Kinh tế

Nghệ An: Hành tăm rớt giá còn 13.000 đồng/kg vẫn ‘bí’ đầu ra

Tại Nghệ An giá hành tăm chỉ còn 13.000 đồng/kg nhưng cũng không có người thu mua khiến bà con nông dân xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc như đang ngồi trên đống lửa.

Những ngày này về xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An nhìn đâu cũng thấy cảnh người dân tụ tập thành từng nhóm bàn chuyện “đào hành hay lấp hành”, rồi từng chiếc xe máy chở sau là những bao đựng hành chạy quanh tìm chỗ bán. Đang vào vụ thu hoạch chính trong năm, dù giá hành tăm rớt xuống chỉ còn 13 -14.000 đồng/kg nhưng vẫn không có thương lái đến thu mua.

Người dân xã Nghi Lâm thu hoạch hành về nhà cất giữ.

Bên bờ ruộng hành tăm đã héo, ông Nguyễn Sỹ Cương (55 tuổi) đang đào hành để về nhà để cất giữ. Ông Cương cho biết, nhiều năm liên tục thấy hành tăm được mùa được giá nên vụ vừa qua, gia đình ông trồng thêm 1 sào hành, tổng cộng gia đình có 5 sào hành tăm. Có lúc giá hành tăm đạt đỉnh 50.000 - 60.000 đồng/kg, năm nay ngay từ đầu mùa giá mua đã thấp chỉ có 20.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ rớt xuống còn 13.000 đồng/kg cũng không có ai mua. Nếu như các năm trước mỗi sào bán được 15 triệu đồng tiền hành, thì năm nay sau khi trừ đi các chi phí, gia đình ông Cương chỉ thu về được khoảng 5 - 7 triệu đồng/ sào.

"Lần đầu tiên trong gần chục năm trồng hành, năm nay lại rớt giá thảm hại. Nếu để lâu ngoài đồng thì sợ hành lên xanh, chất lượng hành không đảm bảo, nên gia đình ông phải thêm tiền mua trấu về lấp gốc, và đào hành dần đem về nhà bảo quản, chờ thương lái đến thu mua", ông Cương ngậm ngùi.

Ông Nguyễn Sỹ Cương chỉ nhổ cầm chừng dù ruộng hành đã đến kỳ phải thu hoạch.

Niềm vui được mùa cũng không trọn vẹn với gia đình bà Trần Thị Thu (67 tuổi) khi gần 3 sào hành tăm đến thời điểm thu hoạch không bán được. Không có đầu ra, gia đình bà Thu cũng đành nhổ hành từ từ mang về nhà cất giữ chứ để lâu ngoài ruộng lại hư, vì theo bà hành đến kỳ thu hoạch cũng chỉ để được ngoài ruộng từ 7- 10 ngày còn để lâu hành xốp hoặc lên xanh, lúc đó cho cũng không ai lấy chứ không phải mua.

"Mấy năm trước người đến mua hành rất nhiều nhưng năm nay các thương lái trong tỉnh và trong Nam đều từ chối vì hành trong đó cũng xuống giá, khó tiêu thụ. Nếu hành để lâu không bán được thì rất dễ hỏng", bà Thu thở dài.

Bà Lê Thị Duyên – phòng địa chính nông nghiệp UBND xã Nghi Lâm - cho hay: hành tăm là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, và hành ở Nghi Lâm đã đạt chuẩn VietGap. Toàn xã có khoảng 1.500 hộ dân trồng hành cây hành tăm trên diện tích khoảng gần 103 ha, mỗi năm trồng 1vụ khoảng chừng 7-8 tháng, từng cho thu nhập ổn định cho người dân cả xã. Một sào hành có thể đạt 5 đến 6 tạ, nếu mức giá ổn định từ 30.000 đến 35.000 đồng một kg. Mức thu nhập này cao gấp 3 đến 4 đến lần trồng lúa, ngô".

Nóng ruột khi hành không có người mua, bà Thu đành thu hoạch nhỏ giọt đưa đi các chợ trong vùng, hoặc tìm đến tận nhà các thương lái trong xóm tiêu thụ nhưng số lượng cũng không đáng kể.

Tuy nhiên, năm nay hành lại "được mùa, mất giá" nên người dân cũng đã dần thu gom, cất giữ chờ giá lên. Hiện tại có khoảng 1/3 diện tích đã được thu hoạch nhưng cũng chứ tiêu thụ hết, chưa kể lượng hành còn rất lớn ở ngoài ruộng.

"Hành tăm rớt giá chỉ còn 13.000 đồng/kg, chắc chắn bà con sẽ phải chịu lỗ. Hiện nay, dù giá hành xuống thấp nhưng không có thương lái đến thu mua, lượng hành tồn đọng còn cả trăm tấn. Nhưng chính quyền xã cũng đang loay hoay chưa có hướng để tìm thị trường tiêu thụ, giải cứu hành giúp bà con", bà Duyên nói.

Bà Nguyễn Thị Lâm- xóm trưởng xóm 8, xã Nghi Lâm cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, hành được mùa nhưng giá bán thời điểm này năm ngoái là 40.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 14.000 đồng/kg, có lúc tư thương ép giá xuống còn 12-13.000 đồng/kg cũng phải bán.

Hành tăm có củ trắng to bằng ngón tay út hay hạt ngô, là một trong những đặc sản xứ Nghệ, thường được người dân địa phương dùng thay thế hành củ ngoài Bắc. Theo Đông y, hành tăm có thể trị cảm hàn.

“Giá tuy rẻ nhưng thu hoạch đến đâu vẫn phải chịu khó tìm đầu ra đến đó. Hành tăm phơi khô hoặc sấy khô có thể bảo quản được lâu nhưng nếu ghim hàng chờ giá, lỡ không bán được thì chỉ có đổ đi vì không thể làm thức ăn cho gia súc được. Đến thời điểm này, gia đình tôi chỉ mới thu hoạch cầm chừng, vì giá cả chưa bằng 1/3 so với năm trước”, bà Lâm thông tin.

Hành tăm hiệu quả kinh tế cao, không lo đầu ra nên nhiều hộ gia đình đã không ngần ngại tăng diện tích. Vì thế, năm nay diện tích hành tăm tại Nghi Lâm tăng đáng kể. Câu chuyện được mùa rớt giá lại đang xảy ra với sản phẩm hành tăm xứ Nghệ.

Cũng theo bà Lâm, chưa năm nào diện tích hành tăm nhiều và giá giảm sâu như năm nay. Vì vẫn có tâm lý chờ giá nhích, một số hộ hiện thu hoạch cầm chừng nên đến thời điểm hiện nay, diện tích thu hoạch mới chỉ đạt 1/3 diện tích cùng thời điểm này năm trước.

Nếu như các năm trước các thương lái tìm đến tận ruộng để thu mua hành thì năm nay người dân tìm đến tận nơi các thương lái để bán nhưng các thương lái cũng chỉ mua cầm chừng.

Trên 10 năm làm nghề thu mua hành tăm, chị Trần Thị Hải một thương lái ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc), chia sẻ: “Thú thật, giờ hành tăm có rẻ hơn nữa tôi cũng không bán ra được nhiều vì mỗi ngày, bằng hết khả năng của mình, tôi chỉ tiêu thụ khoảng 5 tạ hành của bà con Nghi Lâm. Tôi đâu có pháp nhân để xuất khẩu, mà chỉ chạy khắp các chợ trong tỉnh, cũng như để bỏ mối cho tiểu thương nơi xa”.

Theo chị Hải, hành năm nay mất giá do không chỉ ở Nghi Lâm diện tích trồng hành tăng lên mà các huyện trong cả tỉnh cũng tăng diện tích, lại thu hoạch cùng thời điểm nên không thể bán được nhiều. “Tôi cho rằng dù cố gắng đến mấy thì bà con trồng hành ở Nghi Lâm cũng khó chờ được ngày giá hành bán ra cao hơn. Chỉ khi có các công ty lớn thu mua chế biến, xuất khẩu mới "giải cứu" được nông dân Nghi Lâm mà thôi”, chị Hải nói.

Giải pháp duy nhất là... giảm diện tích

Trao đổi với PV Báo Công Thương, bà Lê Thị Duyên – phòng phòng địa chính nông nghiệp UBND xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) nói: “Toàn xã Nghi Lâm đã tăng gần 30 ha so với năm trước, nâng diện tích trồng hành lên 103 ha, cả xã có 12 xóm thì cả 12 xóm đều trồng hành. Hành tăm là cây trồng phù hợp nhất với vùng đất Nghi Lâm. Mặc dù xã có chủ trương, kế hoạch chỉ giữ nguyên diện tích trồng hành nhưng từ những thửa ruộng rìa người dân lại tiếp tục tăng diện tích trồng hành nên dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”.

Theo bà Duyên, giá hành giảm sâu là do sản lượng sản xuất tại địa phương tăng nếu như năm 2020 là 847 tấn thì năm 2021 này đã tăng lên gần 1.000 tấn, lại chỉ có thể tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong khi đó, nhiều tỉnh thành khác đều có trồng hành tương đối lớn. “Tôi thấy rằng chỉ còn cách duy nhất để giải quyết tình hình khó khăn đối với cây trồng chủ lực của huyện là giảm diện tích trồng hành”, bà Duyên nói.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP