Pháp luật

Vụ thu 2 triệu/máy gặt ở Nghệ An: Cần điều tra nếu có dân xã hội đen bảo kê?

Đó là ý kiến của Luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty Luật Bắc Nam (Đoàn luật sư Tp Hà Nội) về những lý giải của đại diện chính quyền xã Bắc Thành (Yên Thành, Nghệ An) quanh vụ "thu 2 triệu/máy gặt".

Nghệ An: Huyện Yên Thành trả lại dân tiền thu sai
Nghệ An: Nhiều chủ máy gặt “méo mặt” vì bị… công an xã thu tiền “bảo kê”?

Theo thông tin từ bài trước đăng trên Infonet, để được hoạt động thu hoạch lúa vụ hè thu cho bà con trên địa bàn xã Bắc Thành, các chủ máy gặt lúa phải nộp cho chính quyền địa phương 2 triệu đồng tiền bảo lãnh. Số tiền này đều được nạp cho công an xã Bắc Thành mà không có một giấy tờ, hóa đơn nào. Chủ máy nào không đóng tiền sẽ không được phép “xuống ruộng”.

Hiện đã có 19/21 máy gặt lúa hoạt động ở địa bàn này nộp tiền bảo lãnh cho chính quyền địa phương với tổng số tiền là 38 triệu đồng. Hai máy còn lại là người dân địa phương nên được “khất nợ” để sau.


Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Thùy, Phó chủ tịch UBND xã Bắc Thành thừa nhận đó là chủ trương do xã đề ra với mục đích nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, giúp bà con nông dân sớm hoàn thành thu hoạch mùa vụ. Đây cũng là biện pháp nhằm khắc phục tình trạng xã hội đen bảo kê thu tiền của các chủ máy gặt lúa trên địa bàn.

Theo ông Thùy, các vụ mùa thu hoạch trước xuất hiện rất nhiều tình trạng các băng nhóm xã hội đen bảo kê máy gặt khiến giá thu hoạch lúa đội lên cao. Ngày 31/8, khi một số người từ Nam Định đưa máy gặt về trên địa bàn thu hoạch lúa, một số đối tượng lạ mặt đi theo xuống ruộng thu tiền bảo kê với giá 20.000 đồng/sào.

Ông Thùy lý giải, trước thực trạng mất an ninh như vậy, chính quyền xã đã ra chủ trương yêu cầu các chủ máy gặt khi hoạt động trên địa bàn xã này phải đăng ký tạm trú, tạm vắng; ký cam kết an ninh và nộp 2 triệu đồng tiền bảo lãnh hợp đồng.

“Nếu muốn hoạt động thì các chủ máy phải cam kết các biên bản đầy đủ, không được phép thu hơn 160.000 đồng/sào và nộp 2 triệu đồng tiền bảo lãnh. Loại máy này to lớn như thế khi di chuyển sẽ làm hư hỏng cầu cống, đường sá nên số tiền này là để đảm bảo cho việc sửa chữa sau này”, ông Thùy nói

Trước những thông tin này, dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi. Để góp cái nhìn về pháp luật, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Danh Huế (Công ty Luật Bắc Nam, Đoàn luật sư Tp Hà Nội) về vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty Luật Bắc Nam (Đoàn luật sư Tp Hà Nội)


Thưa luật sư, Infonet và một số báo đưa tin về việc xã Bắc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) thu 2 triệu đồng/1 máy gặt đến gặt thuê cho bà con ở đây. Theo luật sư, những lý giải như đại diện chính quyền xã trình bày có thể chấp nhận được không?

Theo tôi đây là những lý giải hoàn toàn không thể chấp nhận được của chính quyền xã Bắc Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An). Trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho người dân đương nhiên thuộc về chính quyền địa phương, họ đã được trả lương để làm việc đó nên không thể lấy lý do thu tiền để đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương mình.

Thưa luật sư, vậy họ lấy đâu căn cứ để làm vậy?

Theo tôi thì việc người dân thuê máy gặt để gặt lúa là sự thỏa thuận dân sự giữa các cá nhân, chính quyền địa phương không có lý do gì để yêu cầu các chủ máy đóng tiền đặt cọc. Trường hợp các chủ máy có những hành vi gây mất trật tự an ninh tại địa phương hoặc vi phạm pháp luật thì chính quyền có thể tiến hành lập biên bản và xử phạt theo quy định của pháp luật. Cũng không thể lấy lý do thu đặt cọc để đảm bảo cho việc máy gặt có thể gây hỏng đường giao thông vì đường giao thông được làm ra để phục vụ cho nhu cầu đi lại và sản xuất kinh doanh của người dân, nếu những phương tiện nào không được phép lưu thông hay khi lưu thông phải nộp thuế phí cũng cần có quy định cụ thể, công khai và phải phù hợp với các quy định của pháp luật.

Việc "thay vì nộp tiền cho bảo kê", chủ máy gặt phải nộp tiền cho xã, sự việc này có gây hiệu ứng xấu cho xã hội không?

Việc này sẽ gây một hiệu ứng rất xấu cho xã hội, người dân sẽ mất hết niềm tin vào chính quyền sở tại vì họ sẽ cho rằng chính quyền không làm tròn bổn phận của mình trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thậm chí, họ còn đặt vấn đề, liên tưởng mối liên quan giữa chính quyền xã và xã hội đen.

Theo luật sư, cần phải làm thế nào để những kiểu "lạm thu” như vậy không còn nữa?

Thời gian gần đây việc lạm thu diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là các vùng nông thôn, nguyên nhân thì có rất nhiều và để giải quyết vấn đề này cần phải có một giải pháp đồng bộ. Số lượng biên chế cấp xã thì có hạn nhưng bộ máy lại quá cồng kềnh cũng là nguyên nhân của việc lạm thu để nuôi bộ máy, ngoài ra công tác cán bộ không minh bạch, tình trạng con ông cháu cha vẫn còn đã tạo thành một ê kíp lộng quyền rồi bao che cho nhau khiến cho người dân mặc dù bức xúc nhưng cũng không biết phải trông chờ vào đâu. Một nguyên nhân nữa là nhận thức của nhiều người dân chưa tốt nên mặc dù biết nhiều khoản thu rất vô lý nhưng do tâm lý cam chịu, ngại đụng chạm với chính quyền nên nhắm mắt nộp cho qua khiến việc lạm thu càng ngày càng phổ biến.

Vụ việc này cần xử lý thế nào cho hợp lý, thưa luật sư?

Theo tôi cơ quan công an huyện Yên Thành cần vào cuộc điều tra làm rõ, nếu thực sự có việc bảo kê của xã hội đen thì cần khởi tố ngay vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” theo điều 135 BLHS. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ việc thu tiền của chính quyền địa phương và làm rõ các sai phạm, nếu việc thu tiền sai do thiếu hiểu biết thì có thể kỷ luật các cá nhân và tổ chức về mặt đảng và chức vụ trong chính quyền, nếu có dấu hiệu tư lợi thì cần khởi tố vụ án hình sự để lấy lại niềm tin của nhân dân.

Xin cảm ơn luật sư!

Tác giả bài viết: Hồng Chuyên (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP