Xã hội

Bà Phạm Thị Yến khẳng định ‘không xúc phạm, không xin lỗi’ gia đình cô gái giao gà bị sát hại

Trước những phát ngôn dậy sóng dư luận và có phần xúc phạm đến gia đình, vong linh nữ sinh giao gà bị sát hại ở Điện Biên, bà Phạm Thị Yến biện hộ: Đây là do có người hỏi nên bà trả lời và cho rằng: “Tôi chỉ trả lời rất bình thường theo tư duy nhân quả của Phật pháp".

Liên quan đến nghi vấn chùa Ba Vàng tổ chức truyền bá vong báo oán, giải nghiệp, đặc biệt, một clip quay lại cảnh bà Phạm Thị Yến phật tử chùa Ba Vàng đưa vụ việc nữ sinh giao gà bị sát hại tại Điện Biên ra bàn luận về luật nhân quả đã khiến cộng đồng mạng bức xúc. Sự việc khiến gia đình nạn nhân Cao Thị Mỹ Duyên vô cùng phẫn nộ.

Nói về những phát ngôn của mình, bà Phạm Thị Yến cho rằng, bản thân không muốn thanh minh bất cứ điều gì về những phản ánh của báo chí nêu ra vì bà cho rằng con đường tu tập muốn “thành đạo” phải như vậy.

Bà Phạm Thị Yến. Ảnh: cắt từ clip.

Theo phật tử này, người quan trọng nhất với bà hiện tại là Đức Phật, do đó không được làm ảnh hưởng đến Đức Phật. “Ví dụ, Người (Đức Phật) nói có nhân quả mà tôi nói không có sẽ làm ảnh hưởng đến Phật. Khi Phật nói có nhân quả, tôi cũng nói có sẽ không ảnh hưởng đến Phật”, bà Yến nói.

Trước những phát ngôn dậy sóng dư luận và có phần xúc phạm đến gia đình, vong linh nữ sinh giao gà bị sát hại, bà Yến biện hộ: Đây là do có người hỏi nên bà trả lời và bà cho rằng: “Việc trả lời này theo đúng nhân quả như lời Phật dạy. Ở đây tôi chỉ trả lời rất bình thường theo tư duy nhân quả của Phật pháp chứ không nhằm mục đích gì khác”.

Bà Yến cho biết, bản thân ‘không xúc phạm' nên 'không xin lỗi’ gia đình nạn nhân Duyên.

Bà Yến nhiều lần nói bản thân chưa nghĩ tới việc xin lỗi đối với gia đình nữ sinh Duyên sau những phát ngôn của mình. “Tôi không có gì xúc phạm tới bác ấy (mẹ nữ sinh Duyên), mà xúc phạm do những người nâng cao quan điểm vấn đề. Cả một bài tôi không có gì xúc phạm mà trả lời đúng với tinh thần nhà Phật. Là con người mà tôi lại có tâm ý đi xúc phạm người ta hay sao. Đó là do những người có cái tâm ô uế, người ta nói vào và việc đó của người ta”, bà Yến biện mình sau những gì mình nói.

Trước đó, liên quan đến nghi vấn chùa Ba Vàng tổ chức truyền bá vong báo oán, giải nghiệp, lãnh đạo UBND TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cho biết, Công an TP Uông Bí sẽ triệu tập bà Phạm Thị Yến - người đứng ra tuyên truyền về vong báo oán tại chùa lên làm việc sau khi có đủ các chứng cứ xác đáng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, chủ tịch UBND TP Uông Bí, cho biết hiện nay chính quyền đang chỉ đạo các cơ quan vào cuộc liên quan đến việc chùa Ba Vàng tổ chức truyền bá vong báo oán.

Hiện UBND thành phố yêu cầu Công an thành phố tiếp tục củng cố các chứng cứ, đồng thời dựa trên các video có sẵn của báo Lao Động ghi nhận được để xác minh toàn bộ danh sách những người xuất hiện trong video, gồm cả những người bị “vong nhập” lẫn những người rao giảng về vong báo oán; kiểm tra việc đăng ký tạm trú, tạm vắng và các hoạt động tại chùa để làm rõ.

Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi dựng lên những điều thần kỳ, bí ẩn để lôi kéo người khác xem bói, gọi hồn, nhập vong không có thật, là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

“Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi”, luật sư Thanh dẫn giải.

Luật sư Giang Hồng Thanh nhấn mạnh, nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn tiếp tục vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan” theo Điều 320 Bộ luật hình sự.

Đối với phát ngôn của bà Phạm Thị Yến, nếu gia đình nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên cảm thấy bị tổn thương, họ có quyền yêu cầu bà Yến xin lỗi, bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần. Theo quy định tại khoản 2 Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

“Trong trường hợp bà Yến không chấp nhận, gia đình có quyền khởi kiện bà Yến ra Tòa án để yêu cầu Tòa án buộc bà Yến phải xin lỗi, bồi thường”, luật sư Giàng Hồng Thanh nói thêm.

Tác giả: Định Nguyễn

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP