Thế giới

4 năm góp tiền chuộc cứu 26 con tin trong tay cướp biển Somalia

Thái Chính Nguyên, từng là nhà lập pháp Đài Loan kể lại quá trình kêu gọi đóng góp tiền chuộc và đàm phán dài 18 tháng giải cứu đoàn thủy thủ tàu Naham bị cướp biển Somalia bắt giữ năm 2012.

Ông Thái Chính Nguyên, 62 tuổi. Ảnh: Next Magazine


Quá trình đàm phán giải cứu 26 thủy thủ trên FV Naham 3 mang cờ Oman, thuộc sở hữu của một công ty Đài Loan bị cướp biển tấn công gần Seychelles, một quốc gia thuộc châu Phi hồi tháng 3/2012, vô cùng khó khăn, theo lời kể của ông Thái Chính Nguyên.

Các quan chức ở Đài Loan và ở thủ đô ba nước khác lúc đầu thờ ơ với lời kêu gọi giúp đỡ của ông Thái, trong khi các nhà tài trợ lo lắng, yêu cầu đòi hoàn trả khoản tiền chuộc nếu con tin không được thả, theo AP.

"Tôi giữ niềm tin rằng nếu một chính quyền không từ bỏ công dân đang gặp khó khăn, chính quyền đó sẽ được người dân yêu quý", ông Thái nói. Ông từng làm việc trong cơ quan lập pháp Đài Loan 20 năm và hiện làm chủ nhiệm Ủy ban Chính sách Quốc dân đảng.

Năm 2012, khi Thái Chính Nguyên đang làm việc trong cơ quan lập pháp, vợ và con gái của Thẩm Thụy Chương, kỹ sư trưởng trên tàu Naham bị bắt cóc, đến gặp ông nhờ giúp đỡ.

Ông Thẩm và đoàn thủy thủ bị giam ở Dabagala, gần Harardheere, cách thủ đô Mogadishu của Somalia khoảng 400 km trong điều kiện sống vô cùng tồi tệ, Oceans Beyond Piracy, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ giải cứu con tin cho biết. Đoàn thủ thủ bị suy dinh dưỡng và hai người chết vì bệnh tật.

Gia đình ông Thẩm tìm tới ông Thái sau khi tìm gặp nhiều nhà dân cử khác ở Đài Loan bất thành. Ông Thái nổi tiếng sau vụ giúp giải cứu một phụ nữ Đài Loan trong tay nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf ở Philippines năm 2012.

"Họ nói rằng đã đi khắp nơi xin giúp đỡ mà không có tiến triển", ông Thái kể lại. "Họ e ngại vì lúc đó sức khỏe ông Thẩm không tốt và sợ rằng ông không sống nổi ở Somalia".

Ông Thái kể rằng lần đầu tiên nói chuyện xin giúp đỡ với các cơ quan chính quyền ở Đài Loan đều bị từ chối. Chính quyền Đài Loan cũng như chính quyền ở nhiều quốc gia khác e ngại việc đàm phán với hải tặc sẽ khuyến khích nạn bắt cóc.

Cuối cùng, cơ quan ngoại giao Đài Loan đã đồng ý liên lạc với chính quyền Oman và giữ liên lạc với các tổ chức phi chính phủ giúp giải cứu con tin để theo đuổi vụ đàm phán.

Nhóm thủy thủ được trả tự do hôm 22/10. Ảnh: AFP


Trong cuộc họp báo ở Đài Bắc cuối tuần trước, An Phong Sơn, phát ngôn viên Văn phòng đối ngoại Đài Loan cho biết Quỹ Văn hóa Giáo dục Vi Các, một tổ chức từ thiện Đài Loan, đã đóng vai trò tích cực trong việc giải cứu con tin dưới sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng như nhiều tổ chức quốc tế và "các bên liên quan". Lý Truyền Hồng, chủ tịch Quỹ này quyên góp 500.000 USD và kêu gọi các tổ chức khác cùng đóng góp.

Ông Thái yêu cầu các công ty Đài Loan đóng góp khoản tiền chuộc kỹ sư trưởng. Một số công ty miễn cưỡng giao tiền vì sợ cướp biển không thả người, buộc ông Thái phải cam kết hoàn tiền nếu ông Thẩm không được thả.

Ông Thái cũng tìm tới một công ty luật ở Hong Kong để xin trợ giúp pháp lý. Công ty này chỉ tính một khoản phí nhỏ để giữ món tiền chuộc. Vì lý do nào đó, cướp biển Somalia yêu cầu được trả tiền chuộc bằng giấy bạc phát hành năm 2005. Mẫu thiết kế giấy bạc phát hành từ năm 2013 có nhiều tính năng chống làm giả mới.

Thái Chính Nguyên cho biết ông sử dụng tên trung gian để ký hợp đồng với công ty luật nhằm giấu đi cương vị công tác của mình.

"Nếu không làm thế, cướp biển sẽ nghi ngờ chính quyền Đài Loan tham gia và phí chuộc có thể đội lên rất cao", ông cho biết.

Khi tiền chuộc ông Thẩm đã sẵn sàng, cuộc đàm phán với cướp biển lại bị kéo dài vì nhóm cướp biển nhiều lần thay đổi thủ lĩnh do đấu đá nội bộ, ông Thái cho hay.

Ông Thẩm gây thêm khó khăn cho việc đàm phán khi quyết tâm ở lại vì lo sợ những con tin khác có thể bị giết hoặc không được thả nếu không có ông giúp đỡ.

"Lúc đó tôi nghĩ, 'Mình đã 58 tuổi rồi mà nếu mình rời đi, sẽ không ai ở lại làm chủ cho họ", ông Thẩm nhớ lại khi trở về Đài Loan. "Tôi nói với đám cướp biển, 'Nếu tôi đi, tất cả mọi người cùng đi'".

Đối mặt với yêu cầu của ông Thẩm, ông Thái lại tiếp tục kêu gọi đóng góp. Tiền thu được dùng để trả tiền chuộc, viện trợ cho 10 gia đình thủy thủ Trung Quốc nghèo khó và chi phí cho nhà đàm phán, một cựu quan chức Liên Hợp Quốc. Cuộc đàm phán kéo dài 18 tháng.

Ông Thẩm khóc khi được trả tự do và về tới sân bay Đài Loan tuần trước. Ảnh: AFP


Sau khi được thả tự do, ông Thẩm nói rằng "vô cùng cảm kích" những người đã ra tay tương trợ.

Ông Thái từ chối tiết lộ khoản tiền chuộc vì e ngại sẽ khuyến khích nạn cướp biển và bắt cóc con tin. Nhắc lại mọi sự giúp đỡ để giải cứu ông Thẩm và đoàn thủy thủ, Thái Chính Nguyên nói công việc của ông đã kết thúc và hy vọng đặt lên thế hệ các nhà lập pháp trẻ trong tương lai.

"Tôi giờ đã nghỉ hưu rồi", ông nói.

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP