Kinh tế

Profile học vấn của các tỷ phú Việt: 5/6 người có thành tích xuất sắc ngành Toán hoặc Kỹ thuật, "vua thép" Trần Đình Long giỏi Văn - Toán song toàn

Các tỷ phú đô-la của Việt Nam đều là những người có thành tích học tập xuất sắc nổi bật.

Dù Shark Tank Việt Nam mùa 4 đã kết thúc nhưng Shark Bình vẫn trở thành tâm điểm của dư luận sau khi đăng 1 câu đố toán học cùng bình luận: "Bạn đã hiểu vì sao chơi nhiều, học kém nhưng vẫn có nhiều người thành công ở trường đời hơn các bạn Top đầu lớp chưa??? Vì họ không phí tuổi thơ vào những bài toán khó, vô bổ cho cuộc sống như này".

Sau khi nhận về quá nhiều "gạch đá", ông chủ NextTech đã phải "chữa cháy" bằng lời giải thích với luận điểm "giáo dục Việt Nam cần giảm tải và bổ sung thêm các nội dung về xã hội, nhân văn và kỹ năng sống tốt". Dẫu vậy, những quan điểm của Shark Bình vẫn nhận về nhiều phản ứng trái chiều, từ cả cộng đồng mạng và những người có ảnh hưởng.

Trong lúc chưa rõ nhận định "chơi nhiều, học kém nhưng vẫn có nhiều người thành công ở trường đời hơn các bạn top đầu lớp" được xác thực ở thống kê nào, hãy cùng xem những người giàu nhất Việt Nam - những người thành công nhất ở thương trường hiện tại, từng học những ngành gì và kết quả học tập của họ ra sao.

Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup

Những năm 1980, thông qua mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước Đông Âu - đặc biệt là Liên Xô (cũ), Việt Nam đã gửi rất nhiều học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc nhất sang học tập, về kinh tế - tài chính đến khoa học - kỹ thuật. Thời kỳ đó, du học Liên Xô là niềm mơ ước thoát nghèo của nhiều thanh niên Việt Nam.

Ông Phạm Nhật Vượng cũng thuộc lớp thanh niên ưu tú khi ấy. Vị tỷ phú từng là học sinh khoá 9 (1982 – 1985) tại trường THPT Kim Liên. Sau khi tốt nghiệp, ông Vượng thi đỗ vào trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội. Năm 1987, nhờ thành tích xuất sắc về toán học, ông Vượng giành suất học bổng du học tại Học viện địa chất Moscow, chuyên ngành kinh tế và địa chất.

Sau khi tốt nghiệp và kết hôn với người bạn gái đại học, vợ chồng ông Vượng chuyển tới thành phố Kharkov, mở một cửa hàng ăn lấy tên Việt Nam Thăng Long. Sau đó, ông khởi nghiệp với thương hiệu mì gói Mivina, mở đầu cho hành trình gây dựng khối tài sản hàng tỷ USD cũng như Tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam - Vingroup.

Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank

Tỷ phú Hồ Hùng Anh cũng nằm trong thế hệ các doanh nhân Việt khởi nghiệp tại Đông Âu. Ông thi đỗ vào khóa 22 đào tạo Kỹ sư tại Học viện Kỹ thuật Quân sự năm 1987. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, ông được cử đi du học ngành kỹ thuật quân sự tại Liên Xô. Sau đó, ông chuyển sang theo học ngành kỹ sư điện tại trường đại học Bách Khoa Kiev, Ukraine.

Trong thời sang sống tại Đông Âu, ông Hùng Anh quen biết ông Nguyễn Đăng Quang. Mối liên hệ của hai vị tỷ phú được Forbes mô tả là "hai đối tác kinh doanh thân thiết" và "có quan hệ đan xen". Ông Hồ Hùng Anh cùng tham gia với ông Nguyễn Đăng Quang trong việc điều hành Mansan Rus Trading tại Nga, tiền thân của tập đoàn hàng tiêu dùng Masan.

Ông Hồ Hùng Anh từng giữ chức tổng giám đốc Masan Rus Trading từ năm 1997 đến 2004. Theo Forbes, trong những năm 1990, ông Hùng Anh cũng buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam và Đông Âu.

Trở về Việt Nam, ông Hùng Anh tiếp tục gắn bó với ông Quang trong việc xây dựng Masan. Đến tháng 4/2018, ông Hùng Anh từ bỏ mọi chức vụ tại Masan để tập trung cho Techcombank.

Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Tập đoàn Masan

Dù sự nghiệp gắn với các ngành kinh tế nhưng ông chủ Masan có thành tích học tập cực khủng trong ngành kỹ thuật và là gương mặt tiêu biểu của "thế hệ vàng" du học sinh Việt Nam tại Đông Âu những năm 1980-1990.

Ông Nguyễn Đăng Quang sinh ra tại mảnh đất miền Trung nghèo. Nhờ vào thành tích học tập xuất sắc, ông Quang đã có cơ hội ra nước ngoài du học và theo đuổi con đường học vấn. Ông tốt nghiệp học vị Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại đại học Kinh tế Nga Plekhanov. Bên cạnh đó, ông còn có trong tay tấm bằng Tiến sĩ vật lý hạt nhân tại Đại học Vật lý ứng dụng – Viện Hàn lâm khoa học Belarus.

Hồi mới nổi, nhiều người hỏi "nghe nói nhà nước cho ông học hành dữ dằn, học về vật lý hạt nhân (học vị Tiến sĩ) nhưng sao lại đi buôn mỳ gói?", người đứng đầu Masan trả lời tại Đại hội cổ đông 2019: "Hơn hai mươi năm trước, tình hình kinh tế Việt Nam còn khó khăn, nhu cầu "no bụng" người Việt Nam là rất cấp thiết, cách tốt nhất và nhanh nhất mà họ có được là một gói mì.

Đến một ngày, Masan phát hiện ra không chỉ riêng gì người Việt Nam mà còn 140 triệu người dân Nga cũng cần gói mì để giải quyết cơn đói lòng".

Hiện nay, Masan đang là một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam, với mảng hàng tiêu dùng (Masan Consumer), tài chính ngân hàng (Techcombank), khoáng sản (Masan Resources), thịt (Masan MEATlife), bán lẻ (Vincommerce).

Bà Nguyễn Phương Thảo – Tổng giám đốc Vietjet Air

Nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam sinh ra trong một gia đình có điều kiện tại Hà Nội. Bà Nguyễn Phương Thảo có cơ hội đi du học từ năm 17 tuổi và sớm nổi tiếng trong cộng đồng với thành tích học tập xuất sắc và tài kinh doanh thiên bẩm.

Nữ tỷ phú có 2 bằng cử nhân, 1 bằng Tiến sĩ:

- Cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Moscow

- Cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động trường Kinh tế quốc dân Moscow

- Tiến sĩ ngành điều khiển học kinh tế của học viện Mendeleev.

Với việc gây dựng và phát triển thành công hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air, bà Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, bà Thảo cùng với chồng là doanh nhân Thanh Hùng, còn điều hành hệ sinh thái Sovico Group – tập đoàn hoạt động trong ngành hàng không, tài chính ngân hàng, năng lượng, bất động sản.

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát

Trong một cuộc phỏng vấn của mình, ông Trần Đình Long từng tiết lộ là một học sinh giỏi văn và mê văn học cổ điển, thường có tên trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Tuy nhiên, bước vào ngưỡng cửa đại học, ông lại chọn ngành Toán kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân.

Một nhân viên của Hoà Phát nhận xét: "Chắc do học Toán kinh tế nên sếp rất kỹ và chi tiết về số liệu về các dự án trước khi đưa ra quyết định, nhưng lại rất linh hoạt với biến động của thị trường. Và cũng có lẽ vì logic kiểu toán nên sếp thường căn cứ vào thực tiễn để điều chỉnh hướng đi chứ không có những giấc mơ kiểu ‘thay đổi thế giới’ như các VIP khác".

Từng có lúc bị “đồng nghiệp cùng ngành” mỉa mai là "không biết gì về thép", ông Trần Đình Long cùng các cộng sự của mình đã gây dựng Hoà Phát trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam. Hồi tháng 4/2021, nhờ giá cổ phiếu thăng hoa, ông chủ Hoà Phát còn vượt qua tỷ phú Nguyễn Phương Thảo để trở thành người giàu thứ 2 Việt Nam, với giá trị tài sản khoảng 2,7 tỷ USD.

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải

Ông Trần Bá Dương sinh ra trong một gia đình có đông anh chị em tại Thừa Thiên – Huế, nhưng lớn lên ở Đà Lạt. Ông theo học và có bằng cử nhân Đại học Bách Khoa TP.HCM chuyên ngành Máy nâng chuyển bốc xếp.

Sau khi tốt nghiệp, ông Dương xin làm công nhân sửa chữa ô tô, công việc đầu tiên là vét mỡ bò, sau đó dần được đề xuất lên vị trí quản lý. Vị doanh nhân sáng lập THACO vào năm 1997, ban đầu chỉ bán xe.

Một thời gian sau, THACO bắt đầu lắp ráp xe cho các thương hiệu quốc tế như Kia, Mazda và Peugeot. Đến nay, THACO là một trong những công ty xe lớn nhất Việt Nam.

Tác giả: Ngọc Diệp

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP