Kinh tế

Cuộc chiến 'ông trùm' thép, đại gia Lê Phước Vũ thất thế

Sự bứt phá dữ dội của các đối thủ khiến doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ trượt dài. Đây cũng là cơ hội để ông trùm ngành tôn thép tìm cách củng cố lại vị thế của mình.

CTCP Tập đoàn Hoa Sen - Hoa Sen Group (HSG) của ông Lê Phước Vũ vừa quyết định sẽ lấy ngày 1/6 để chốt danh sách cổ đông phát hành gần 35 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm tài chính 2016-2017 tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận về 1 cổ phiếu mới.

Giá trị phát hành theo mệnh giá gần 350 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 30/9/2017 theo BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2016-2017 của công ty.

Đây là một bước đi giống với Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú USD Trần Đình Long.

Nghị quyết HĐQT của HPG gần đây đã quyết định không trả cổ tức cho cổ đông cho dù lãi lớn trong năm 2017, thay vào đó chia cổ tức 40% và huy động thêm hơn 5.000 tỷ đồng, dồn lực cho Đại dự án thép Dung Quất được (dự kiến tổng vốn đầu tư 52 ngàn tỷ đồng) thực hiện đúng tiến độ đề ra.

Nỗ lực triển khai đại dự án thép Dung Quất, Quảng Ngãi là một bước đi của HPG nhằm củng cố vững chắc thị phần số 1 về thép xây dựng ở miền Bắc và tấn chiếm thị trường thép xây dựng ở miền Nam.

Quyết định của ông Lê Phước Vũ được đưa ra trong bối cảnh doanh thu của HSG tăng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm. Trong năm tài chính 2016-2017 Hoa Sen Group đạt lợi nhuận hơn 1,3 ngàn tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối tính đến 30/9/2017 đạt 1.446 tỷ đồng.

Lựa chọn chia cổ phiếu thưởng và giữ lại lợi nhuận có lẽ không gì khác ngoài mục tiêu đẩy mạnh đầu tư để theo kịp với 2 ông lớn ngành thép đang phát triển như vũ bão: Tập đoàn Hòa Phát và Kyoei của Nhật.

Gần đây HSG của ông Lê Phước Vũ rơi vào tình trạng khá bi đát: trượt dài trước HPG với thị phần sụt giảm mạnh, vay nợ tăng vọt trong khi lợi nhuận không những không được cải thiện mà tụt giảm về mức của 4 năm trước.

Vay nợ tăng cao khiến chi phí lãi vay của HSG tăng tới 70%. Tổng nợ ngắn hạn của HSG lên tới hơn 12,6 ngàn tỷ đồng. Trong quý 1/2018, HSG chỉ còn lãi 87 tỷ đồng, thấp nhất trong nhiều năm qua.

Ở mảng thép, HSG bị HPG và Kyoei bỏ xa. Trong khi đó, với mảng thế mạnh tôn mạ, thị phần của Hoa Sen cũng tụt giảm khá nhanh từ mức gần 41% năm 2012 xuống chỉ còn dưới 35% như hiện tại, mà nguyên nhân đến từ tốc độ tăng trưởng đầu tư thấp hơn trung bình ngành.

Trong vòng khoảng 4 tháng qua, cổ phiếu HSG đã giảm khoảng 50%, từ mức trên 28.000 đồng/cp xuống 14.500 đồng/cp như hiện tại. Giá trị vốn hóa của Tập đoàn Hoa Sen đã giảm khoảng 5.000 tỷ đồng.

So với đỉnh cao cách đây gần 1 năm, HSG còn giảm mạnh hơn. HSG từng ghi nhận mức giá cao lên tới 33.000 đồng/cp. Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu này đã liên tục giảm do lợi nhuận gây thất vọng và áp lực bán ròng từ khối ngoại cũng như những phi vụ giao dịch ở đỉnh của chính ông Lê Phước Vũ.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền chảy vào các cổ phiếu có dấu hiệu giảm khá mạnh. Thị trường chứng kiến những phiên tăng giảm đan xen, cứ sau một phiên tụt giảm mạnh, chỉ số VN-Index lại hồi phục. Tuy nhiên, thanh khoản đang theo 1 chiều đi xuống khá đáng ngại.

Trong phiên cuối tuần qua, dòng tiền bắt đáy nhập cuộc giúp VN-Index tăng gần 16 điểm. Tuy nhiên, lực cầu nhìn chung vẫn thấp. Dòng tiền hiện quanh quẩn trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và một số cổ phiếu bất động sản và bán lẻ.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ sau một thời gian điều chỉnh giảm đang tăng trở lại khá mạnh, trong đó có Thế Giới Di Dộng (MWG), Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Theo nhiều công ty chứng khoán (CTCK), xu hướng phục hồi trong phiên cuối tuần không thực sự đáng tin cầu.

BVSC cho rằng, thanh khoản thấp đang khiến cho xu hướng qua từng phiên của chỉ số VN-Index không thật sự đáng tin cậy. Nhiều khả năng diễn biến này sẽ tiếp tục duy trì trong các phiên đầu tuần tới. Xu hướng chỉ thực sự rõ nét khi có sự xác nhận của thanh khoản. Khả năng tăng hoặc giảm điểm đều có cơ hội tương đương.

BSC cho rằng, thấy lực cầu vẫn khá dè dặt trong khi áp lực bán ra vẫn còn hiện hữu. Khối ngoại vẫn đẩy mạnh cơ cấu, bán ra tại nhiều cổ phiếu chủ chốt cũng khiến cho xu hướng hồi phục khó khăn và mức độ dao động chỉ số lớn. VN-Index vẫn đang ở vùng nhạy cảm, theo đó khả năng tăng về 1.100 điểm theo mô hình W và giảm về vùng hỗ trợ dưới 950-970 điểm có cơ hội như nhau.

VDS cho rằng, cần thêm thời gian để bắt đầu xu hướng tăng.

Kết thúc phiên giao dịch 11/5, VN-index tăng 15,98 điểm lên 1.044,85 điểm; HNX-Index tăng 1,82 điểm lên 122,77 điểm. Upcom-Index tăng 0,05 điểm lên 56,08 điểm. Thanh khoản đạt 180 triệu cổ phần. Giá trị đạt 4,8 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP