Thế giới

Tranh cãi về vai trò của đập Tam Hiệp trong việc ngăn lũ ở Trung Quốc

Giới quan sát đang tranh cãi về vai trò của đập Tam Hiệp trong việc ngăn chặn lũ lụt trong khi Trung Quốc đang đối mặt với hậu quả nghiêm trọng của thảm họa tự nhiên.

Đập Tam Hiệp, Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Theo Reuters, khi Trung Quốc đang thống kê những thiệt hại của lũ lụt, vai trò của công trình khổng lồ Tam Hiệp - đập được thiết kế để chế ngự sông Dương Tử - trở thành chủ đề gây tranh cãi.

Trong bối cảnh mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua, chính phủ Trung Quốc nói rằng công trình đập thủy điện lớn nhất thế giới có thể giúp giảm đỉnh lũ, giảm thiểu thiệt hại kinh tế, giảm số người chết, và sơ tán khẩn cấp.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng mực nước cao kỷ lục trên sông Dương Tử và các hồ lớn dường như đang gây nên băn khoăn về việc liệu đập Tam Hiệp có đủ khả năng thực hiện đúng chức năng mà nó được thiết kế.

“Một trong những lý do chính để xây đập Tam Hiệp là để kiểm soát lũ, nhưng trong chưa đầy 20 năm sau khi nó hoàn thành, chúng ta chứng kiến mực nước lũ cao nhất kể từ khi (Trung Quốc bắt đầu) thống kê trong lịch sử”, giáo sư Emeritus David Shankman của đại học Alabama (Mỹ) cho biết. Ông Shankman đặt ra hoài nghi rằng liệu Tam Hiệp có thực sự ngăn được lũ lụt nghiêm trọng hay không.

Ông Ye Jianchun, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc hôm qua nói rằng lịch trình xả nước lũ khỏi hồ chứa, đặc biệt là hồ Tam Hiệp, đã có hiệu quả trong việc kiểm soát lũ.

Công ty vận hành đập Tam Hiệp cuối tuần qua nói rằng việc xả nước ở hạ lưu đã giảm một nửa kể từ ngày 6/7, "có hiệu quả trong việc làm giảm tốc độ và mực nước ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử".

Tổng lượng nước lũ được trữ lại hiện đã đạt 88% tổng dung tích của hồ chứa.

Tuy nhiên, trên các khu vực dọc sông Dương Tử, các nhánh sông và hồ lớn như hồ Động Đình và Bà Dương, mực nước đã tăng vượt kỷ lục.

Chuyên gia Fan Xiao, một nhà địa chất học, cho biết khả năng lưu trữ tại Tam Hiệp ít hơn 9% lượng nước lũ trung bình.

“Nó chỉ có thể ngăn chặn một phần và tạm thời lũ lụt ở thượng nguồn, nhưng khó lòng chặn được lũ gây ra bởi mưa lớn ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử”, ông Fan nói.

Ông Fan cho hay Tam Hiệp và các dự án đập lớn thậm chí có thể khiến tình hình lũ lụt trở nên tệ hơn khi làm thay đổi dòng chảy trầm tích ở sông Dương Tử. Nhu cầu tạo ra điện của các dự án cũng có thể làm suy giảm khả năng kiểm soát lũ lụt.

Giáo sư Shankman cho hay đập Tam Hiệp bình thường sẽ có khả năng hỗ trợ giảm lũ lụt, nhưng trong điều kiện thời tiết cực đoan, nó có thể trở nên dễ tổn thương.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP