% hội viên trong xã đã được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Biên giới có vị trí chiến lược quan trọng, là “tuyến đầu”, “cửa ngõ”, là “phên dậu” của quốc gia. Mỗi người dân sinh sống tại khu vực biên giới được ví như người bảo vệ biên cương, bám đất, giữ làng. Tuy vậy, theo thống kê, cả nước hiện có 435 xã biên giới đất liền, trong đó vẫn có tới 267 xã đặc biệt khó khăn. Những xã này có điều kiện khí hậu, địa hình rất khắc nghiệt, khó khăn để phát triển kinh tế, rất cần sự chung tay, hỗ trợ người dân nơi đây, đặc biệt là phụ nữ phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no hơn, vững vàng bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

Bộ đội biên phòng cùng phụ nữ dân tộc tỉnh Hà Giang chuẩn bị Tết trong chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương tại xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc - Hà Giang

Tháng 3/2018, TƯ Hội LHPNVN và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức Lễ ra quân “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 – 2020 (tại Lạng Sơn). Sau một năm thực hiện, đến nay 110 xã biên giới đặc biệt khó khăn trên cả nước được hỗ trợ (vượt 20 xã so với kế hoạch); 110/110 xã nhận được các hỗ trợ cơ sở vật chất, nhu cầu thiết yếu cho hội viên, phụ nữ, đã có 90 xã được nhận tủ sách nâng cao kiến thức cho phụ nữ.

Năm 2018, chương trình đã huy động các nguồn lực hỗ trợ đạt trên 37 tỉ đồng, đã có 77 xã được nhận hỗ trợ mô hình sinh kế từ các nguồn lực xã hội hóa của chương trình, 100% Chủ tịch Hội LHPN xã biên giới trong chương trình được tập huấn…

Tại chương trình “Xuân đoàn kết - Tết biên cương” ở huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị, TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và tỉnh Quảng Trị tổ chức vừa qua, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Chương trình thực hiện đúng mục tiêu phát triển xã hội của Đảng, Nhà nước, trúng nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ vùng biên cương; tạo hứng khởi lôi cuốn đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực trong xóa đói giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước vùng biên cương, tạo sự lan toả sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân cả nước về tinh thần trách nhiệm, ý thức tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tác giả: H. Hòa

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP