Số hóa

“Tá hoả” vì sim tứ quý 9 chính chủ giá gần nửa tỷ bỗng dưng bị cắt liên lạc

Bỏ ra số tiền vài trăm triệu đồng để sở hữu sim số đẹp, nhưng anh Long lại vô cùng “sốc” khi nhận được văn bản đơn phương cắt số liên lạc từ tổng đài, dù là sim chính chủ.

Nhiều tháng nay, anh Hoàng Kim Long (Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội) rất mệt mỏi về sự cố xảy ra với mình. Mà theo anh, sự việc lại bắt nguồn từ chính người chủ cũ của chiếc sim anh đã mua.

Cụ thể sự việc theo chia sẻ của anh Long bắt đầu từ ngày 13/8/2019. Thời điểm đó, sau khi đã mua chiếc sim 09xxxx9999, anh Long đã ra phòng giao dịch của Vinaphone để chuyển sang tên chính chủ sim số điện thoại. Nhân viên Vinaphone có yêu cầu anh Long thẻ căn cước và chụp ảnh để hoàn thành thủ tục sang tên chính chủ hợp pháp.

Hợp đồng trả sau chính chủ của anh Long

Có dấu và chữ ký của các bên

Sau đó, tới ngày 04/12/2019, anh Long lại ra phòng giao dịch để chuyển sang thuê bao trả sau chính chủ tên Hoàng Kim Long.

Thế nhưng, một thời gian sau, phía chăm sóc khách hàng của Vinaphone có gọi điện thông báo cho anh rằng, sim của anh Long có tranh chấp. Họ đề nghị anh Long qua bên Phòng bán hàng khu vực 4 tại Hà Nội để giải quyết.

Theo văn bản mà Phòng bán hàng khu vực 4 của Vinaphone gửi cho anh Long ngày 15/04/2020, Phòng này sẽ đơn phương cắt liên lạc số di động của anh vào ngày 30/4/2020 nếu không giải quyết được tranh chấp.

Văn bản đơn phương khoá sim lần 1

“Đến ngày đến ngày 07/04/2020, tôi có qua Phòng bán hàng khu vực 4 của Vinaphone để giải quyết và mang theo hợp đồng trả sau chính chủ tên Hoàng Kim Long. Trong đó có dấu và chữ ký của bên Vinaphone, sim chính chủ đang sử dụng, biên lai cước hàng tháng”, anh Long nói.

Nhưng phía Vinaphone vẫn kiên quyết yêu cầu anh giao ra hợp đồng mua bán với chủ cũ. Sau đó, Phòng bán hàng khu vực 4 lại ra tiếp 1 văn bản vào ngày 22/5/2020. Trong đó khẳng định, đơn vị này sẽ tạm khóa dịch vụ và tiến hành thanh lý hợp đồng số điện thoại của anh Long vào ngày 30/5/2020.

Văn bản đơn phương khoá sim lần 2

Tuy nhiên, điều đáng nói theo chủ nhân của chiếc sim tứ quý 9 này, nhân viên Phòng bán hàng khu vực 4 thông báo là sim có đơn khiếu nại ngày 13/08/2019 của chủ cũ nhưng vẫn đồng thời sang tên cho anh đứng chính chủ.

Điều thứ 2 theo anh là việc, Phòng bán hàng khu vực 4 không xuất trình được đơn khiếu nại của chủ cũ ngày 13/08/2019 với anh.

“Phòng giao dịch Vinaphone khi sang tên cho tôi đã xác minh nguồn gốc sim, hồ sơ của chủ cũ đầy đủ rồi mới hoàn thành làm thủ tục sang tên. Trong khi đó Phòng bán hàng khu vực 4 yêu cầu tôi cung cấp giấy tờ sang tên với chủ cũ, mà việc đó thuộc trách nhiệm lưu trữ hồ sơ của phía Vinaphone, không cấp cho khách hàng bản lưu”, anh Long khẳng định.

Anh Long mua chiếc sim tứ quý 9 qua một người chuyên kinh doanh sim số đẹp là anh Đăng Khoa (TP Hải Dương). Anh Khoa đã mua lại chiếc sim này từ chủ cũ và bán cho anh Long với giá 400 triệu đồng.

Anh Khoa cũng chính là người đã giao dịch trực tiếp với chủ cũ của sim ở phòng giao dịch của Vinaphone tại 97 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Nhưng theo anh Khoa, bên Vinaphone đã giữ hợp đồng đó mua bán đó mà khách hàng không được giữ.

Trao đổi với người chịu trách nhiệm trực tiếp của sự việc này tại Phòng bán hàng khu vực 4 của Vinaphone tại Hà Nội, PV chỉ nhận được câu trả lời rằng, chưa có kế hoạch cụ thể và chưa xin được ý kiến từ lãnh đạo các cấp. Vì còn phải báo cáo, lên kế hoạch làm việc tới cấp trên.

Song, khi PV xin liên lạc với lãnh đạo cấp cao hơn tại Phòng bán hàng thì đại diện này cho biết, chính mình là người liên hệ trực tiếp và chịu trách nhiệm để trao đổi và phản hồi thông tin, còn lãnh đạo không trực tiếp xử lý.

Nhưng ngay sau đó người này lại cho biết, đã báo cáo rồi, đang chờ ban lãnh đạo các cấp có chỉ đạo và triển khai.

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP